Khách hàng được gia hạn nợ do dịch COVID-19

23/02/2020 - 07:00

PNO - Nhiều ngân hàng thông báo giảm lãi suất vay, khoanh nợ, giãn nợ trong bối cảnh các doanh nghiệp hoạt động đình trệ do dịch COVID-19.

Trút bỏ một phần gánh nặng

Anh Ngọc - ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An - cho biết, cả gia đình anh sống nhờ vào 2 ha dưa hấu, năng suất đạt gần 25 tấn/ha. Trước tết, thương lái vào tận ruộng thu mua với giá 7.000 đồng/kg nhưng hiện nay, Trung Quốc ngừng thu mua, giá rớt xuống còn 1.000 đồng/kg khiến anh và nhiều nông dân thua lỗ nặng.  

Nhưng gánh nặng được trút bỏ một phần khi anh Ngọc và một số bà con nông dân được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo sẽ cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ. Ngân hàng sẽ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ với những doanh nghiệp, nông dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh nói chung và dịch COVID-19 nói riêng. 

Từ ngày 1/2 - 30/4, những khách hàng của Kienlongbank bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nếu đến kỳ hạn trả nợ mà chưa có tiền để trả, sẽ được miễn tiền phạt quá hạn. Ngân hàng này còn giảm lãi suất 3%/năm đối với khách hàng vay trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối… 

Nếu không thay đổi quy định chuyển nhóm nợ, nhiều khách hàng và cả ngân hàng sẽ tăng nợ xấu
Nếu không thay đổi quy định chuyển nhóm nợ, nhiều khách hàng và cả ngân hàng sẽ tăng nợ xấu

 Đại diện Vietinbank cho biết, ngân hàng sẽ hỗ trợ giảm lãi suất, giảm bớt một số thủ tục đối với những khách hàng có ý định tiếp cận vốn, đặc biệt là khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với khách hàng là doanh nghiệp lớn, sẽ có lãi suất vay ưu đãi. “Những doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc bị ảnh hưởng, gián đoạn nhưng nếu có phương án sản xuất mới, khả thi, vẫn được ngân hàng xem xét, tiếp tục cho vay” - đại diện Vietinbank cho biết. 

Ngân hàng BIDV cũng đang tập trung hỗ trợ nhóm khách hàng cá nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu và du lịch, trong đó sẽ ưu tiên khách hàng làm ra nông sản, thủy hải sản đang xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, khách làm dịch vụ du lịch, bao gồm cả nhà hàng, khách sạn. Những nhóm khách hàng này sẽ được hưởng mức lãi suất cố định chỉ 5,5%/năm trong tối đa bốn tháng kể từ khi giải ngân. Riêng với khách hàng cá nhân thông thường, lãi suất từ 6,5 - 7,5%/năm. 

Một số ngân hàng xác định được số khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đang tập trung hỗ trợ nhóm khách hàng này. Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank - cho biết, đến nay, ngân hàng ước tính có khoảng 1.000 khách hàng cá nhân và tổ chức chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, con số này sẽ gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Trước mắt, chúng tôi giãn nợ, cấu trúc lại nợ cho các doanh nghiệp này, đồng thời giảm lãi suất vay tới 1,5%/năm đối với khoản vay không có tài sản đảm bảo và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo” - ông Vinh khẳng định. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Vietcombank, phụ trách mảng sản phẩm bán buôn - cho hay, khách hàng thuộc ngành nghề du lịch, vận tải, nhà hàng, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu có quan hệ thương mại nhiều với Trung Quốc sẽ được cơ cấu lại nợ, giãn nợ, không tính lãi phạt. Đồng thời, ngân hàng sẽ giảm 1% lãi suất vay ngắn hạn và giảm 1,5% lãi suất vay trung, dài hạn với các khoản vay hiện hữu bằng VNĐ. Đối với khách hàng vay USD hiện hữu, ngân hàng sẽ giảm 0,5% lãi suất vay ngắn hạn và 0,75% lãi suất vay trung, dài hạn.

Với khoản vay mới bằng VNĐ, ngân hàng giảm 1% và giảm 0,5% với khoản vay bằng USD. “Ngân hàng ước tính có khoảng 300 khách hàng là tổ chức bị thiệt hại với dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể khách hàng cá nhân” - ông Tùng thông tin. 

Đại diện Ngân hàng Nam Á cũng cho biết, hiện ngân hàng đang chỉnh sửa hồ sơ cho 30 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền vay khoảng 200 tỷ đồng.  

Nguy cơ tăng nợ xấu 

Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đối với ngành ngân hàng, tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - cho rằng, dịch bệnh đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, làm suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp và hộ gia đình. Các hoạt động giao dịch tài chính, ngân hàng giảm khoảng 1% khiến GDP giảm 0,05%. Từ quý II đến cuối năm, tác động của dịch bệnh với lĩnh vực ngân hàng sẽ tăng dần khiến GDP giảm 0,08% vào quý II và giảm 0,11% cả năm. Đặc biệt, còn tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu gia tăng. 

Nghị định 116/NĐ-CP quy định, trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu gặp thiên tai, dịch bệnh, khách hàng được cơ cấu lại nợ mà không bị chuyển nhóm nợ. Nhưng nghị định này chỉ áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, chưa có quy định cho các lĩnh vực khác. Trong khi đó, dịch Covid-19 lại ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như vận tải, du lịch, xuất nhập khẩu, nhà hàng… 

Mặc dù các ngân hàng đang đồng loạt cơ cấu lại nợ, giãn nợ, không phạt khi đóng lãi trễ hạn… đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng đa phần các ngân hàng chỉ áp dụng trong khoảng từ tháng 2 - 4/2020. Sau thời hạn này, những khách hàng không thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đã cơ cấu lại nợ lần đầu mà vẫn không có tiền để thanh toán kỳ hạn tiếp theo và tiếp tục nợ quá hạn dưới 30 ngày, sẽ bị chuyển sang nợ nhóm III (mức nợ xấu). Như vậy, không chỉ khách hàng bất lợi mà ngay cả ngân hàng cũng gia tăng nợ xấu trong thời gian tới. 

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - để giải quyết bài toán này, nên cho phép các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về đối tượng, mức độ thiệt hại để ngân hàng có cơ sở thực hiện. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI