Khách hàng bỗng dưng bị… nợ xấu

25/09/2023 - 06:34

PNO - Khi làm thủ tục để vay vốn tại một ngân hàng khác thì anh D. được thông báo là có lịch sử nợ xấu nhóm 4, tại VPBank Đà Nẵng, được ghi nhận trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia.

Trong đợt dịch COVID-19, VPBank chi nhánh Đà Nẵng thông báo khách hàng được cơ cấu nợ theo chương trình hỗ trợ COVID-19. Quái lạ là sau đó khách lại bị đẩy vào nhóm nợ xấu dù không chậm trả ngày nào.

Đó là trường hợp của anh L.Đ.D. - trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Anh D. cho hay, vào ngày 2/3/2020, anh và Ngân hàng VPBank, chi nhánh Đà Nẵng ký hợp đồng cho vay kiêm hợp đồng thế chấp ô tô với số tiền vay là 250 triệu đồng, thời hạn 96 tháng (3/2020 - 3/2028).

Trong thời gian vay, anh D. luôn trả gốc và lãi đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng. Năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 diễn ra tại Đà Nẵng khá nghiêm trọng, nhân viên ngân hàng đã liên hệ và thông báo với anh D. rằng, phía ngân hàng có chương trình hỗ trợ khách hàng do dịch bệnh, khách hàng được cơ cấu lại nợ mà không ảnh hưởng đến hợp đồng cũng như các vấn đề pháp lý.

Anh D. đồng ý cơ cấu nợ. Theo đó, trong các tháng được cơ cấu nợ, anh không phải đóng tiền gốc mà chỉ đóng tiền lãi, và anh đã đóng không chậm trễ. Hết chương trình hỗ trợ, anh D. tiếp tục đóng tiền vay và tiền lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng hạn. Cho đến tháng 8/2022, anh đã hoàn thành việc đóng hết khoản tiền vay VPBank Đà Nẵng và xóa thế chấp. 

Điều kỳ lạ là gần đây, khi làm thủ tục để vay vốn tại một ngân hàng khác thì anh D. được thông báo là có lịch sử nợ xấu nhóm 4, tại VPBank Đà Nẵng, ngày phát sinh cuối cùng là 28/2/2021 được ghi nhận trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia.

Bất ngờ trước thông tin này, anh D. đã gặp nhân viên VPBank Đà Nẵng để hỏi rõ thì được thông báo là anh “không chậm trễ đóng khoản tiền lãi hay gốc nào”. Việc bị ghi lịch sử nợ xấu nhóm 4 là do cơ cấu nợ và VPBank hội sở phân loại.

“Tôi không đồng tình với phản hồi trên, bởi việc cơ cấu nợ là chính sách hỗ trợ trong mùa dịch của ngân hàng và do ngân hàng chủ động thông báo với tôi. Nhân viên ngân hàng nói sẽ gửi cho tôi một văn bản xác nhận nội dung trên. Tuy nhiên, sau đó họ chụp và gửi cho tôi Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 và nói tôi vi phạm điều 10, được xếp vào nhóm nợ nghi ngờ” - anh D. thuật lại.

Khách hàng bức xúc vì bị Ngân hàng VPBank, chi nhánh Đà Nẵng xếp vào nhóm nợ xấu dù không chậm trả ngày nào
Khách hàng bức xúc vì bị Ngân hàng VPBank, chi nhánh Đà Nẵng xếp vào nhóm nợ xấu dù không chậm trả ngày nào

Anh D., sau đó, đã có đơn khiếu nại và đề nghị VPBank Đà Nẵng làm rõ, có phản hồi, đồng thời có biện pháp để xóa lịch sử nợ xấu đã được ghi trên hệ thống nhằm đảm bảo quyền lợi cho anh. Tuy nhiên, từ khi gửi đơn (ngày 29/8) đến nay, anh vẫn không nhận được phản hồi nào từ phía ngân hàng. 

Trả lời về trường hợp anh L.Đ.D., ông Phạm Phú Đông - Giám đốc VPBank Đà Nẵng - cho rằng, khoản nợ của khách hàng này bị nhảy nhóm nợ là do Thông tư 02 về hỗ trợ cơ cấu nợ trong dịch COVID-19 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23/1/2020, theo đó, những khoản giải ngân trước ngày 23/1/2020 mới được áp dụng thông tư, còn những khoản giải ngân sau đó vẫn áp dụng theo cơ chế cơ cấu nợ thông thường.

Khoản nợ của anh D. giải ngân vào ngày 3/3/2020, nên dù cho cơ cấu nợ nhưng việc phân loại nợ vẫn thực hiện theo đúng quy định nói trên. 

Như vậy, lỗi ở phía ngân hàng là đã không nói rõ tình huống này trước khi cơ cấu lại nợ với khách hàng là anh L.Đ.D. 

Ông Phạm Phú Đông giải thích thêm: “Trường hợp của anh D., các nhân viên không có ý đồ xấu, tư lợi hay đánh tráo, làm khó khách hàng. Vụ việc giống như tai nạn, lỡ xảy ra như vậy rồi. Về phía ngân hàng tôi có thể làm văn bản để trả lời cho khách hàng. Nếu đi giao dịch ngân hàng khác thì họ cũng biết được là mình cơ cấu nợ trong giai đoạn phát sinh COVID-19”.

Anh L.Đ.D. cho biết, dù hứa hẹn có phản hồi bằng văn bản từ hội sở, nhưng gần 3 tuần qua VPBank Đà Nẵng vẫn không có động thái nào mà luôn né tránh khách hàng. 

Thạch Châu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI