Vé bay “cõng” quá nhiều thuế, phí
Tương tự, khi chọn đi du lịch tỉnh Điện Biên, chị Phạm Ngọc Thanh Tâm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) tìm mua vé trên website của hãng Vietjet Air chặng Hà Nội - Điện Biên ngày 25/5 thì thấy giá chỉ 290.000 đồng/vé. Thế nhưng, khi hoàn thành các thủ tục lựa chọn và thanh toán vé, chị giật mình khi thấy tổng tiền mà chị phải thanh toán là 897.000 đồng.
Theo tìm hiểu của chị Thanh Tâm, khi mua vé máy bay của Vietjet Air, hành khách phải trả 584.000 đồng tiền thuế, phí, bao gồm tiền phụ thu dịch vụ hệ thống (quốc nội) 215.000 đồng, phí an ninh soi chiếu 20.000 đồng, phí sân bay quốc nội 100.000 đồng, phụ thu quản trị hệ thống của hãng bay 215.000 đồng, thuế giá trị gia tăng 34.400 đồng. Như vậy, tiền vé bị đẩy lên cao gấp 3 lần so với mức giá được hãng công bố (chưa bao gồm thuế, phí).
|
Hành khách làm thủ tục lên máy bay ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) tháng 1/2024 - Ảnh: Nam Việt |
Mức giá thấp nhất của hãng Vietjet Air chặng Hà Nội - Đà Lạt ngày 13/5 là 790.000 đồng, chưa bao gồm thuế, phí. Nếu tính thuế, phí giá vé nhảy lên hơn 1,4 triệu đồng, cao gần gấp đôi. Giá vé đã bao gồm thuế, phí của hãng Vietnam Airlines chặng Hà Nội - Đà Lạt ngày 13/5 là 2,287 triệu đồng. Trong đó, giá vé chỉ 1,589 triệu đồng, còn lại là tiền phụ thu quản trị hệ thống (450.000 đồng), thuế, phí và lệ phí (248.000 đồng, gồm phí dịch vụ hành khách chặng nội địa 99.000 đồng, phí soi chiếu an ninh 20.000 đồng, thuế giá trị gia tăng 129.000 đồng).
Đại diện một hãng hàng không cho hay, bên cạnh thuế giá trị gia tăng, phí sân bay là cố định, được hãng công khai, giá vé máy bay trong nước còn được cộng thêm nhiều yếu tố khác như phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Các hãng bán vé theo dải giá vé, gồm dải giá thấp và dải giá cao, nhưng đều nằm trong khung giá do cơ quan quản lý nhà nước quy định. Giá vé máy bay mang yếu tố thời vụ, chẳng hạn lúc khách mua nhiều, hết chỗ thì giá vé sẽ cao, còn khi ế khách, có cả giá vé 0 đồng. Nhưng ngược lại, các loại thuế, phí vẫn đứng yên, không giảm.
Ngoài ra, trong các yếu tố cấu thành giá vé máy bay, ngoài giá vé do hãng hàng không thu về cho mình, còn có các loại thuế, phí mà hãng đứng ra thu hộ. Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ Giao thông Vận tải, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí, như phí an ninh soi chiếu, phí dịch vụ điều hành bay, phí dịch vụ cất hạ cánh… và phải nộp lại cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và các cảng vụ hàng không.
Giá vé máy bay khó “hạ nhiệt”
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel, đơn vị sở hữu hãng hàng không Vietravel Airlines - một trong những nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua là do các hãng thua lỗ nặng nề. Mọi phụ tùng của chiếc máy bay - từ con ốc đến vỏ máy bay - đều phải mua của nước ngoài và tính bằng USD. Giá nhiên liệu thì đắt đỏ và gần đây liên tục tăng. Ngoài ra, năm nay, các hãng hàng không của Việt Nam bị nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) triệu hồi động cơ để bảo trì, mỗi động cơ phải chờ 6 tháng mới được sửa chữa xong, với mức phí khoảng 4 triệu USD.
Ông Bùi Doãn Nề - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam - cho hay, cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành giá trần vé máy bay và các hãng không được bán vé với mức giá cao hơn mức giá trần. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng, giá USD tăng, các chi phí dịch vụ hàng không luôn biến động khiến các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn. Việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2024 theo Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phần nào tháo gỡ khó khăn về giá nhiên liệu cho các hãng, nhưng các hãng cũng rất cần được cơ quan quản lý nhà nước giảm thuế, phí.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng là nằm trong xu hướng chung trên thế giới do giá nhiên liệu tăng cao, giá USD tăng, do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất khiến số máy bay hoạt động giảm, giá thuê máy bay tăng cao. Việc giảm nguồn cung máy bay ảnh hưởng đến giá vé, đặc biệt là trong thời điểm nhu cầu đi lại của hành khách tăng. Tình trạng chênh lệch cung cầu này sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè 2024, sẽ tác động lên giá vé các chặng bay nội địa, nhất là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hành khách nên sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, chọn mua vé qua các kênh bán vé chính thức và chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để lựa chọn được các mức giá vé hợp lý. Nếu hành khách mua vé với giá cao hơn quy định hoặc bị ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng trong quá trình sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không, cần thông tin đến cục, đến các cảng vụ hàng không khu vực hoặc các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Các hãng bay chưa chịu trả phí thu hộ cho ACV Lãnh đạo ACV cho biết, đơn vị đang thu các loại phí gồm dịch vụ hạ cất cánh, phục vụ hành khách, bảo đảm an ninh hành khách và hành lý, dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất và các dịch vụ tại cảng hàng không do cơ quan nhà nước quy định khung giá. Trong cơ cấu giá vé máy bay, chỉ có 2 mục do các hãng hàng không thu hộ cho ACV, đó là phí phục vụ hành khách và phí dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý. Như với chặng bay Hà Nội - TPHCM, phần thu của ACV là 120.000 đồng/khách, gồm phục vụ hành khách 100.000 đồng và bảo đảm an ninh hành khách, hành lý 20.000 đồng. Với chặng bay TPHCM - Côn Đảo, phần thu của ACV là 80.000 đồng/khách, gồm phục vụ hành khách 60.000 đồng, phí bảo đảm an ninh hành khách, hành lý 20.000 đồng. Các hãng hàng không được hưởng hoa hồng thu hộ là 1,5% doanh thu theo quy định tại điều 8, Thông tư 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông Vận tải. Thực tế, các hãng bay đang giữ khoản thu này và chưa trả lại đầy đủ cho ACV. |
Thanh tra hoạt động bán vé, niêm yết giá vé máy bay Cục Hàng không Việt Nam vừa có quyết định thành lập đoàn kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam. Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra việc bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay trong giai đoạn từ ngày 1/1/2024 đến ngày 4/5/2024 và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra. Cục Hàng không Việt Nam sẽ kiểm tra đánh giá việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam; việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể liên quan trong hoạt động bán vé máy bay; hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định pháp luật, phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật về hoạt động bán vé máy bay, kê khai, niêm yết giá vé máy bay (nếu có). Qua đó đề xuất khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp, phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với hành khách. Cục Hàng không Việt Nam mới đây cũng có văn bản đề nghị các cá nhân, tổ chức, khách hàng mua vé máy bay các hãng hàng không Việt Nam thời gian qua (nhất là từ đầu năm 2024 đến nay) phản ánh thông tin, tài liệu xác thực về việc đã phải mua vé máy bay giá cao so với quy định. Đơn vị này tiếp nhận thông tin qua hộp thư: phananhgiave@caa.gov.vn. Theo đó, hành khách phản ánh sẽ nêu rõ họ tên hành khách, số điện thoại liên hệ, hành trình vé, giá vé, hình ảnh hóa đơn chứng từ, biên lai chuyển tiền.... Cục sẽ làm rõ các phản ánh từ hành khách để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm (nếu có). |
Nam Việt - Quốc Thái