Khách đi máy bay bị lộ thông tin: Vấn nạn không lời đáp?

10/11/2018 - 15:00

PNO - Tình trạng các hãng hàng không để lộ thông tin hành khách, dẫn đến nhiều người bị taxi gọi điện mời chào, chèo kéo, làm phiền đã liên tục xảy ra và với tốc độ cập nhật thông tin ngày càng nhanh hơn.

Nếu trước đây, hành khách khi bước xuống máy bay mới bị các hãng taxi nhắn tin, gọi điện làm phiền thì nay, điện thoại của khách hàng (KH) nhận được cuộc gọi từ các hãng taxi ngay sau khi khách vừa đăng ký vé máy bay xong.

Điều này cho thấy, thông tin KH không chỉ bị lộ mà còn được “chuyển giao” trong chớp nhoáng! Nhiều người đặt vấn đề: “Ai đã bán thông tin KH để thu lợi?”.

Taxi chào chuyến chỉ sau 5 phút đặt vé!

Mới đây, một hành khách cho biết vừa đăng ký vé máy bay đi Hà Nội, chỉ sau 5 phút đã có taxi nắm được chuyến bay, giờ bay, gọi điện mời chào đi taxi.

Anh T. (ngụ TP.HCM) bức xúc: “Lần nào đặt vé máy bay đi công tác tôi cũng đều bị làm phiền như vậy. Rõ ràng dữ liệu thông tin KH chắc chắn bị bán và việc bán dữ liệu KH luôn có sự tiếp tay của chính tổ chức yêu cầu KH cung cấp thông tin”.

Trước đó, sau hàng loạt phản ánh của hành khách đi máy bay về việc thông tin của mình bị lộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh các vụ việc khai thác, sử dụng trái pháp luật thông tin về nhân thân hành khách đi tàu bay tại Việt Nam để xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Dù các hãng hàng không cho biết sử dụng phần mềm đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé có uy tín trên thế giới nhưng qua thanh tra, Cục Hàng không đã kết luận “thông tin của hành khách mua vé máy bay có nguy cơ bị lộ từ cả hai nguồn là... hãng bay và đại lý”.

Cụ thể, thông tin hành khách chuyến bay đã bị lộ từ cán bộ, nhân viên của hãng hàng không, nhân viên phòng bán vé của các hãng hàng không hoặc nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay.

Bởi thực tế, chính các thành viên đoàn thanh tra đi máy bay bằng vé miễn cước dành cho nội bộ vẫn nhận được tin nhắn mời đi taxi. Trong khi, chỉ những nhân viên nói trên của hãng hàng không mới có thể xem được thông tin đặt chỗ của hành khách không đặt vé qua đại lý (đại lý bán vé chỉ xem được thông tin hành khách do đại lý bán vé).

Nguồn làm lộ thông tin thứ hai là nhân viên đại lý bán vé máy bay có thể cung cấp thông tin hành khách đi máy bay cho tổ chức, cá nhân bên ngoài (đối với hành khách được đại lý đó đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé).

Khach di may bay bi lo thong tin: Van nan khong loi dap?
Nhiều hành khách than thông tin bị lộ, taxi gọi làm phiền ngay sau khi đăng ký mua vé

Rò rỉ thông tin hành khách có hệ thống?

Theo Cục hàng không, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin của hành khách là các trung tâm môi giới taxi trên mạng Internet do doanh nghiệp Việt Nam thiết lập và điều hành.

Cục Hàng không đã thu thập một số đầu mối sử dụng thông tin hành khách đi máy bay, kiến nghị chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý; đồng thời đề nghị Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị có chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn việc lộ thông tin hành khách đi máy bay.

Song song đó, các hãng hàng không được yêu cầu tiếp tục nghiên cứu các giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật, công nghệ đế nâng cao hiệu quả quản lý, tính bảo mật các hệ thống, chương trình phần mềm giám sát hoạt động liên quan đến việc đặt giữ chỗ, bán vé...

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các đối tượng mua – bán, sử dụng thông tin hành khách đi máy bay vẫn “lộng hành”, liên tục làm phiền hành khách. Tin nhắn dịch vụ taxi được hướng đến hành khách đi đến các sân bay Nội Bài, Cam Ranh, Liên Khương có địa thế xa so với trung tâm thành phố.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết ông cũng là một trong những “nạn nhân” bị lộ thông tin ngay sau khi đặt vé máy bay, các hãng taxi gọi làm phiền.

Theo ông Thắng, nếu không có sự liên minh, liên kết, tiếp tay của bên bán vé máy bay thì làm sao các hãng taxi biết được thông tin số điện thoại, hành trình, lịch bay của khách để gọi mời chào đi xe?.

Nếu chỉ một số hành khách bị lộ thông tin trong một thời gian ngắn thì còn có thể đổ thừa cho một vài nhân viên của hãng. Nhưng ở đây, tình trạng lộ thông tin xảy ra với nhiều hành khách, lặp đi, lặp lại nhiều lần và tốc độ ngày càng nhanh chóng hơn cho thấy việc để rò rỉ thông tin hành khách là có hệ thống hoặc có sự tiếp tay chia sẻ quyền lợi với nhau.

Song, để thông tin KH được bảo mật, cần sự vào cuộc của cả các hãng hàng không trong việc giám sát, tăng cường bảo mật và các cơ quan hữu trách điều tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Vì trước nạn đánh cắp, bán thông tin, hành khách không thể tự bảo vệ mình.

“Ở các nước Châu Âu, luật quy định nếu để rò rỉ thông tin KH, đơn vị hoặc cá nhân vi phạm có thể bị phạt 20 triệu Euro. Việt Nam cũng có những quy định, chế tài; song quan trọng là cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân để lộ thông tin KH.

Về phía các hãng hàng không, có rất nhiều cách bảo mật thông tin KH, hạn chế quyền truy cập thông tin KH; mã hóa dữ liệu thông tin KH ngay sau khi nhập xong, chỉ một vài cá nhân được đọc thông tin KH. Làm như vậy thì khi xảy ra tình trạng lộ thông tin KH, những cá nhân này sẽ phải chịu trách nhiệm, việc khoanh vùng kiểm soát sẽ chặt chẽ hơn”, ông Thắng phân tích.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI