Khắc phục nhược điểm khi bỏ thi tuyển lớp Sáu

10/01/2025 - 06:41

PNO - Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024. Theo đó, từ năm 2025, việc tuyển sinh THCS thực hiện theo phương thức xét tuyển.

Tôi rất hiểu tinh thần của Thông tư 30 khi bỏ thi tuyển lớp Sáu là nhằm không gây áp lực, tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội. Tuy nhiên, việc này có thể khiến không ít cha mẹ bối rối, nhất là những gia đình đã chuẩn bị cho con từ rất sớm để thi vào trường chất lượng cao.

Con gái nhỏ của tôi đang học lớp 4A3 Trường tiểu học IQ ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Từ khi con học lớp Một, tôi đã định hướng con sau này sẽ thi vào Trường THCS chất lượng cao Lê Lợi (quận Hà Đông) giống như con gái lớn nên cũng đầu tư cho con học tập trung 3 môn toán, tiếng Việt và tiếng Anh.

Học sinh tham gia khảo sát vào lớp Sáu tại TP Thủ Đức - Ảnh: N.Q.
Học sinh tham gia khảo sát vào lớp Sáu tại TP Thủ Đức - Ảnh: N.Q.


Khi tiếp nhận thông tin trên, tôi có chút lo lắng. Bởi quy định này có 2 mặt ưu điểm và nhược điểm. Ưu điểm là không gây áp lực, tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội. Nhược điểm là có thể dẫn đến việc nhiều phụ huynh vì muốn cho con đậu vào trường chất lượng cao nên sẽ tìm mọi cách tác động vào điểm số học bạ của con. Phụ huynh có thể sẽ lo “ngoại giao” với giáo viên để con có điểm cao. Có thể chúng ta sẽ tổng kết năm học với toàn học sinh xuất sắc, học bạ toàn điểm 10. Khi học bạ của các em quá đẹp thì làm sao xét tuyển được? Phải có các tiêu chí phụ để chọn những học sinh ưu tú.

Sau khi thông tư có hiệu lực, các trường chất lượng cao có thể gặp khó khăn trong việc nghiên cứu đưa ra các tiêu chí phụ để xét tuyển ngoài điểm học bạ. Các phụ huynh cũng đau đầu xem phải đầu tư cho con thi cuộc thi nào để có giải phục vụ cho việc xét tuyển lớp Sáu. Học sinh lại vất vả vì phải lao vào ôn luyện thi các giải học sinh giỏi...

Để con mình có ưu thế vượt trội, nhiều gia đình sẽ ép con tham gia các cuộc thi kiến thức nhằm lấy giải thưởng. Cuộc thi nào cũng cần đóng lệ phí thi, lệ phí ôn thi, mất thời gian, tốn kém không khác gì ôn thi vào lớp Sáu. Chủ trương là đúng nhưng khi triển khai có thể bị biến tướng. Do đó, muốn khách quan, công bằng và nghiêm túc trong xét tuyển lớp Sáu, Bộ GD-ĐT phải có công cụ đánh giá chất lượng giáo dục bậc tiểu học của các trường.

Theo tôi, phụ huynh cũng nên cân nhắc năng lực của con mình, nếu không thực sự xuất sắc thì không cần chạy đua với các cuộc thi học sinh giỏi. Cứ học trường đúng tuyến, không cần thi vào trường chất lượng cao cho đỡ khổ. Bởi, không phải cứ học trường chất lượng cao là sau này con mình sẽ ngoan ngoãn, giỏi giang, thành đạt. Chúng ta nên xác định giá trị dài hạn chính là sự tiến bộ và trưởng thành của con. Học ở đâu cũng được, miễn là con mình tiến bộ hơn chính con ngày hôm qua.

Thay vì áp lực thi cử, cha mẹ, thầy cô hãy đặt mục tiêu dài hạn. Điều quan trọng là hành trình con khám phá chính mình, tiếp tục chinh phục các mục tiêu mới như đậu vào trường cấp III, trường đại học mà con mơ ước, du học ở bậc đại học... Hãy là người luôn động viên và khích lệ con cố gắng hơn mỗi ngày, trân trọng từng nỗ lực nhỏ của con.

Tôi cũng là phụ huynh có con gái đang học tiểu học, cũng rất chia sẻ với tâm tư của các bậc phụ huynh. Tôi tin rằng, mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh riêng. Nếu chúng ta định hướng tốt, luôn đồng hành để con nỗ lực học tập thì chắc chắn các con sẽ được phát triển toàn diện và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI