Khắc phục hội chứng “hết pin” hậu COVID-19 ra sao?

18/01/2022 - 06:15

PNO - Từ cuối năm 2021 đến nay, các bệnh viện ở TPHCM tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám do các vấn đề sức khỏe hậu COVID-19. Trong đó, có rất nhiều bệnh nhân được ghi nhận có triệu chứng “hết pin” - thiếu năng lượng, dẫn đến suy nhược mạn tính.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM, chứng mệt mỏi mạn tính (thiếu năng lượng) sẽ kéo dài từ ba tháng đến một năm, do năm nguyên nhân gây nên. Đầu tiên là do tình trạng stress (căng thẳng, rối loạn lo âu), thở gấp khi gắng sức (leo cầu thang), mệt mỏi kéo dài, chứng sương mù não gây giảm tập trung, giảm trí nhớ, ngủ không ngon giấc. Lúc nào người bệnh cũng thấy mệt mỏi, đau hết cơ bắp, đau khớp làm cho người rã rượi nên sợ luôn cả công việc hằng ngày. 

nhiều bệnh nhân được ghi nhận có triệu chứng “hết pin” - thiếu năng lượng
Nhiều bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh được ghi nhận có triệu chứng “hết pin” - thiếu năng lượng

Thứ hai là vấn đề tăng gốc tự do trong máu, trong quá trình bị viêm sẽ gây ra chất tác động xấu lên cơ thể, hoặc trong lúc cơ thể chuyển hóa chất dinh dưỡng có những chất tạo ra không có lợi cho cơ thể. Nếu gốc tự do trong máu tích nhiều quá sẽ gây ra tình trạng stress oxy hóa. Lúc này, cơ thể buộc phải tiết ra chất để chống lại stress oxy hóa này gọi là hệ thống chống gốc tự do, (hay còn gọi là anti-oxydant). Nếu anti-oxydant đủ sẽ loại được gốc tự do, còn không đủ gốc tự do tích lũy trong cơ thể sẽ gây tổn thương đến toàn cơ thể. 

Thứ ba là do hiện tượng viêm ở mức độ thấp. Mặc dù, người bệnh không bị viêm, sưng nóng, đỏ, đau nhưng vẫn âm thầm trong cơ thể ở mức độ thấp, và cũng gây ảnh hưởng cho toàn bộ cơ thể. 

Thứ tư là khi bị nhiễm COVID-19 ở mức độ trung bình hoặc nặng sẽ làm người bệnh bị giảm lưu lượng máu, gây ra việc hết năng lượng của cơ thể. Bởi, khi việc tuần hoàn kém do thiếu vận động, nằm kéo dài, máu động mạch, tĩnh mạch lưu thông kém sẽ bị ứ đọng lại, gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng mang đến nuôi các tế bào của cơ thể. Đặc biệt, khi bệnh COVID-19 nặng phải dùng nhiều loại thuốc mạnh gây ảnh hưởng lên chức năng thải độc của gan, thận, góp phần gây ra chứng hết năng lượng hoặc chứng mệt mỏi mạn tính hậu COVID-19. 

Thứ năm là cơ thể thiếu chất chống lại gốc tự do kéo theo các loại chất bảo vệ cơ thể như vitamin C, vitamin A, vitamin E cũng giảm mạnh. Ngoài ra, các enzym có lợi chống ô-xy hóa giảm rõ rệt. Những nguyên tố vi lượng cần thiết để cơ thể hoạt động tốt như: magie, đồng, kẽm... cũng giảm nhiều trên những người mệt mỏi mạn tính này. 

Trong y học cổ truyền, thiếu năng lượng hay còn gọi là khí suy, là căn nguyên gây ra nhiều bệnh như đái tháo đường, bệnh rối loạn tiêu hóa, đau mỏi cơ khớp và các bệnh rối loạn về chuyển hóa chất mỡ, đường.

Tóm lại, những nguyên nhân gây ra việc thiếu năng lượng của người bệnh COVID-19 là do stress kéo dài, gây tăng các hoóc-môn không có lợi cho cơ thể và làm giảm hoóc-môn hạnh phúc của cơ thể làm người bệnh cảm giác như bị “hết pin”. 

Theo bác sĩ Trần Văn Năm, mấu chốt nằm ở hệ tiêu hóa. Hệ tiêu hóa phải khỏe, đủ men tiêu hóa, lợi khuẩn để hấp thu chất dinh dưỡng mà chúng ta ăn vào với những thực phẩm 
chống viêm. 

Bên cạnh đó, để làm giảm quá trình viêm mạn tính, làm tăng năng lượng cho cơ thể, lợi ích của việc vận động và thở sâu vô cùng quan trọng để giúp ổn định thần kinh, tăng độ chắc bền của gân cơ, xương và làm tăng hoóc-môn hạnh phúc của cơ thể. Khi vận động sẽ giúp tăng tuần hoàn máu, tăng hạch bạch huyết và dọn được đường để máu lưu thông trong cơ thể, kiểm soát được cân nặng, hỗ trợ được ý chí kiêng chất gây nghiện như thuốc lá, bia rượu để giảm dần chứng mệt mỏi kéo dài. 

Ngoài ra, trong Đông y còn có nhiều vị thuốc như linh chi, hoàng kỳ, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, đinh lăng, bố chính sâm, bạch truật, cam thảo. Tuy nhiên, sử dụng loại thuốc nào phù hợp với mình, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc để tăng hiệu quả điều trị chứng mệt mỏi mạn tính này. 

Bình Minh 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI