PNO - Nhận ra những khó khăn từ thực tế dạy học tiếng Anh trong trường phổ thông (bài Khi lý thuyết và thực tế “chênh” nhau trong dạy tiếng Anh, Báo Phụ nữ TPHCM số 143 ra ngày 13/12), nhiều giáo viên đã nỗ lực tìm phương án tối ưu để nâng cao hiệu quả.
Thứ Bảy, vẫn mặc bộ áo dài như hằng ngày đi dạy nhưng cô Phạm Thị Xuân Oanh (Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh) không lên lớp mà trở thành… hướng dẫn viên du lịch. Trên xe dẫn học sinh từ trường ra tới các địa điểm như: dinh Thống Nhất, Bưu điện TPHCM, Bảo tàng TPHCM, chợ Bến Thành…, cô hướng dẫn học sinh cách giao tiếp với người nước ngoài, gợi ý những chủ đề có thể nói… Đến các điểm tham quan, học sinh tự động chia thành nhiều nhóm và niềm nở bắt chuyện với người nước ngoài. Các em tự tin giới thiệu về chuyến đi học thực tế, gợi ý thêm các điểm du lịch, ẩm thực và nét văn hóa đặc trưng ở TPHCM cho du khách…
Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) giao lưu với học sinh Singapore trong một hoạt động ngoại khóa của trường
Với vai trò là Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, cô Phạm Thị Xuân Oanh còn tổ chức trại hè, đưa học sinh đi dã ngoại với giáo viên nước ngoài; đưa các đoàn học sinh, giáo viên từ Malaysia, Singapore đến trường tham quan, giao lưu với học sinh… “Đón đoàn hơn 60 người từ Malaysia, tôi và tổ tiếng Anh tự lên chương trình, thiết kế ngày hội trò chơi dân gian, tổ chức làm bánh… để học sinh 2 nước cùng tham gia. Các em thích thú khi được giao lưu, kết bạn với học sinh nước ngoài. Vất vả lắm, nhưng khi thấy học sinh tự tin thuyết trình, mạnh dạn bắt chuyện với người nước ngoài tôi tự hào và hạnh phúc vô cùng” - cô Xuân Oanh nói.
Vào dịp tết năm trước, khi Câu lạc bộ tiếng Anh của Trường THCS Lê Văn Tám tổ chức ngày tết dân tộc cổ truyền, 3 thầy giáo đã “biến hình” thành các ông Phúc - Lộc - Thọ để hướng dẫn học sinh tham gia chương trình hái hoa dân chủ, nói và viết những câu chúc bằng tiếng Anh, làm bánh truyền thống… Trong chương trình, tất cả giáo viên và học sinh đều phải giao tiếp bằng tiếng Anh.
Còn cô Hoàng Thị Thanh Tâm (Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10) cũng từng mất ăn mất ngủ nhiều đêm liền để xây dựng nội dung các hoạt động, dự án nhằm tạo môi trường thực hành tiếng Anh cho học sinh. Năm trước, với dự án liên môn về biến đổi khí hậu, cô trò đã cùng nhau chuẩn bị nội dung liên quan, vừa tham gia thuyết trình vừa tổ chức hoạt động. Còn năm nay, cô lại tất bật chuẩn bị chương trình “Người đẹp châu Á” để học sinh tìm hiểu và thuyết trình, nói chuyện về chủ đề văn hóa truyền thống của một số nước châu Á.
Những tiết học sinh động
Ngoài những hoạt động ngoại khóa, để đạt hiệu quả giảng dạy trong lớp, giáo viên cũng phải linh động, kích thích sự yêu thích môn học của học sinh. Chẳng hạn những tiết học sinh động, vui nhộn của cô giáo trẻ Ngô Từ Nhật Linh (27 tuổi) ở Trường tiểu học Phan Văn Trị (quận 1).
Đúng 9g15, khi bước vào lớp học để bắt đầu tiết dạy, cô Nhật Linh hô to: “Everybody! Stand up”. Khi học sinh lớp 5/4 đã đứng dậy hết, cô bắt đầu mở màn hình máy chiếu, tua lại nội dung bài học cũ, tổ nào trả lời đúng được ngồi xuống trước. Cứ vậy, chỉ 3-5 phút cô đã hoàn thành ôn bài cũ.
Trước khi vào bài mới, cô yêu cầu học sinh nhắc lại các quy tắc gồm: be quiet, raise your hand, be confident, speak English (giữ im lặng, giơ tay phát biểu, tự tin, nói tiếng Anh). Cô Nhật Linh đặt ra nguyên tắc phải sử dụng tiếng Anh trong lớp học. Sau đó, từng từ vựng được chiếu lên có cả phần phiên âm, cô bắt đầu dạy học sinh phát âm chuẩn từng từ. Mỗi yêu cầu của cô đều nhận được rất nhiều cánh tay giơ cao, học sinh tự tin trả lời bằng tiếng Anh, dù câu trả lời chưa dài nhưng đã đúng và đủ ý. Sau đó, cô truyền đạt nội dung bài học qua cả âm thanh, hình ảnh và giao tiếp giữa cô trò.
“Cũng chừng đó nội dung nhưng tôi cố gắng chọn cách truyền tải thu hút, hiệu quả nhất có thể. Học sinh của tôi đều có thể hiểu những gì tôi đang nói” - cô Nhật Linh cho biết. Ngoài việc xây dựng những bài giảng thú vị trên lớp cô còn tổ chức dạy học qua bài hát, trò chơi, các dự án… Những hoạt động này giúp học trò hứng thú và tự tin hơn khi sử dụng ngôn ngữ.
Theo ông Lê Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị, lớp 5/4 đang học theo chương trình cũ nhưng cách dạy của cô Nhật Linh và các giáo viên khác trong trường đã rất mới. Ông luôn khuyến khích giáo viên thay đổi phương pháp, tổ chức thêm các hoạt động ngoài chương trình để học sinh hứng thú hơn. “Cũng với nội dung và yêu cầu kiến thức đó, nhưng thay vì mở sách giáo khoa ra giảng, rồi đọc chép từ vựng và cấu trúc, giáo viên có thể tận dụng thêm hình ảnh, phát âm chuẩn từ các từ điển uy tín, cùng học sinh xem các bộ phim hoạt hình ngắn, hay một bài hát… khiến tiết học trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn” - ông Lê Hồng Thái nói.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết: TPHCM thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường từ năm 1999, đến nay hầu hết các trường đều có lớp tiếng Anh tăng cường, tích hợp… thời lượng dạy tăng lên 6-8 tiết/tuần. Nhiều trường đã mời giáo viên nước ngoài về dạy để học sinh làm quen giọng bản ngữ, tăng kỹ năng nghe - nói. Việc đánh giá học sinh hiện không chỉ dựa trên bài kiểm tra trên giấy mà còn thông qua thuyết trình, làm dự án, đa dạng hình thức kiểm tra, làm việc theo nhóm, theo cặp, kiểm tra nghe… Điều này đảm bảo kiểm tra được tất cả các kỹ năng cần thiết.
“Chương trình mới thiết kế rất đa dạng, có phần vận dụng kiến thức bài học vào việc nói, giao tiếp. Sự linh động của giáo viên hoàn toàn khắc phục được tình trạng học lệch. Tuy nhiên, đặc thù của việc học ngoại ngữ là học sinh cần cơ hội thực hành ngoài đời thực lại thiếu. Chính những hoạt động ngoại khóa, dự án, chương trình giao lưu… của giáo viên giúp chương trình khắc phục được hạn chế này” - ông Nguyễn Bảo Quốc nói.
Khuyến khích các hoạt động hỗ trợ dạy ngoại ngữ
Tại lễ phát động phong trào học tiếng Anh mới đây, Bộ GD-ĐT đề nghị ngành giáo dục các địa phương, các sở GD-ĐT tổ chức phát động phong trào học và sử dụng tiếng Anh trong các trường phổ thông, khơi dậy niềm hứng thú và thái độ học tập nghiêm túc đối với cán bộ giáo viên, học sinh.
Các trường cần tổ chức nhiều hoạt động giáo dục hỗ trợ việc dạy học ngoại ngữ như: thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm tiếng Anh, ngày hội nói tiếng Anh, trại hè ngoại ngữ… Tạo môi trường thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển việc học, sử dụng tiếng Anh cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Nêu cao tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ và khả năng sử dụng tiếng Anh của thầy và trò trong nhà trường.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các thầy cô đổi mới tư duy, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh để truyền cảm hứng cho học trò… Đối với học sinh, ngoài ngôn ngữ dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần học tập tốt, sử dụng thành thạo tiếng Anh. Trước hết hãy chú trọng và học thật tốt môn ngoại ngữ theo chương trình chính khóa và tăng cường việc giao tiếp bằng tiếng Anh.
Q.Minh
Cần cơ chế để giữ chân giáo viên tiếng Anh giỏi
Theo ông Lê Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị, giáo viên là nhân tố rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả dạy học. Với bộ môn đặc biệt này, nếu giáo viên giỏi tiếng Anh họ có rất nhiều cơ hội việc làm tốt với mức thu nhập cao hơn ở các trường tư thục, trường quốc tế, trung tâm ngoại ngữ, công ty nước ngoài… Do vậy, muốn giữ chân người giỏi, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ tốt. Khi các trường công lập thu hút được lực lượng giáo viên giỏi thì việc dạy tiếng Anh tất yếu sẽ có hiệu quả hơn.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...