Khác nhưng không khắc

11/03/2020 - 16:25

PNO - Càng lớn, con cái càng khác biệt, đó là điều không thể tránh và đừng cố tránh. Hiểu được sự khác biệt và cầu thị để tìm sự đồng thuận bên trong sự khác biệt đó, còn hơn cứ khư khư giữ lấy chính kiến rồi xung khắc, bất hòa.


Già và trẻ là hai thái cực, hay có, dở cũng có. Làm thế nào để hòa nhập sự khác nhau mà không khắc, đó mới là bài toán đau đầu với mỗi nhà.

Khi con còn nhỏ, cha mẹ và con cái là một khối thống nhất. Con cái trong vòng tay mẹ cha, mọi điều thật dễ chịu. Ngay cả khi con ngang ngạnh làm cha mẹ bực, nhưng trong lòng lại thích thú vì nghĩ con mình thông minh.

Càng lớn sự khác biệt càng nhiều. Rất nhiều sự khác biệt giữa cha mẹ và con cái trở thành xung khắc. Những xung khắc nhỏ chỉ buồn lòng nhau, xung khắc lớn có thể dẫn đến sự bất hòa tạo nên hố sâu ngăn cách. Tuổi nào cũng phải lắng nghe và học lẫn nhau mới hóa giải được sự khác biệt giữa trẻ và già. Nghe thì có vẻ lạ nhưng thực ra rất đời. 

Cha mẹ luôn cho mình đúng, tư tưởng "trứng khôn hơn vịt” ăn vào tiềm thức rồi khó gỡ lắm. Áp đặt vào con cái mọi việc, tưởng là mang đến sự an toàn cho chúng, hóa ra là thừa. Bởi con cái sẽ luôn có cảm giác cha mẹ không hiểu mình, hoặc cha mẹ cũ kỹ, lạc hậu cũng không tạo ra tiếng nói chung.

Khi cha mẹ già, giao tiếp xã hội thu hẹp trong thế giới của mình, tự bằng lòng với sự trải nghiệm mà cả một đời họ đánh đổi. Kiến thức là kho báu mà người trẻ phải tốn nhiều năm tháng, thậm chí phải thất bại mới tìm ra được.

Điều mà người trẻ vật vã mãi mới nhận ra, có khi chẳng khác hơn điều người già truyền cho họ. Nhưng phải tự trải nghiệm, người trẻ mới chịu thừa nhận cha mẹ mình nói đúng, và mình đã sai lầm vì không nghe lời họ.

Là cha mẹ, hãy bớt chút kiêu ngạo để tỏ thành ý muốn học và được con chỉ bảo, có khi ta còn khiến con nghe và nể phục mình hơn. Sự “học con” ở đây là những điều con giỏi hơn mình, đừng nghĩ rằng cái gì mình cũng đúng, cũng hay.

Làm người lắng nghe con, nhờ con chỉ bảo lại, sẽ cho chúng cảm giác đang mang một trọng trách bảo vệ và được chăm sóc cha mẹ. Sự làm chủ cuộc đời con nhanh hay chậm, lại do chính sự cầu thị của cha mẹ với con cái.

Ở trong nhà con tự tin và ít sự khác biệt với cha mẹ, thì ra đời chúng vững vàng hơn rất nhiều. Bạn cứ để ý xem, gia đình nào con cái xung khắc cha mẹ, thì đứa trẻ đó ra đời đối nhân xử thế rất kém. Nó rất bảo thủ và dễ nổi nóng khi gặp khó khăn, hoặc gặp người không đồng thuận với mình.

Càng lớn, con cái càng khác biệt, đó là điều không thể tránh và đừng cố tránh. Hiểu được sự khác biệt và cầu thị để tìm sự đồng thuận bên trong sự khác biệt đó, còn hơn cứ khư khư giữ lấy chính kiến rồi xung khắc, bất hòa. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều người thắc mắc: “Tại sao mình nói thì nó cãi, còn mạng nhảm vậy mà nó say mê không biết chán”. Đơn giản thôi, mạng là cả thế giới, chổi cùn rế rách gì cũng có. Còn cha mẹ chỉ rặt một điều “phải thế này, phải thế kia”.

Chúng sống, dành nhiều thời gian với mạng nhiều hơn cho cha mẹ, chỉ vì ở đó không có sự áp đặt. Có những ông bố bà mẹ thay vì dị ứng với thế giới mạng, lại mày mò học con để vào mạng, cuối cùng họ đã tìm thấy ngay những điều họ thiếu và hiểu con hơn.

Thế giới hiểu biết được mở ra thì sự khác biệt sẽ ôn hòa hơn. Kết quả, ai cũng tìm thấy sự thoải mái của mình trong đó. Trẻ có cách tiếp cận cuộc sống theo cách của nó, thì người già cũng phải không ngừng học cách tiếp cận thế giới mà họ đang bị đẩy lùi ra xa.

Thời đại bây giờ già phải học nhiều hơn trẻ, vì xã hội đổi thay từng ngày. Không chịu học, mải cố chấp, thì chính người già đang tự đẩy mình vào sự xung khắc với con cháu. Trong nhà tránh sao được việc ta thấy khó chịu khi con vênh vang, hãnh diện với những điều ta thấy cũ mèm.

Hãy cứ kệ chúng, đừng chê bai, coi như chúng đang tự học. Ngay cả điều cha mẹ thấy con sai, ngang phè, thay vì nói nó không thèm nghe, một là ta kệ chúng cho chúng tự thấy, hai là ta cùng chúng là một, để chúng và ta một lần nữa cùng nhận ra, khỏi tranh cãi mệt người.

Sự khác biệt càng hóa giải bằng sự ôn hòa, thì ta đã rèn cho cả ta và con cái sự nhẫn nại, kiên trì. Những điều cha mẹ thấy chướng ở con thì cũng có khi con thấy cha mẹ cũng chướng y như vậy. Cảm giác khó chịu này xuất hiện nhiều trong gia đình nhiều chừng nào, thì sự khác biệt càng có nguy cơ xảy ra xung khắc.

Việc cha mẹ già xung khắc với nhau đã khó giải quyết, mà thêm sự xung khắc với con thì tình cảm dễ đổ vỡ, tan hoang gia đình lắm. Với những gia đình xung khắc nhiều như cơm bữa, cuộc sống quả là thảm họa. 

Hiện nay con cái tìm cách tách ra sống riêng, hay cha mẹ cũng tìm cách cho con sống riêng để không va chạm. Điều này cũng giảm xung khắc. Tôn trọng sự khác nhau, thậm chí sự khác biệt là cách sống văn minh nhất. Trên đời không ai giống ai, sự khác nhau là điều đương nhiên.

Biến khác nhau thành xung khắc rõ ràng là tự làm mình kém đi dưới mắt người kia. Trong nhà nếu điều đó xảy ra, hẳn nhiên sẽ mất hạnh phúc. Một bữa cơm ngon được dọn ra vào giờ khắc tụ họp cả nhà, là đã có sự chiều và đón ý nhau rồi. Tất nhiên cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng là mâm cỗ đầy.

Sự giống nhau hay cố tự làm mất bản sắc riêng của mình để cái gì cũng theo ý một người, còn chán hơn gấp bội. Tìm ra sự hòa hợp sao cho mỗi khác biệt của từng thành viên là điều thú vị của mình. Nhớ nhé, đẩy nhau vào sự xung khắc sẽ làm tan tác gia đình đấy. 

Phi Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI