Khác biệt trong tuyển sinh sư phạm: coi chừng phản tác dụng!

03/03/2018 - 08:20

PNO - Có thể thấy trước những giải pháp và kỳ vọng của Bộ GD-ĐT về sự thay đổi chất lượng đầu vào ngành sư phạm như trong dự thảo sẽ không mang lại tác dụng, thậm chí phản tác dụng.

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2018. Có thể nói, dự thảo tuyển sinh năm nay khiến nhiều trường khấp khởi vui mừng, vì điểm sàn - “vòng kim cô” bấy lâu được gỡ bỏ. Các trường cũng được quyền tự chủ, tuyển sinh nhiều đợt trong năm mà không bị khống chế thời gian như trước…

Nhưng riêng ngành sư phạm thì ngược lại, điểm sàn - ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào, không những vẫn tồn tại mà còn được nâng lên. Điều này dự báo một mùa tuyển sinh vô cùng khó khăn với các trường sư phạm và các trường có tuyển sinh ngành sư phạm.

Khac biet trong tuyen sinh su pham: coi chung phan tac dung!
Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh

Dự báo ngành sư phạm sẽ khó khăn hơn

Còn nhớ năm 2017, nhiều trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) lấy điểm tuyển đầu vào (3 môn) rất thấp:  CĐSP Bắc Ninh - 9 điểm, CÐSP Lào Cai - 9,5 điểm, CÐSP Hà Nam và CÐSP Hải Dương - 10 điểm...

Không hiếm trường đại học (ĐH) SP cũng lấy điểm tuyển đầu vào chỉ ở mức điểm sàn, như Trường ĐHSP Hà Tĩnh 15,5 điểm cho tất cả ngành học, Trường ĐHSP Vinh 15,5 điểm cho hầu hết các ngành... Nếu tính cả điểm ưu tiên thì mỗi thí sinh chỉ cần 5 - 6 điểm cho 3 môn thi đã đủ chuẩn vào học SP. 

Để tránh tình trạng điểm đầu vào của các ngành SP quá thấp như mùa tuyển sinh 2017, theo dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2018 vừa công bố, Bộ GD-ĐT sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp.

Với các trường xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia, ngưỡng điểm này được Bộ GD-ĐT xác định căn cứ kết quả của kỳ thi. Còn nếu xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH sẽ là những học sinh (HS) xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Trình độ CĐ, trung cấp, sẽ xét tuyển HS xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Các trường đào tạo SP cũng có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với HS đã tốt nghiệp THPT chuyên của các địa phương vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có 3 năm học THPT chuyên của địa phương đạt HS giỏi; đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi HS giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của mình.

Đặt ra sự khác biệt trong tuyển sinh năm 2018 cho nhóm ngành SP so với nhiều trường khác, có lẽ Bộ GD-ĐT đang kỳ vọng sẽ tạo ra một thế hệ giáo viên chất lượng hơn hiện nay.

Tuy nhiên, lãnh đạo một trường CĐ có đào tạo ngành SP tại TP.HCM lo lắng dự báo: “Khi điều kiện tuyển sinh như nhau, các ngành SP đã mất sức hút, khó tuyển người giỏi. Nếu điều kiện khó khăn hơn chắc chắn sức hút sẽ tiếp tục giảm”.

Khac biet trong tuyen sinh su pham: coi chung phan tac dung!
 

Vị này lý giải: “Ngành SP không có sức hút đối với thí sinh là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đãi ngộ ở đầu ra. Nếu “cởi trói” cho các ngành khác mà lại “trói” chặt hơn nữa đối với ngành SP - một ngành đang không có tương lai ở đầu ra - thì không ai dại gì chen chân vào ngành SP. Điều cần nhất là tạo ra sự khác biệt để thu hút chứ không phải khác biệt để khó khăn hơn!”.

Cho nên, dự thảo năm nay khiến các trường SP và có tuyển sinh ngành SP lo ngại rằng việc tuyển sinh sẽ càng ảm đạm hơn. 

Chỉ là giải pháp nửa vời

Lý giải nguyên nhân chuẩn đầu vào ngành thấp, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng, do tâm lý xã hội, HS không hứng thú với nghề giáo, dẫn đến các trường địa phương khó tuyển sinh, nên phải đưa ra mức điểm xét tuyển rất thấp.

Ngoài ra, những ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào SP như miễn học phí, phụ cấp thâm niên... không còn đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành nghề khác. Điều này chứng tỏ Bộ GD-ĐT đã nhìn thấy bản chất của vấn đề là chính sách sử dụng giáo viên không hợp lý khiến nghề giáo mất sức hút. 

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM, phân tích: “Có lẽ bộ đưa ra chính sách này nhằm nâng cao chất lượng ngành SP, làm giảm tỷ lệ sinh viên SP ra trường thất nghiệp, giải quyết khủng hoảng thừa trong đào tạo SP. Nhưng tôi cho rằng, giải pháp bộ đưa ra không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi ai dám chắc người thừa sẽ có việc làm, hay nâng chuẩn đầu vào sẽ có được người giỏi?

Vấn đề là người giỏi có chịu vào hay không chứ không nằm ở cái chuẩn. Chúng ta vẫn biết, ngành SP mất sức hút là do chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc của nghề giáo quá thấp, dẫn đến tâm lý xã hội không muốn vào. Muốn giải quyết thì giải quyết chính sách này để người giỏi vào học SP”. 

Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, cho rằng: nếu cứ mong muốn lấy người giỏi nhưng người ta không vào thì cũng chịu. Theo giáo sư Báo, chỉ cần đưa ra cơ chế hấp dẫn là thí sinh sẽ đổ dồn vào, lúc ấy các trường SP tha hồ chọn người giỏi. 

Theo các nhà SP, chính sách miễn học phí đã lạc hậu, bởi thực tế học phí sinh viên SP rất thấp so với chi phí một sinh viên đi học, chi phí đó không chỉ nhà nước bỏ ra mà phụ huynh bỏ ra cũng rất lớn. Họ cũng không dại gì cho con học một ngành đào tạo ra không có việc làm. 

Cho nên, có thể thấy trước những giải pháp và kỳ vọng của Bộ GD-ĐT về sự thay đổi chất lượng đầu vào ngành SP như trong dự thảo sẽ không mang lại tác dụng, thậm chí phản tác dụng. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI