Khác biệt trong giáo dục giữa Việt Nam và Ý từ câu chuyện trẻ con học đàn

11/11/2016 - 06:56

PNO - Ở Ý, đứa trẻ không học đàn vì cha mẹ nó muốn thế khi thấy những đứa khác cũng học, mà vì cha mẹ muốn trẻ biết cảm thụ cái đẹp của nghệ thuật, chứ không hẳn là để thành tài...

Dưới đây là bài viết mang quan điểm và góc nhìn cá nhân của nhà báo Trương Anh Ngọc (hiện đang công tác tại Italy).

Thỉnh thoảng vẫn có người hỏi tôi về sự khác biệt trong cách giáo dục ở mình và nước ngoài (chẳng hạn là bên Ý) như thế nào? Không phải là một nhà giáo dục, nhưng có con học ở bên này, tôi luôn nghĩ là ví dụ thì nhiều lắm. Một ví dụ đơn giản mà tôi đã nhiều lần chứng kiến và từ đó so sánh:

Một đứa trẻ học đàn ở mình thường được cha mẹ khoe với bạn bè hoặc ông bà cô bác mỗi khi họ đến chơi, là con họ chơi đàn hay lắm. Và thường là họ bảo con họ chơi cho mọi người nghe. Đứa trẻ, để chiều lòng cha mẹ, hoặc cũng có thể do bị cha mẹ ép phải thế, sẽ chơi đàn cho những người kia nghe. Hành động ấy giống như một sự ép buộc hơn là một phản xạ tự nhiên, và đứa trẻ chịu một áp lực vô hình của việc mang trên mình sự sĩ diện của gia đình mình trước những người khác.

Còn ở Ý, rất nhiều trẻ học đàn, bởi học đàn cũng như học các thứ khác như học kịch, học múa, học các môn thể thao khác mang tính ngoại khóa sau giờ học chính đã trở nên quá phổ biến. Rất hiếm thấy những đứa trẻ không học cái gì đó sau giờ ở trường. Thành ra, việc các cha mẹ khoe con mình học cái này, học cái kia rất ít. Đương nhiên, cũng có những người nói con họ đàn được, nhưng họ không bắt (hoặc một hành động tương đương như thế, một cách nhẹ nhàng hơn) đứa trẻ phải đàn cho khách nghe. Việc đứa trẻ chơi đàn cho người khác nghe hay không là hoàn toàn tự nguyện.

Khac biet trong giao duc giua Viet Nam va Y tu cau chuyen tre con hoc dan
Khác biệt trong giáo dục giữa Việt Nam và Ý từ câu chuyện trẻ con học đàn (Ảnh minh họa).

Nếu có hứng, đứa trẻ sẽ thể hiện những gì mà nó đã học được. Và, bởi trình độ thưởng thức âm nhạc ở bên này rất cao, nên sau khi nghe xong, thường thì người ta hỏi đứa trẻ cảm nhận như thế nào về bản nhạc mà nó đã chơi, về tác giả đã sáng tác bản nhạc đó và rồi, họ khích lệ đứa trẻ tiếp tục học nữa, chơi nữa, để cảm nhận tốt hơn, yêu âm nhạc hơn, từ đó có một tâm hồn đẹp hơn.

Một so sánh rất tự nhiên: một bên chơi nhạc vì sự sĩ diện của đứa trẻ lẫn cha mẹ nó, một bên chơi nhạc không phải để được khen, mà vì cảm thụ âm nhạc, cho tâm hồn mình đẹp hơn. Đứa trẻ không học đàn vì cha mẹ nó muốn thế khi thấy những đứa khác cũng học, mà vì cha mẹ muốn nó biết cảm thụ cái đẹp của nghệ thuật, trước hết là như thế, chứ không hẳn là để thành tài.

Mà cái đẹp ấy, bản thân cha mẹ, bằng một cách nào đó, cũng phải cảm nhận được và từ đó biết truyền lại và tạo cảm hứng cho con cái...

Trương Anh Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI