1. “Không có vốn vay của Hội, chưa biết chừng nào nhà tôi mới thoát nghèo”, dì Dư Dạ Thảo, 58 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình
Tân nói.
Từ làm thuê lên làm chủ, rồi lại về làm thuê, cuộc đời dì Thảo đã trải qua nhiều long đong, lận đận. Năm 1980, từ quê hương Trà Vinh lên TP.HCM lập nghiệp, dì xin vô xưởng may mùng xuất khẩu. Ban ngày làm, buổi tối dì tranh thủ đi học cho đến khi tốt nghiệp phổ thông. Vợ chồng dì từng có một cơ sở ép nhựa phế liệu tại P.3, Q.11. Làm ăn không thuận lợi, năm 1999, cả gia đình chuyển ra Q.Bình Tân mua mảnh đất cất nhà, gầy dựng lại. Trong khi chồng chạy việc tại một hãng băng đĩa thì dì Thảo nhận gia công những trái banh nhựa dùng cho trò chơi xổ số tại các hội chợ. Được vài năm thì trò chơi này không còn thu hút, hãng băng đĩa cũng qua thời thịnh vượng, chồng dì phải chạy xe ôm, còn dì buôn bán lặt vặt kiếm tiền chợ.
Năm 2006 dì Thảo tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ. Dì được Hội giúp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng tiết kiệm không lãi với số vốn tăng từ 1 triệu đồng lên dần đến 5 triệu đồng theo từng đợt vay. Nguồn vốn vay giúp dì dần hiện thực hóa ước mơ về tiệm tạp hóa. Ban đầu, tiệm nhỏ, với chỉ mấy tủ bánh kẹo, mắm, muối, dầu ăn. Về sau, được Hội giới thiệu vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền nhiều hơn, dì Thảo đầu tư mạnh hơn cho các mặt hàng thực phẩm và cả đồ chơi trẻ em. Dì cho biết, tính tới năm 2021, dì đã vay xoay vòng ba lần, mỗi lần vay trả nợ trong năm năm. “Hàng hóa ngày càng nhiều, người mua cũng thích ghé lại hơn. Từ căn nhà cũ, tôi đã mua được mảnh đất hơn 30m2 bên cạnh để xây rộng thêm” - dì Thảo khoe.
|
Gia đình dì Dư Dạ Thảo khá lên từng ngày nhờ nguồn vốn vay của Hội và do Hội giới thiệu - ẢNH: MẪN NHI |
Đi lên từ ngặt nghèo, dì Thảo thấu hiểu tình cảnh của nhiều chị em buôn thúng bán bưng, những người muốn kinh doanh nhưng “bí vốn”. Được Hội LHPN phường tín nhiệm giao việc quản lý tổ vay vốn khu phố 2, dì đã tìm hiểu hoàn cảnh rồi giới thiệu cho hàng trăm chị em vay nguồn tín dụng tiết kiệm của Hội LHPN Q.Bình Tân và Ngân hàng Chính sách xã hội để làm ăn buôn bán. Năm 2020, Hội LHPN P.Bình Trị Đông A triển khai thực hiện mô hình “Ở đâu có Hội, ở đó nói không với tín dụng đen”, dì Thảo là một trong những thành viên tích cực tuyên truyền, phát tài liệu hướng dẫn phụ nữ địa phương nhận biết các hình thức cho vay lãi suất cắt cổ, hợp đồng vay không rõ ràng. Với những chị em chẳng may đã vướng vào tín dụng đen, dì đề xuất Hội LHPN phường kết nối vay các nguồn vốn ủy thác để giải thoát cho chị em.
2. Hơn một năm nay, cứ 2 - 3 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, 30 tuổi, lại ra vườn cắt rau đem bỏ mối cho hàng quán và tiểu thương các chợ ở Q.12 và H.Hóc Môn. Đến sáng sớm, chị quay về mở cửa hàng bán rau trái của mình trên đường Trịnh Thị Miếng, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn. Quần quật suốt ngày, nhưng chị Quỳnh cho rằng mình vẫn hạnh phúc vì có việc làm, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành.
|
Chị Như Quỳnh chuyển hướng sang làm vườn, mở tiệm bán rau và trái cây từ nguồn vốn do Hội giới thiệu vay - ẢNH: MẪN NHI |
Rời quê hương Nghệ An vào TP.HCM lập nghiệp, chị Như Quỳnh từng làm công nhân may, phụ việc buôn bán, bảo mẫu. Sau thời gian dài tích cóp, năm 2018, chị dồn hết vốn liếng mở trường mầm non. Hoạt động chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 xuất hiện khiến trường phải “đóng” nhiều hơn “mở”. Không kham nổi, chị đành phải chuyển nhượng ngôi trường lại cho người khác. Chồng làm nghề thiết kế nhà, dịch bệnh cũng thất nghiệp. Thấy vậy, chị Quỳnh nghĩ cách chuyển hướng làm ăn. Tháng 6/2020, nhờ “mai mối” của chị em trong khu phố, chị được Hội Phụ nữ kết nối vay ngân hàng 50 triệu đồng để làm vốn đầu tư trồng rau.
Chị Quỳnh gầy dựng vườn rau trên mảnh đất thuê rộng hơn 1.000m2 ở xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, trồng nhiều loại rau xanh trong nhà lưới với sản lượng thu hoạch khoảng 100kg mỗi ngày. Mọi việc làm vườn, cắt rau đi bỏ mối… chị đều tự mình cáng đáng. Không chỉ vậy, chị còn thuê mặt bằng mở cửa hàng bán các loại rau củ, trái cây Đà Lạt.
Dù chưa phải đã thực sự giàu có, nhưng chị Quỳnh và dì Thảo đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngoài ý chí, sự siêng năng, cần cù thì đồng vốn Hội đã góp phần quan trọng tạo động lực giúp họ vươn lên. Chị Như Quỳnh tâm sự: “Tôi cũng là người tha phương cầu thực, nếm trải biết bao khó khăn, làm ăn thất bại, có Hội tiếp sức mới gượng dậy được”. Còn dì Thảo bộc bạch: “Dịch COVID-19 đã đẩy nhiều gia đình khó khăn càng thêm kiệt quệ. Tôi mong sẽ có thêm nhiều nguồn vốn ưu đãi mà thủ tục không quá khó cho bà con vay để trang trải những lúc khó khăn và đầu tư làm ăn vươn lên thoát nghèo”.
Mẫn Nhi
Nhiều nỗ lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Trong năm năm qua, các cấp Hội Phụ nữ tại TP.HCM đã hỗ trợ 1.246 tỷ đồng vốn vay cho 197.000 hội viên phụ nữ và nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số dư nợ đến hiện tại là 2.507,449 tỷ đồng, tăng 313% so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ thu hồi đạt trên 99,8%. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, Hội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên, phụ nữ vay vốn như giãn thời gian vay, thu nợ chậm lại, giảm lãi suất cho vay so với hợp đồng.
Sau khi dịch được kiểm soát, Hội đẩy mạnh hỗ trợ nguồn vốn tín dụng tiết kiệm đến từng khu dân cư nhằm giúp các hộ gia đình tránh tình trạng bị rơi vào “tín dụng đen”.
Phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” được các cấp Hội duy trì liên tục 26 năm qua với kết quả vận động đạt trên 4 tỷ đồng/năm. Mô hình “Tiết kiệm tại chi tổ Hội” và các nhóm tín dụng tiết kiệm cũng đã huy động từ hội viên, phụ nữ để giúp 332.000 thành viên. Nhờ vậy, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội Phụ nữ giúp thoát nghèo theo hướng đa chiều vượt 119% chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ.
(Trích dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026)
|
Hội LHPN TP.HCM tổ chức phát vay vốn cho hội viên, phụ nữ H.Củ Chi năm 2021 - ẢNH: DIỄM TRANG |
CWED - đồng hành cùng phụ nữ vươn lên
Trong năm năm qua (2016-2021) đã có 56.455 lượt hội viên phụ nữ được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) phát vay với tổng số tiền hơn 1.082 tỷ đồng, trong đó hơn 85% sử dụng vốn để phát triển, mở rộng việc chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập gia đình có hiệu quả. Một số thành viên vay vốn từ những năm đầu, mặc dù đã không còn khó khăn nhưng vẫn gắn bó với CWED để hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa cho chị em hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên thoát nghèo.
Riêng năm 2020 và 2021, trong tình hình phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19, một số thành viên vay vốn gặp khó khăn trong kinh doanh, buôn bán, CWED đã giãn nợ cho 396 thành viên với tổng số vốn vay gần 9 tỷ đồng, không thu lãi các thành viên hơn 39 triệu đồng.
Không chỉ hỗ trợ vốn, CWED còn phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối với các doanh nhân nữ đã thành công chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho các thành viên vay vốn, đề xuất các cấp Hội trao học bổng cho con các thành viên khó khăn, trao tặng phương tiện sinh kế, xây dựng mái ấm tình thương, chăm lo trong các dịp lễ tết.
Tinh Châu