edf40wrjww2tblPage:Content
Ông Lâm Quốc Cường - giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế VNPTI, thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) - cho biết đợt đứt cáp AAG lần này cũng như những lần xảy ra trước đây đều ảnh hưởng đến hướng liên lạc quốc tế của bốn doanh nghiệp có sử dụng tuyến cáp AAG là VNPT, Viettel, FPT và SPT. Riêng VNPT ghi nhận có khoảng 40% lưu lượng kết nối quốc tế bị ảnh hưởng.
Sự cố đứt cáp quang biển khiến 60% lưu lượng Internet bị ảnh hưởng - Ảnh minh họa: Thuận Thắng
Đã có phương án dự phòng
Theo ông Cường, chỉ những yêu cầu truy cập đến các dịch vụ quốc tế mới bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp. Do đã nhiều lần có kinh nghiệm ứng phó ứng phó nên VNPT đã có sẵn sự chuẩn bị từ trước. Cụ thể, ngay khi ghi nhận xảy ra sự cố đứt cáp vào lúc 18g ngày 20/12, VNPT đã áp dụng ngay các phương án dự phòng, tối ưu hóa tuyến hướng liên lạc, điều chuyển lưu lượng... nhằm hạn chế tối thiểu ảnh hưởng. Do đó các yêu cầu truy cập thông thường của người dùng gần như không ảnh hưởng, chỉ có các truy cập dịch vụ băng rộng đi quốc tế chậm hơn bình thường.
Ông Lâm Quốc Cường: Chưa biết tàu cáp đang ở đâu Hiện tại hệ thống vẫn chưa xác định được nguyên nhân đứt cáp, chỉ biết có sự cố xảy ra tại vị trí cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 278km. Việc khắc phục sự cố là trách nhiệm của đội ngũ kỹ thuật quản lý cáp AAG, các nhà cung cấp dịch vụ tại VN chỉ có thể phối hợp hỗ trợ chứ không thể tự làm được. Do đó thời gian khắc phục chủ yếu phụ thuộc việc đội ngũ xử lý bố trí tàu cáp, chuyên gia kỹ thuật, các dụng cụ chuyên dụng... đến khu vực xảy ra sự cố để hàn cáp. Theo kinh nghiệm của tôi, thời gian khắc phục nhanh nhất khoảng hai tuần, còn thông thường là ba tuần. Thực tế, chúng ta không thể muốn là làm ngay được mà phải chờ xác định đúng sự cố, lên phương án sửa chữa, đặc biệt là tàu cáp vì không biết hiện giờ tàu cáp đang ở đâu, thời gian chạy đến vị trí xảy ra sự cố mất bao lâu. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải - giám đốc Công ty VDC, đơn vị thuộc VNPT, hiện là nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất VN (chiếm khoảng 65% thị phần với hơn 3 triệu thuê bao Internet băng thông rộng) - thừa nhận khách hàng của VDC đang chịu ảnh hưởng khá lớn từ sự cố này. Ông Hải cho rằng thời gian khắc phục sự cố có thể sẽ khá lâu vì ngoài các yếu tố chủ quan trong sự phối hợp giữa các bên liên quan, các yếu tố kỹ thuật máy móc, còn phải chịu tác động của yếu tố khách quan là thời tiết.
Ông Hải cũng cho biết hiện tại VDC đã mở tối đa băng thông của hai hướng kết nối đi quốc tế khác nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu liên lạc đi quốc tế từ VN.
Kết nối trong nước cũng bị ảnh hưởng
Đại diện FPT Telecom khẳng định sự cố khiến việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng như dịch vụ web, e-mail, thoại, video... bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng. FPT Telecom đưa ra khuyến cáo người dùng chỉ nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng, còn các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hóa dung lượng truyền tải.
Hiện tại, FPT đã sử dụng tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngưng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến người dùng. Công ty này cũng cho biết đang gấp rút phối hợp chặt chẽ với đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG để cập nhật thông tin tới khách hàng và khôi phục liên lạc trong thời gian sớm nhất khi tuyến cáp được sửa chữa xong.
Mặc dù các nhà mạng viễn thông đều khẳng định việc kết nối đến các địa chỉ, dịch vụ Internet trong nước của người dùng không hề bị ảnh hưởng nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn có tình trạng truy cập website trong nước bị chậm. Chị Phương Thảo (Q.Tân Phú, TP.HCM) sử dụng dịch vụ của FPT Telecom cho biết: “Không chỉ việc truy cập vào các trang web nước ngoài như Facebook rất chậm mà ngay cả một số trang trong nước cũng chậm theo, nhất là việc tải hình ảnh. Tôi phải chờ gần 5 phút mới tải xong một trang web bình thường có hình ảnh”.
Sơ đồ tuyến cáp AAG và điểm xảy ra sự cố Nguồn: submarinecablemap.com - Đồ họa: VĨ CƯỜNG Trục trặc nhiều lần VN hiện có bốn tuyến cáp quang biển quốc tế cập bến gồm: AAG (Asia-America Gateway) và TGN-IA (TGN-Intra Asia Cable System) cập bến tại trạm Vũng Tàu, SMW3 (SEA-ME-WE 3) và APG (Asia Pacific Gateway) cập bến tại Đà Nẵng. Hiện ba tuyến cáp AAG, TGN-IA, SMW3 đang được khai thác, còn tuyến APG dự kiến đến quý 3/2014 mới vận hành. Trong đó tuyến AAG là tuyến cáp quang biển xuyên Thái Bình Dương đầu tiên nối trực tiếp Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei, VN, Hong Kong, Philippines, Guam, Hawaii và Mỹ. AAG là kết quả sự hợp tác của 19 công ty viễn thông, trong đó có bốn doanh nghiệp VN là VNPT, Viettel, FPT và SPT, cùng tham gia xây dựng và bảo dưỡng. Tuyến cáp có chiều dài 20.191km (nhánh cáp rẽ vào VN dài 314km) với tổng chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, trong đó VNPT với tư cách thành viên sáng lập, là doanh nghiệp VN góp vốn nhiều nhất, 40 triệu USD. AAG được chính thức đưa vào phục vụ từ ngày 10/11/2009. NEC và Alcatel-Lucent là hai công ty được giao phụ trách hoạt động khai thác tuyến cáp. Mặc dù chỉ mới hoạt động vài năm song AAG được đánh giá là tuyến cáp quang biển quốc tế gặp nhiều sự cố nhất. Đó là các sự cố đứt cáp xảy ra vào ngày 8/3/2011 (20 ngày sau khắc phục xong), bảo trì cáp từ ngày 9-6 đến 12/7/2011, sự cố ngày 13/8/2012, sự cố ngày 20/12/2013... |
Theo ĐỨC THIỆN (Tuổi Trẻ Online)