Khá 'bảnh' vào đề văn: Đổi mới giáo dục không phải làm cái khác người

10/04/2019 - 07:16

PNO - Không phải đợi đến khi nhân vật Khá “bảnh” - một tay “giang hồ sống ảo” vào đề thi thì chúng ta đã nhiều lần giật mình thon thót với các đề thi mang “mác” gắn với thực tế.

Từ việc chọn những nhân vật không có tính giáo dục đến cách ra đề khiên cưỡng cho thấy đang có xu hướng ra đề chỉ để kịp chạy theo…thời sự.

Ra đề thực tế… đến đâu?

Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) vừa tổ chức kỳ thi học sinh giỏi môn văn lớp 11 năm học 2018-2019. Trong đó, câu 1 (3 điểm) có chủ đề “Hiện tượng mạng Khá “bảnh” với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái”. Đề thi trích một đoạn bài viết trên báo với nội dung: “Xuất hiện trên mạng xã hội cách đây khá lâu, Ngô Bá Khá (hay còn gọi là Khá "bảnh", sinh năm 1993, quê Bắc Ninh) nổi tiếng với điệu nhảy “múa quạt”, còn được dân mạng gọi với cái tên “VinaHey”. Sau đó, Khá “bảnh” được biết đến nhiều hơn với những clip hướng dẫn “quẩy” trong bar, livestream nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc, thậm chí là làm phim ngắn về “tình nghĩa giang hồ”. Mới đây nhất, tên giang hồ này cùng nhóm bạn thân dàn hàng ngang chụp hình trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý…”. Đề thi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng được đề cập trong bài viết. 

Đưa một nhân vật “sóng gió” vào đề, mặc nhiên đề thi này lập tức cũng gây bão dư luận. Nhiều luồng ý kiến trái chiều tạo thành cuộc tranh luận như chính nhân vật “giang hồ sống ảo” này. Một bên cho rằng đề thi sáng tạo để giới trẻ nhìn nhận vấn đề và rút ra được bài học cho bản thân, phía còn lại phản đối khi đưa “giang hồ mạng” vào học đường bởi nhân vật này chẳng thể đại diện cho điều gì.

Kha 'banh' vao de van: Doi moi giao duc khong phai lam cai khac nguoi
Khá “bảnh” vào đề thi học sinh giỏi môn văn lớp 11

Có lẽ, những người ra đề mong muốn tìm được những học sinh có tư duy độc lập, sáng tạo, có cách đánh giá, nhìn nhận những hiện tượng xã hội. Qua đó cũng để các em thấy được mặt tiêu cực của hiện tượng Khá “bảnh”, và hướng tới những giá trị tích cực của cuộc sống. Thế nhưng, với nhiều nhà giáo, việc đưa câu chuyện thực tế, nhân vật có thật vào dạy cho học sinh thì trước nhất câu chuyện, nhân vật đó phải mang tính giáo dục. 

Nhiều nhà giáo sau khi đọc đề thi đã thốt lên: Đưa “giang hồ mạng” vào đề thi để làm gì? Ngoài sự phổ biến của nhân vật thì giá trị mà nhân vật đó mang lại cho xã hội là điều cần phải xem xét. Nếu đó là điều mang lại giá trị tiêu cực nhiều hơn thì cần phải hạn chế. 

Kha 'banh' vao de van: Doi moi giao duc khong phai lam cai khac nguoi
Theo nhiều ý kiến, "giang hồ sống ảo" Khá "bảnh" chẳng đại diện cho điều gì khi đưa vào đề thi

Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: việc ra đề văn gắn với tình hình thực tế cuộc sống là cần thiết nhưng cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng. Khá “bảnh” là hiện tượng không tốt nhưng nhiều thanh thiếu niên ngộ nhận, tôn vinh. Ở lứa tuổi học sinh, nhận thức chưa đầy đủ, vẫn còn sự bồng bột của tuổi trẻ, đưa hiện tượng này vào đề thi là không nên. Học đường là môi trường giáo dục, đề thi cũng là hình thức định hướng giáo dục cho người học, giúp các em hướng tới lối sống tích cực.

Đừng hiểu đổi mới giáo dục một cách máy móc

Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh nhấn mạnh: tôi không ủng hộ việc đưa một nhân vật như Khá “bảnh” vào đề thi, dù là với ý phê phán. Đó là hiện tượng xã hội nóng nhưng nó không có tác dụng giáo dục học trò. Hiện tượng cuộc sống cần thiết đưa vào đề thi nhưng phải chọn lọc.

Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, có vẻ một trào lưu đổi mới quá đà, như kiểu đưa Ngọc Trinh, Bà Tưng… vào đề thi ngày càng nhiều. Những nhân vật này có gì để học sinh phải bận tâm tìm hiều? Chắc chắn sau kỳ thi này, học sinh sẽ tìm đọc, tìm xem những gì liên quan đến nhân vật đó và như vậy vô tình thầy cô đã tạo thêm sự lan tỏa của “hình mẫu” này trong giới trẻ.

Kỳ thi học kỳ I vừa qua trùng với thời điểm đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, hàng loạt đề thi môn ngữ văn sử dụng hình ảnh của đội tuyển bóng đá quốc gia làm ngữ liệu cho câu hỏi nghị luận. Thế nhưng, hiệu quả lại không đi đến đâu. 

Trong đề thi học kỳ môn văn tại Trường THPT Nguyễn Du có câu hỏi: “Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018...”. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi đang chạy theo trào lưu, chưa có sự chắt lọc, chuẩn bị chỉn chu, đưa ngữ liệu và yêu cầu khiên cưỡng, thiếu nhuần nhuyễn nên đã tạo ra dư luận trái chiều. 

“Đừng hiểu đổi mới một cách hời hợt, cái mới phải mang lại hiệu quả tốt hơn, đưa đến những bài học mới mẻ hơn cho người học, chứ không phải cái gì khác cái cũ đều là đổi mới sáng tạo”, thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh khẳng định. 

Đề ra theo hướng mở cần đảm bảo tính định hướng giáo dục

Đại diện Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT cho biết như vậy sau vụ Khá “bảnh” vào đề thi học sinh giỏi. Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc và chỉ đạo Sở GD-ĐT thành phố Hải Phòng kiểm tra cụ thể. 

Theo đơn vị quản lý chuyên môn của Bộ GD-ĐT, đề mở gắn với những vấn đề thời sự có ý nghĩa thường gây được sự hứng thú nơi người học. Khi đó, học sinh được vận dụng những kiến thức và kỹ năng từ bài học trong chương trình vào thực tiễn cuộc sống. Đó là xu thế đổi mới dạy học ở phổ thông hiện nay, trong đó có việc ra đề và xây dựng hướng dẫn chấm theo hướng mở, gắn với thực tiễn nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo, đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của người học. 

Đề văn nghị luận xã hội lấy ngữ liệu có tính thời sự nhưng cần phải đảm bảo nội dung ngữ liệu có tính định hướng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học đúng mục tiêu. Đặc biệt phải phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở mỗi lớp học, cấp học. 

Do đó, ra đề, phản biện và thẩm định đề là những công việc đòi hỏi sự cẩn trọng rất cao. Việc lựa chọn ngữ liệu để ra đề càng phải thận trọng, tránh xu thế chạy theo thị hiếu nhất thời, tránh những vấn đề “nhạy cảm” chưa được kiểm chứng.

Gia Tuệ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI