Kêu thợ đến nhà sửa đồ gia dụng, làm sao biết mình bị “chém”?

28/06/2020 - 12:31

PNO - Máy lạnh hết gas, máy giặt, ti vi hỏng một lỗi nhưng thợ báo thêm nhiều lỗi để sửa chữa hoặc thay thiết bị…

 

Thợ sửa điều hòa, thiết bị gia dụng... không thiếu những mánh khóe để moi thêm phí của gia chủ
Thợ sửa điều hòa, thiết bị gia dụng... không thiếu những mánh khóe để moi thêm phí của gia chủ

Thợ mó tay đến đâu, báo lỗi đến đó

Trên thị trường, giá vệ sinh máy lạnh, máy giặt không chênh nhau nhiều giữa các điểm sửa chữa tự phát với các công ty sửa chữa chuyên nghiệp hay các trung tâm điện máy. Mức phổ biến là 150.000 đồng/máy lạnh và 250.000 đồng/máy giặt nhưng cũng có nơi rao giá chỉ 100.000-200.000 đồng/máy. 

 

Chị Lan Phương - ở đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - cho biết, lần nào gọi thợ đến vệ sinh máy lạnh, họ cũng yêu cầu bơm gas với lý do “gas yếu, máy không lạnh, xài hao điện”. Đáng nói, phí bơm gas cao hơn cả tiền vệ sinh máy lạnh. “Thợ báo sao, tôi nghe vậy chứ không rành. Phí bơm gas có khi lên tới 170.000 đồng/lần. Đáng nói, cứ sáu tháng tôi vệ sinh máy lạnh một lần nhưng lần nào, thợ cũng báo gas yếu, phải bơm thêm. Dù hoài nghi nhưng tôi không biết cách kiểm tra thế nào, đành chịu tốn tiền” - chị Phương cho hay. 

Chị Kim Cương - ở đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM - kể, chị gọi thợ từ Siêu thị Điện máy T.H. đến vệ sinh hai máy lạnh, một máy giặt với tổng tiền 600.000 đồng. Tuy nhiên, khi xong việc, nhân viên báo với chị cánh quạt trong cục nóng máy lạnh không quay do tụ máy nén bị hư, sẽ làm cho máy lạnh không mát và đề nghị thay tụ máy nén mới, giá thay là 300.000 đồng/cái. Khi xong việc, nhân viên này từ chối viết hóa đơn, phiếu bảo hành, chỉ cho số điện thoại cá nhân để gọi khắc phục khi có trục trặc. Nghi ngờ thợ sửa thiếu trung thực, chị kiểm tra giá thiết bị này thì được siêu thị báo chỉ 55.000 đồng/cái. 

Chiêu trò của thợ sửa

Hơn 10 năm trong nghề, anh Huy - chủ một nhóm thợ vệ sinh máy lạnh, máy giặt - cho biết, nhiều nơi sẵn sàng hạ giá dịch vụ xuống còn một nửa so với nơi khác để cạnh tranh, nhưng nếu khách hàng ham rẻ thì “tiền nào, của nấy”. Thợ chỉ vệ sinh máy sơ sài, không làm kỹ hoặc “vẽ” đủ thứ như thiếu gas, linh kiện bị hư để khách hàng phải trả thêm tiền.

Theo anh Huy, nếu phí vệ sinh máy cao thì tiền này phải trả về cho cửa hàng, thợ chỉ lãnh lương nên nhiều thợ tìm cách kiếm thêm tiền cho đáng ngày công. Đáng nói, không ít người mặc định đó là việc đương nhiên, thay linh kiện giá gấp 5-7 lần mới đủ thu nhập để sống với nghề này. 

Anh Huy tư vấn, mọi người có thể tự kiểm tra máy, thậm chí tự vệ sinh máy theo các video hướng dẫn chi tiết trên YouTube. Riêng với máy giặt, cần có thợ tháo lồng giặt ra, mới vệ sinh sạch bên trong được. Nếu định kỳ sáu tháng vệ sinh máy lạnh một lần mà lần nào thợ cũng bơm gas là do họ vẽ ra để thu thêm tiền. Tùy điều kiện sử dụng, gas có thể bị thiếu hụt nhưng rất ít khi cần phải bơm gas. Máy lạnh thường bị “bệnh” chạy một lúc thì bị ngắt, cần kiểm tra dàn nóng và dàn lạnh có quá bẩn không, điện áp nhà mình có bị tăng, giảm bất thường không (cách đơn giản là xem các bóng đèn trong nhà lâu lâu có bị sáng hơn hay tối hơn so với bình thường không); nếu có, cần vệ sinh máy định kỳ và trang bị ổn áp. Khả năng khác nữa là do cài đặt chế độ hẹn giờ tắt máy mà không biết. 

Theo đại diện Điện Máy Xanh, người tiêu dùng có thể tự chẩn đoán nguyên nhân sự cố máy lạnh và xử lý, như bật máy lạnh mà thấy không hoạt động (đèn không mở, miệng gió không mở), cục lạnh có gió nhưng không mát hoặc không nóng (đối với máy hai chiều), máy thổi không khí có mùi hôi, dàn nóng lúc chạy lúc không... Người tiêu dùng có thể tự xử lý các “bệnh” trên, chẳng hạn khi dàn nóng hoạt động ồn, có tiếng kêu bất thường thì kiểm tra quạt, xem có vật nào cọ vào dàn nóng không, tấm cách âm máy nén có được gắn đúng, kín không, dàn nóng có bắt chặt vào giá đỡ không... từ đó thay cánh quạt nếu nó vỡ, mẻ, cong vênh, lấy vật dụng cọ dàn nóng ra; siết bu-lông chặt vào giá đỡ, gắn thêm cao su chống rung đối với một số máy công suất lớn hoặc máy sử dụng lâu năm...

Để không bị thợ “móc túi”, khi được yêu cầu bơm gas hay thay linh kiện gì, sau khi tự kiểm tra máy theo kinh nghiệm của mình, người tiêu dùng nên liên hệ lại cửa hàng, siêu thị để được báo giá trực tiếp, đồng thời yêu cầu thợ (nhân viên) ghi hóa đơn, phiếu bảo hành linh kiện. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI