Lần đầu tiên, một cơ quan nhà nước “xắn tay áo” vào cuộc thanh tra vi phạm bản quyền tranh. Thế nhưng, nhiều họa sĩ lại chọn cách im lặng; dù trước đó, hễ tranh bị đạo/nhái, giới họa sĩ lại đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Sở hăng hái, họa sĩ… dửng dưng?
Trước hàng loạt vụ vi phạm bản quyền tranh diễn ra công khai, trắng trợn trong thời gian qua, trả lời báo chí, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội - cho biết: “Ngay khi nhận được đơn thư tố cáo và các bằng chứng, Thanh tra sở sẽ vào cuộc kiểm tra”. Thế nhưng, trước sự tích cực từ phía Sở VH-TT Hà Nội là thái độ hờ hững của giới họa sĩ. Theo Sở VH-TT Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn chưa nhận được đơn đề nghị thanh tra nào từ phía các họa sĩ, đặc biệt là những họa sĩ trong các vụ vi phạm bản quyền gần đây.
Lý giải về sự im lặng này, họa sĩ Bùi Trọng Dư - người có tác phẩm bị “đạo” trong thời gian qua - cho rằng, giới họa sĩ thường ngại chuyện kiện cáo, vì thấy thủ tục rắc rối, mất thời gian, mà không biết kết quả thế nào. Họ chỉ muốn chuyên tâm sáng tác. Ông Bùi Trọng Dư dẫn vụ kiện bản quyền nhân vật trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt - họa sĩ Lê Linh phải mất hơn 10 năm đi lại, gõ cửa khắp nơi, ra tòa nhiều lần.
|
Nhiều tác phẩm của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị làm giả, rao bán công khai |
“Về cá nhân tôi, 3 vụ xâm phạm bản quyền tranh vừa qua, tôi và người vi phạm đã giải quyết êm thấm. Họ thành khẩn, tôi nghĩ cũng nên cho người ta cơ hội. Tôi đã hứa như vậy, giờ làm đơn, hóa ra tôi cũng không đúng. Nhưng nếu họ cố tình vi phạm lần nữa, nhất định tôi sẽ làm đến nơi đến chốn” - ông Bùi Trọng Dư chia sẻ.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng đánh giá cao động thái tích cực từ Sở VH-TT Hà Nội. Điều quan trọng còn lại là, mỗi họa sĩ phải có trách nhiệm với chính tác phẩm của mình và thái độ đó tác động rất mạnh đến việc minh bạch hóa thị trường tranh. Bình thường, ai cũng hô hào làm đến cùng, nhưng khi gặp chuyện lại chọn cách dĩ hòa vi quý.
Đúng nhưng chưa trúng
Lâu nay, hễ một vụ “đạo” tranh bị phát hiện, một vụ tranh giả bị phanh phui, giới họa sĩ lại ầm ầm lên tiếng, kêu cứu trên Facebook cá nhân, cầu cứu… nhà báo, thậm chí còn tự tổ chức tọa đàm "Họa sĩ nên làm gì khi bị vi phạm bản quyền" với sự góp mặt của nhiều tên tuổi như: Thành Chương, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Đặng Tiến...
Gần đây nhất, sau hàng loạt vụ “đạo” tranh công khai liên tiếp, các họa sĩ còn lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa”, quy tụ gần 1.000 thành viên chỉ sau một tháng. Một số người đổ trách nhiệm về phía các hội nghề nghiệp mà họ thậm chí không phải là thành viên.
Trong bối cảnh ý thức về quyền tác giả và quyền liên quan ở nước ta còn nhiều hạn chế, chế tài xử phạt nhẹ, dẫn tới tình trạng “nhờn luật”… những phản ứng nêu trên của giới họa sĩ nghe rất quyết liệt. Nhưng những việc làm đó thực chất chỉ xử lý được phần ngọn của vấn đề, vẫn là kiểu… phải làm gì đó để “bõ tức” khi bị “ăn cắp”. Trước động thái của Sở VH-TT Hà Nội, không ít họa sĩ cho rằng, thanh tra vốn là việc nằm trong chức phận của sở, sở nên tự làm, sao phải ngồi chờ đơn của họa sĩ.
|
Một tác phẩm của họa sĩ Dương Quốc Định bị sao chép tràn lan |
Quanh những vụ vi phạm bản quyền tranh, luật sư Trần Thị Tám cho rằng, giới họa sĩ kêu cứu là đúng, nhưng chưa trúng. Theo luật sư Tám, “khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm phạm, đầu tiên, hãy “kêu lên”. Tuy nhiên, “kêu” với ai và có căn cứ gì để “kêu” là điều quan trọng nhất”.
Hiện nay, tình trạng tác phẩm mỹ thuật giả mạo mới dừng ở việc truyền thông đưa tin chứ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, nên chưa thể đi đến cùng. Bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là quan hệ tài sản - quan hệ dân sự, nên cơ quan nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu từ chủ thể bị xâm phạm hoặc từ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Theo luật sư Tám: “Khi nạn nhân không yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý và các cơ quan này không giải quyết là phù hợp quy định của pháp luật”.
Trở lại với lần “xắn tay áo” hiếm hoi của một cơ quan nhà nước, đó rõ ràng là động thái rất tích cực, là cơ hội tốt để qua đó nâng cao ý thức cũng như hiểu biết về bản quyền đối với những người làm kinh doanh lẫn giới họa sĩ. Tuy nhiên, có tận dụng được cơ hội đó hay không thì vẫn tùy vào những người trong cuộc. Tranh giả, tranh nhái, đạo tranh… vẫn là một câu chuyện dài.
Đậu Dung