PNO - PN - Hôm qua, kết thúc đợt thi thứ hai, cả nước có 153 thí sinh (TS) bị xử lý kỷ luật (tăng gấp đôi so với đợt thi đầu - 74 TS vi phạm), trong đó có 123 TS bị đình chỉ, hai TS bị cảnh cáo và 28 TS bị khiển trách.
edf40wrjww2tblPage:Content
Quay cóp tăng
Ở đợt thi này, chỉ tính riêng ĐH Cảnh sát nhân dân đã có đến 25 TS bị đình chỉ thi, trong đó có 24 TS sử dụng tài liệu trong giờ thi. Ngay ngày thi đầu tiên, Hội đồng thi trường ĐH Cần Thơ có năm TS bị khiển trách do trao đổi bài trong giờ thi.
Không chỉ sử dụng các loại “phao cổ điển” như tài liệu giấy, ĐTDĐ, các chiêu gian lận trong thi cử đã "phát triển" theo công nghệ. Một TS dự thi vào trường ĐH Y Dược TP.HCM có “sáng kiến” mang tài liệu vào phòng bằng cách ghi tài liệu sau lưng máy tính cầm tay. Tại điểm thi trường THCS Colette (dự thi vào ĐH Mở), một TS nữ đã tận dụng mái tóc dài để giấu tai nghe Bluetooth đang mở. Cán bộ phục vụ công tác thi tại đây kể: TS này đến trễ, không mang ĐTDĐ nhưng cố tình xõa mái tóc dài che phủ tai. Nghi vấn, giám thị yêu cầu cột tóc lên thì phát hiện chiếc tai nghe Bluetooth đang kết nối. Lại có trường hợp TS sử dụng thiết bị truyền dẫn nhỏ bằng hạt đậu gắn vào tai nghe.
TS Trần Đình Lý (ĐH Nông Lâm TP.HCM) nhận định: TS “chết vì dế”, vì “phao” công nghệ nhiều như thế không còn là lỗi vô tình. Báo chí đã lưu ý, giám thị nhắc nhở trước mỗi buổi thi, điểm thi nào cũng bố trí người trực giữ đồ đạc cho TS, nhưng các em vẫn cứ mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi thì không thể nói “quên” được.
Lý giải cho con số vi phạm “khủng”, TS Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 cho rằng: “Đợt thi thứ hai bao gồm nhiều khối thi như B, C, D với nhiều môn xã hội, tự luận nên số lượng TS vi phạm bao giờ cũng cao hơn đợt 1. Năm nào cũng vậy chứ không riêng mùa tuyển sinh này”. Có thể hiểu, từ nhiều năm nay, TS luôn chuẩn bị “phương án” dự phòng khi làm bài những môn thi xã hội. Vì sao TS vẫn hy vọng việc gian lận thi cử có đất dụng võ? Theo nhiều người, lý do chủ yếu chính là ở khâu ra đề. Đề thi vẫn cứ nằm trong sách giáo khoa với lối đặt câu hỏi cũ mòn. Bao năm nay, kiểu học vẹt vẫn có thể giúp người học vượt qua được những đề thi khuôn mẫu.
Nhiều thí sinh rời phòng thi với gương mặt lo âu, căng thẳng - Ảnh: Phùng Huy
Ra đề phải… “chấp” thí sinh xem tài liệu
Theo ThS Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, để TS thôi trông chờ vào việc gian lận trong phòng thi thì phải làm cho người đi thi không còn tâm lý đối phó. Muốn vậy, phải đổi mới cách ra đề. Đề thi có kiến thức vẫn nằm trong chương trình học nhưng phải thay đổi cách hỏi, phải buộc TS tư duy. Có như vậy mới mong dẹp được chuyện học vẹt, học tủ và những trò thiếu trung thực trong thi cử.
Thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn nhận định: Đề thi môn văn của khối C và D đều có điểm mới đáng ghi nhận so với mọi năm. Câu 1 là sự tích hợp giữa tiếng Việt với yêu cầu nhận biết về nội dung của đoạn thơ. Yêu cầu này không thật sự khó, nhưng TS không dễ lấy trọn vẹn điểm vì phần tiếng Việt ít được chú trọng ôn tập; câu 2 cả đề thi khối C và D đều định hướng rất tốt về nhân cách sống đẹp. Đồng thời, đề C đề cao “sức mạnh” chân chính. Câu văn của Nam Cao giàu triết lý nhân sinh nhưng lại quen thuộc nên không phải là thử thách với TS. Điều đặc biệt năm nay là không có câu 3a, 3b để chọn, vì thế sẽ loại rất nhiều TS nếu học hành không tử tế. Điều này giúp tuyển chọn TS thực sự có năng lực và ý thức tốt.
Môn sử năm nay trở thành “sát thủ” với TS, đa số TS kêu trời. Em Ngô Thị Liên dự thi vào trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, từng là học sinh giỏi môn sử, đánh giá đề thi sử năm nay ra trong trọng tâm sách giáo khoa nhưng lại rất khó. Tiến sĩ Trần Ngọc Khánh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn nhận định, đề thi có sự đổi mới về cấu trúc, nội dung hay, khắc phục lối học vẹt của môn xã hội. Trong đó, câu 4 ra khác hoàn toàn với các đề thi trước đây bằng cách đưa ra các sự kiện yêu cầu TS suy luận, phân tích. Cũng trong xu thế đổi mới đề thi, câu 1 đòi hỏi TS biết khái quát kiến thức để trình bày suy nghĩ cá nhân. Câu hỏi phụ khơi dậy tinh thần yêu nước, nêu bật vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc…
Nhiều TS dự thi khối D bất ngờ với đề tiếng Anh vì những câu hỏi liên quan tới chủ quyền biển đảo. Một số câu hỏi điền từ, tìm từ đồng nghĩa, bài chọn trọng âm đúng... cũng mang nội dung trên. Câu hỏi đề cập trực tiếp tới sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu TS tìm từ đồng nghĩa với từ “leo thang căng thẳng”. Câu 23 (mã đề 625) yêu cầu điền từ phù hợp vào đoạn “Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông đã bị các nhà chức trách và chính trị gia phương Tây cũng như Đông Nam Á lên án là hành vi xâm phạm lãnh hải của Việt Nam...”. Những câu hỏi này khiến nhiều TS phải “bó tay” nếu không làm quen với từ mới, hoặc đọc qua những tin tức thời sự.
Một giáo viên tiếng Anh tỏ ra bất ngờ: Việc ra một đoạn văn đầy tính thời sự xã hội như thế trong một đề thi tiếng Anh là cách làm lạ. Đề thi tiếng Anh năm nay còn chú trọng nội dung về kinh tế, xã hội (ở hai bài đọc) nên chỉ những TS thực sự giỏi, chịu khó đọc báo bằng tiếng Anh mới làm bài tốt được.
Hy vọng rằng, sự thay đổi không chỉ dừng lại ở việc đổi mới một vài đề thi hay một hai kỳ thi để tạo dư luận. Những con số vi phạm sẽ không còn ở các kỳ thi nếu Bộ GD-ĐT đổi mới căn bản thước đo đánh giá thi cử. Đến khi nào đề thi có thể “chấp” người thi xem tài liệu thoải mái thì khi đó sự gian lận mới không còn đất sống.
TIÊU HÀ
Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT vừa ra thông báo gửi các đại học, học viện, cao đẳng về việc rà soát ưu tiên khu vực 1 trong tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Các trường rà soát, đối chiếu TS được hưởng ưu tiên khu vực 1 theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành, việc rà soát này sẽ kéo dài đến trước khi các trường công bố kết quả thi. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, có đến khoảng 4.100 TS đề nghị chỉnh sửa ưu tiên khu vực, chủ yếu điều chỉnh từ khu vực 2 - nông thôn sang khu vực 1.