Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Còn nhiều băn khoăn

30/06/2023 - 06:10

PNO - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã chính thức khép lại sau 2 ngày thi với nhiều ý kiến trái chiều về đề văn cũng như những bất ổn do việc lộ, lọt đề thi.

Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) sau buổi thi bài thi tổ hợp sáng 29/6 - ẢNH: TRANG THƯ
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) sau buổi thi bài thi tổ hợp sáng 29/6 - Ảnh: Trang Thư

Đề văn đứng giữa lằn ranh “ổn định” và “nhàm chán”

Đề văn năm nay gây không ít tranh cãi khi có người cho rằng đề thi vừa sức, ổn định nhưng cũng không ít ý kiến đánh giá đề sa vào sự nhàm chán, cũ mòn.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho rằng Bộ GD-ĐT đã khẳng định giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và 2024 để phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối. Từ đó có thể thấy việc cấu trúc đề văn được giữ ổn định là hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho học sinh.

Tuy vậy, một giáo viên văn bậc THPT tại TPHCM thẳng thắn nhận xét đề văn không hay, nếu không muốn nói là đánh đố thí sinh. Trong đó, ngay từ phần đọc hiểu đưa ra đoạn trích bài thơ Đi qua cơn giông của nhà thơ Anh Ngọc khá khó hiểu, “già” so với lứa tuổi học sinh. Hơn nữa các em không được học cả bài thơ này trong chương trình, nếu chỉ qua 1 đoạn trích sẽ rất khó nắm bắt được nội dung. Do đó, theo thầy giáo này, việc yêu cầu thí sinh từ đoạn thơ, rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân là mông lung, đánh đố. 

Đối với phần nghị luận xã hội, tuy đưa ra vấn đề “cân bằng cảm xúc trong cuộc sống” khá gần gũi với lứa tuổi 18-19, song thí sinh không dễ để liên hệ việc cân bằng cảm xúc với trích đoạn thơ như yêu cầu. “Lứa tuổi các em dành phần lớn thời gian để đi học, đã trải nghiệm cuộc sống được bao nhiêu để hiểu về “giông bão cuộc đời”? Với kiểu ra đề này, sẽ có nhiều học sinh không hiểu đoạn thơ này nói gì, mà chỉ suy diễn, thậm chí “chém gió” dẫn đến lan man, lạc đề” - giáo viên này nhận xét.

Ở phần nghị luận văn học, giáo viên cho rằng chưa bàn đến việc truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân có còn phù hợp với thời đại và tầm nhận thức của học sinh ngày nay hay không, mà ngay đoạn trích đưa ra phân tích không phải là phần tiêu biểu của tác phẩm. Đoạn trích dày đặc những từ “thúc thuế”, “phá kho thóc”, “cướp thóc”… bắt các em cảm thụ văn học qua đoạn trích này là khiên cưỡng. Đoạn trích đó không nên là chủ đề nghị luận cho hơn 1 triệu thanh niên tuổi 18 đang háo hức bước vào đời trong một thế giới hội nhập, không ngừng đổi mới. 

Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên - Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Trưng Vương (quận 1) - nhìn nhận câu nghị luận văn học không mới nhưng học sinh có thể không trình bày hết ý của đoạn trích. Yêu cầu nhận xét về cách nhìn nhận cuộc sống của nhà văn cũng không quá khó với các em. Tuy vậy, cô đồng quan điểm cho rằng đoạn trích trong đề không hay, bởi tài năng của Kim Lân làm nên một kiệt tác như Vợ nhặt thể hiện ở những trích đoạn khác như tình huống nhặt vợ hay những đoạn miêu tả tâm lý nhân vật.

2 đề thi bị rò rỉ trên mạng từ rất sớm

Ngày thi đầu tiên 28/6 được đánh giá là nhiều “sóng gió” vì cả 2 đề thi môn văn (buổi sáng) và toán (buổi chiều) đều bị rò rỉ trên mạng từ rất sớm, khi thí sinh mới bắt đầu làm bài khoảng 15-20 phút.

Trước những thông tin ồn ào trên mạng xã hội, Thường trực Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 xác nhận, trong buổi thi môn văn vào sáng 28/6 và môn toán vào chiều cùng ngày, có sự việc đề thi bị chụp ảnh gửi ra ngoài.

Theo thông tin từ Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) của Bộ Công an, đã xác định được 1 thí sinh làm bài thi môn văn tại tỉnh Cao Bằng và 1 thí sinh làm bài thi môn toán tại tỉnh Yên Bái dùng điện thoại chụp ảnh đề thi và gửi qua mạng. Hiện A03 đang phối hợp với ban chỉ đạo kỳ thi cấp quốc gia, cấp tỉnh, địa phương và các bên liên quan để tiếp tục xác minh, điều tra và xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - đánh giá rất may các sự cố đã xảy ra, trong đó có việc đưa đề thi ra ngoài, chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ, lẻ và nhìn chung không ảnh hưởng đến chất lượng cả kỳ thi. Hiện nay, với độ tinh vi của các thiết bị công nghệ cao thì việc kiểm soát hơn 1 triệu thí sinh không phải dễ dàng.

Do đó, các hội đồng thi cần rút kinh nghiệm để tăng cường tập huấn cho cán bộ coi thi, giáo dục ý thức cho thí sinh cũng như dần đầu tư các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phát hiện các hình thức gian lận công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần có hình thức xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm để đảm bảo răn đe, tránh sự việc tương tự ở các kỳ thi năm sau.

Chưa kể, đề thi văn còn được nhận xét là trùng với đề thi thử của liên trường THPT tỉnh Nghệ An với cùng đoạn trích từ truyện ngắn Vợ nhặt. Có ý kiến cho rằng việc trùng tác phẩm là bình thường nhưng trùng cả đoạn trích và có sự tương đồng về nội dung câu hỏi thì hơi bất thường. Những sự cố trong ngày thi đầu tiên đã gây không ít băn khoăn trong dư luận về kỳ thi.

Tại TPHCM, vào chiều 27/6, khi chỉ còn cách thời gian thi chính thức chưa đầy nửa ngày, một số điểm thi tại TPHCM đã bị yêu cầu thay phó trưởng điểm thi một cách đột ngột. Nguyên nhân, theo ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - các điểm thi này bị nhầm thành phần điểm phó điểm thi. Đó là thay vì sử dụng lãnh đạo, tổ trưởng chuyên môn của các trường THPT theo quy định thì thành phố lại sử dụng điểm phó là lãnh đạo của các trường THCS.

Theo ông, trong quá trình thành lập các điểm thi và ban lãnh đạo điểm thi, bộ phận tham mưu của sở đã hiểu chưa đúng về quy định nhân sự. Vào chiều 27/6, sở đã phát hiện và kịp thời điều chỉnh nhân sự. Tuy vậy, việc thay thế đột ngột này khiến không ít thầy cô ở các điểm thi hoang mang. Một phó trưởng điểm thi mới chia sẻ do được tập huấn vội vàng chỉ trong buổi chiều 27/6 bằng hình thức trực tuyến cho nên hầu hết điểm phó mới rất lúng túng, bị động. Một số người có kinh nghiệm từ những năm trước thì quen việc, còn tại một số nơi, điểm phó mới hầu như không được giao nhiệm vụ gì mà chỉ như cho có. 

41 thí sinh bị đình chỉ thi

Chiều 29/6, Bộ GD-ĐT thông tin, tổng số thí sinh đăng ký dự thi của cả nước là 1.024.063 em. Số thí sinh dự thi là 1.012.398 em, đạt tỉ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký; trong đó, môn ngữ văn: 99,65%; toán: 99,63%; khoa học tự nhiên: 99,72%; khoa học xã hội: 99,62%; ngoại ngữ: 99,61%. 

Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Trong đó, có 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Đặc biệt, có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo với giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, chu đáo. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng kế hoạch. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi, môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh. 

Do kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh nên không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định. 

Diệu Nhi

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI