Nghe nói Thư để chồng giữ tiền, đám bạn trợn mắt kinh ngạc: “Trời, đàn ông mà giành tay hòm chìa khóa!”. Một chị bạn còn nghiêm túc khuyên nhủ: “Em đừng nghĩ đơn giản quá. Chồng giữ tiền là vợ mất tự do”.
Thế nhưng ít ai biết, Thư sợ sự “tự do” ấy phát khiếp.
Thuở chưa có chồng, Thư cũng từng làm tay hòm chìa khóa. Gia đình, khi ấy là hai chị em ruột, em gái Thư là sinh viên, phụ thuộc chị hoàn toàn về mặt tài chính. Và việc thanh toán các hóa đơn chính là nỗi ám ảnh của Thư mỗi cuối tháng.
Thư đi làm cả ngày, đến lúc về thì ban quản lý chung cư đã đóng cửa. Sự nhớ nhớ quên quên của cô với tiền nong cứ làm mọi thứ trở nên trục trặc. Có tháng, anh điện lực xuất hiện trước nhà thông báo “cắt điện”, Thư mới tá hỏa nhớ ra mình chưa đóng tiền.
Đó là chưa kể việc cân đối chi tiêu của hai chị em đang độ tuổi “sửa soạn, chưng diện” cũng là cả một vấn đề. Tháng nào Thư cũng stress khi giật mình nhận ra mình đang… lạm chi.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Những đồng tiền cuối cùng nếu được chi vào ngày cuối tháng thì là thành công mỹ mãn. Còn nếu chỉ mới “ngày hai mấy” mà đã sắp hết tiền, thì tháng đó thất bại, stress dài dài.
Thời gian yêu nhau, Tuấn - chồng Thư - đã biết điểm yếu của cô bạn gái “dốt toán, có thù với con số”. Tuấn đi lên từ việc kinh doanh nhỏ lẻ, anh có kinh nghiệm với việc quản lý tài chính.
Vậy nên khi dọn về chung nhà, chẳng cần một cuộc bàn bạc nào cả hai cũng thống nhất là anh phải giữ tiền. Thư được thể… trút hết các khoản thu mỗi tháng của mình sang chồng, và trao luôn cho anh trách nhiệm thanh toán mọi hóa đơn.
Đời Thư từ đó nhẹ bẫng. Cô có thể thảnh thơi nấu cơm, rửa chén chỉ “xin đừng bắt cô phải giữ tiền”. Trong khi đó, Tuấn đầu tắt mặt tối với việc kinh doanh nhưng giải quyết gọn hơ mọi hóa đơn trong gia đình.
Ngoài những khoản chi Thư từng đảm nhiệm thời còn son, bây giờ Tuấn phải nhớ cả lịch đóng tiền học của con, tiền hiếu hỷ hai bên gia đình, tiền từ thiện mà vợ chồng cam kết chia sớt với quỹ từ thiện của một người bạn, chi phí thuê giúp việc, rồi cả việc vận hành, sửa sang định kỳ các thiết bị.
Tháng nào cũng thế, thấy Tuấn múa may với các loại thu chi, Thư lại rùng mình. Thỉnh thoảng, cô tỏ ra kinh ngạc: “Sao anh nhớ hết? Sao anh hay quá vậy?”.
Đáng nể hơn, thu nhập của hai vợ chồng chỉ ở mức khá, nhưng Tuấn luôn chu toàn mọi “khoản chi tinh thần”, để gia đình có chất lượng sống tốt. Anh rộng tay “hoạch định” phần chăm nom ba mẹ hai bên và tháng nào cũng đảm bảo.
Anh thu xếp để gia đình đi du lịch ít nhất mỗi năm hai lần, trong đó có một lần xuất ngoại. Dù công việc của hai vợ chồng có lúc thăng trầm, nhưng Tuấn luôn có một khoản đầu tư hiệu quả để duy trì thu nhập ổn định cho gia đình.
Anh ưu tiên đầu tư vào sức khỏe, và lo liệu những phương án tài chính để cả nhà được chăm sóc bằng các dịch vụ y tế hàng đầu thành phố.
Với sự “tả xung hữu đột” đó, Thư… chào thua. Cô tin chắc rằng dù có “tu luyện” thêm vài năm, cô cũng không thể có nổi sự “nhạy cảm tài chính” như chồng. Cô thấy mình… sướng như tiên vì không phải quản lý tiền bạc, mà lại được hưởng thụ những tiện ích của lối quản lý tài chính tuyệt vời.
Chuyện “đảo ngược vai trò” giữa Thư và Tuấn từng bị cả người thân phản đối. Ngay như mẹ chồng của Thư cũng nêu ý kiến, khuyên nhủ Thư phải sử dụng sức mạnh của phụ nữ để quản lý tài chính, vậy thì hôn nhân mới bền… Vì đó là mẹ nên Thư không thể phớt lờ.
|
Ảnh minh họa |
Nhưng khi Thư hỏi sâu hơn, “sức mạnh của phụ nữ là gì”, tại sao phụ nữ giữ tiền thì hôn nhân mới bền… thì mẹ lại lúng túng. Thực tế, “sức mạnh của phụ nữ” mà mẹ chồng của Thư nói đến chính là khả năng quản lý tài chính - nhưng đó lại chính là kỹ năng mang tính chuyên môn của Tuấn.
Chính vì thế, ngay cả khi bị bạn bè cho rằng mình không có tự do, Thư vẫn cảm thấy bản thân tự do hoàn toàn, tự do ngay cả với những thói quen và lối hành xử “khuôn mẫu” mà người ta vẫn hay vạch ra về vai trò vợ chồng. Chính vì tự do, vợ chồng Thư mới vượt qua định kiến để có được những sắp xếp phù hợp nhất với từng gia đình.
Còn những lần nhắn tin “xin” tiền chồng, với Thư, đó là những trao đổi rất bình thường với những khoản chi ngoài kế hoạch của gia đình. Cô đùa, đó là một “lệnh rút tiền” rất thường tình của một người với chiếc “két sắt” của mình. Huống hồ đây là một chiếc két sắt có trí thông minh tài chính, có tình yêu thương, hiểu biết…
Hoa Trà