Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2013: Bất thường?

17/06/2013 - 11:16

PNO - PN - Dường như có điều bất thường ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các tỉnh nghèo, những nơi được cho là “vùng trũng” giáo dục lên đến trên 99%. Trong khi đó, các thành phố lớn tỷ lệ tốt nghiệp...

Đến cuối chiều 16/6, đã có hơn 20 tỉnh, thành công bố kết quả tốt nghiệp. Các TP lớn cho biết, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT năm nay giảm hẳn so với năm 2012. Thông báo ngày 16/6 của sở GD-ĐT Đà Nẵng cho thấy tỷ lệ tốt nghiệp của địa phương này là 98,68%, thấp hơn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2012 (99,53%). Ở hệ GDTX, tỷ lệ thí sinh thi đỗ là 63,85%, cũng thấp hơn so với năm 2012.

Ket qua thi tot nghiep THPT 2013: Bat thuong?

Ảnh: Lâm Nguyên (Phụ Nữ Online)

Hà Nội có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hệ THPT là 97,12%; tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp ở hệ bổ túc THPT là 74,59%. Năm 2012, tỷ lệ này ở hệ THPT và hệ GDTX lần lượt là 98,24% và 92,48%. Nếu tính theo tỷ lệ khá giỏi, ở hệ THPT 1,37% học sinh tốt nghiệp loại giỏi (966 em), số học sinh đỗ loại khá đạt 10,68% (hơn 7.500 em).

Điều bất thường ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các tỉnh nghèo, những nơi được cho là “vùng trũng” giáo dục, lại lên đến trên 99%. Đồng Tháp có tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT là 99,76%, hệ GDTX là 87,91%, tương đương so với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Bến Tre đã công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với 99,05%, tăng hơn năm trước 0,93%. Trong khi đó ở hệ GDTX, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 83,46%.

Sở GD-ĐT Bình Định ngày 16/6 cũng cho biết, 99,37% học sinh của tỉnh này đỗ tốt nghiệp. Ở hệ GDTX, con số này là 83,43%. Quảng Bình có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,05%, riêng hệ bổ túc THPT đạt 75,49%. Hải Dương là tỉnh có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT rất cao, đạt 99,18%.

Ngay đến tỉnh không mấy phát triển là Sóc Trăng cũng có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn hẳn Hà Nội và TP.HCM với 98,94%. Tiền Giang đạt tỷ lệ tốt nghiệp 98,20%, ở hệ GDTX tỷ lệ đỗ đạt 79,73%.

TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định, nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở các địa phương cho thấy sự bất thường. “Một dấu hỏi lớn ở đây là tại sao những tỉnh có điều kiện cơ sở vật chất kém hơn, chất lượng học sinh thua kém thành phố mà tỷ lệ tốt nghiệp lại ở mức trên 99%, cao hơn hẳn các thành phố lớn nhất cả nước?”, ông Lâm đặt câu hỏi. Lý giải tình trạng này, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, chất lượng kỳ thi hoàn toàn phụ thuộc vào sự nghiêm túc hay không của các giám thị. “Chỉ cần coi thi nghiêm túc, ráo riết là kết quả sẽ hoàn toàn khác”, PGS Cương nói. Với kinh nghiệm của một người gắn bó hơn 50 năm với giáo dục, PGS Cương cho rằng, tâm lý thương học sinh là có thật chứ không phải giáo viên nhận tiền “bồi dưỡng” nên nể nang, thả lỏng thí sinh. “Đôi khi vì suy nghĩ nếu cho trượt không biết học sinh sẽ thế nào nên các thầy cô không nỡ lập biên bản kỷ luật. Càng ở vùng khó khăn, tâm lý ấy càng phổ biến hơn nên giáo viên dễ dàng bỏ qua cho thí sinh”, PGS Văn Như Cương phân tích.

Với tình trạng “ngược cao hơn xuôi”, rõ ràng cách đánh giá thi cử như hiện nay chưa chính xác, 12 năm đèn sách của thí sinh được quyết định chỉ bằng một kỳ thi toàn quốc, thay vì xét cả quá trình, là không công bằng. “Nhiều năm nay, việc kiểm định và đánh giá chất lượng học sinh hoàn toàn không có thay đổi gì”, PGS Cương nói. Theo ông, phân cấp tổ chức kỳ thi cho các sở GD-ĐT một cách nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện từng địa phương là một giải pháp nên tính tới thay vì rầm rộ tổ chức một kỳ thi quốc gia.

 Bách An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI