Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi cao hơn ở những lĩnh vực nóng

11/06/2013 - 22:38

PNO - PN - Hôm qua, 11/6, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Ket qua lay phieu tin nhiem doi hoi cao hon o nhung linh vuc nong

Nguồn ảnh: Người Lao Động

Sau khi công bố số phiếu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua kết quả LPTN 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, với kết quả 471 ĐBQH tán thành (chiếm 94,58%). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, qua hai ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành trọng trách được nhân dân giao phó là đánh giá tín nhiệm bước đầu các chức danh chủ chốt.

Ông nói: “Kết quả LPTN có loại phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp. Nhưng nhìn chung, cách đánh giá của các vị ĐBQH là khách quan. Kết quả đã phản ánh đúng tình hình đất nước hiện tại, từ kinh tế xã hội, đối ngoại, tới quốc phòng an ninh, tư pháp... Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về kết quả LPTN với tỷ lệ phiếu tán thành rất cao thể hiện sự tin tưởng vào đánh giá của các ĐBQH”.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong quá trình triển khai, còn có việc này việc kia chưa tốt: “Không phải việc nào cũng điểm 10, còn những sai sót trong quá trình lấy phiếu, từ việc chuẩn bị tới khâu bỏ phiếu cần rút kinh nghiệm để làm tốt cho năm sau và cho cả việc LPTN ở HĐND các cấp thực hiện việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm một cách khách quan, thận trọng, nghiêm túc”.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn ở “tư lệnh” trong những lĩnh vực “nóng” như ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng… Những phiếu tín nhiệm cao là sự động viên khích lệ, đồng thời ghi nhận những kết quả công tác đã đạt được. Trong khi đó, phiếu tín nhiệm thấp là những đòi hỏi thêm với các vị đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời điểm đất nước đang có rất nhiều khó khăn. Chủ tịch Quốc hội nói: “Quốc hội đặt niềm tin để các chức danh phấn đấu tốt hơn trong thời gian tới”.

Chiều 11/6, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014. Đa số các ý kiến ĐBQH đồng ý trong năm 2014 triển khai hai chuyên đề giám sát đối với Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012.

Cũng trong chiều qua, Quốc hội đã nghe báo cáo về vấn đề biển Đông của Chính phủ. Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tiếp công dân.

 PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI