Kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 của 63 tỉnh, thành

04/11/2023 - 23:32

PNO - Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PACA) năm 2022 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo công bố, điểm trung bình PACA 2022 đạt 66,06 điểm, cao hơn 3,94 điểm so với năm 2021, đồng thời là điểm trung bình cao nhất kể từ khi tổ chức đánh giá (năm 2016) đến nay.

Trong đó, đứng đầu toàn quốc là Vĩnh Phúc (đạt 77,95 điểm), TPHCM đứng thứ 3 (77,28 điểm), Hà Nội xếp thứ 25 (68,27 điểm), thấp nhất là Phú Yên (50,02 điểm).

điểm trung bình PACA 2022 đạt 66,06 điểm, cao hơn 3,94 điểm so với năm 2021 - Ảnh minh họa
Điểm trung bình PACA 2022 đạt 66,06 điểm, cao hơn 3,94 điểm so với năm 2021 - Ảnh minh họa

Thanh tra Chính phủ cho hay, điểm trung bình PACA 2022 cao hơn các năm trước thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời phản ánh bước đầu tác động tích cực của việc thành lập và hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương.

Đáng chú ý, một số địa phương có điểm đánh giá luôn nằm trong nhóm có thứ hạng thấp, phản ánh việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng chưa có sự tiến triển đáng kể. Nhóm này gồm các tỉnh: Phú Yên, Cao Bằng, Yên Bái và Lai Châu…

Vẫn theo PACA 2022, kết quả công khai, minh bạch theo các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng tăng ấn tượng khi đạt 88,17% so với yêu cầu và tăng 5,08% so với năm 2021.

Có tới 26/63 địa phương đạt điểm tuyệt đối, nghĩa là mọi hoạt động của cơ quan nhà nước đều phải được công khai theo quy định của pháp luật.

Một nội dung quan trọng để xây dựng PACA 2022 là công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Kết quả cho thấy, điểm trung bình năm 2022 đạt 19,91/40 điểm, tương đương đạt 49,77% yêu cầu.

So sánh với các năm trước, điểm trung bình năm 2022 tuy cao hơn năm 2021 nhưng lại thấp hơn năm 2020. Điều này cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong 3 năm qua chưa tiến triển rõ rệt, bền vững.

Ở lĩnh vực phát hiện hành vi tham nhũng, hiệu quả tốt nhất là qua công tác điều tra, truy tố, xét xử (đạt 88,75% yêu cầu). Trong khi đó, việc phát hiện tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát vẫn còn khá thấp (chỉ đạt 6% so với yêu cầu).

Một kết quả khả quan được PACA 2022 phản ánh, đó là kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng. Tiêu chí này đạt 3,52/7,5 điểm, có tiến triển tốt hơn so với năm 2021.

Thêm vào đó, cả 3 hình thức xử lý đều đạt ở mức tương đương nhau: khiển trách đạt 50,50%, cảnh cáo đạt 42,06% và cách chức đạt 48,21%. Điều này có nghĩa, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Kết quả còn cho thấy sự nghiêm khắc khi hình thức xử lý cao nhất (cách chức) tương đương với hình thức khiển trách và cảnh cáo.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI