Kết quả 15 mẫu nước biển ven bờ tại Quảng Trị: Không có độc tố

30/04/2016 - 07:06

PNO - Tất cả các tiêu chí phân tích tại 15 vị trí quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia...

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã phân tích các mẫu nước biển ven bờ vào ngày 20/4 và ngày 27/4 để kiểm tra thông số quan trắc nhóm kim loại độc trong nước biển, hóa chất bảo vệ thực vật clo hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật phốtpho hữu cơ, hóa chất trừ cỏ và đã có kết quả phân tích của 15/17 mẫu nước ven bờ.

Kết quả cho thấy "tất cả các tiêu chí phân tích tại 15 vị trí quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ tại thời điểm quan trắc đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và bãi tắm, thể thao dưới nước..."

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, hiện tượng cá chết bất thường trên các bãi biển bắt đầu từ ngày 16/4.

Theo thống kê sơ bộ của các địa phương ven biển, tính đến ngày 28/4, số lượng cá chết ước tính khoảng 34,5 tấn. Cá chết khiến 2.290 tàu thuyền của ngư dân chịu ảnh hưởng trong đó có 1.919 tàu cá vùng ven bờ, vùng bãi ngang chịu ảnh hưởng trực tiếp không thể đi biển.

Trong những ngày qua, số tàu cá ở vùng biển bãi ngang và tàu khai thác gần bờ gần như nằm bờ hoàn toàn, các hộ thu mua và kinh doanh hàng thủy sản không thể hoạt động. Nhiều ngư dân ở nhà không có việc làm hoặc chuyển sang nghề khác.

Ket qua 15 mau nuoc bien ven bo tai Quang Tri: Khong co doc to
Thu gom cá chết tại Quảng Trị ngày 21/4. (Nguồn: TTXVN)

Kết luận mới này của Quảng Trị khác hẳn với các kết luận xét nghiệm trước đó của Thừa Thiên Huế và các chuyên gia đầu ngành về thủy sản.

Cụ thể, sáng 26/4, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lăng Cô và cửa biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc vào thời điểm xuất hiện cá nuôi lồng chết hàng loạt

Theo bản báo cáo về hiện tượng cá chết bất thường ở khu vực đầm phá và vùng ven biển Thừa Thiên Huế, có 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lăng Cô (Phú Lộc), vùng biển ven bờ xã Quảng Công (Quảng Điền), Điền Hương, Điền Hải (Phong Điền) được lấy và phân tích.

Kết quả cho thấy các thông số gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Kết quả này cũng chỉ ra rằng nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước xuất hiện từ phía bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trước đó, một giả thuyết cũng được đặt ra cho rằng việc cá chết dọc bờ biển miền Trung là do tảo độc nở hoa. Về giả thuyết này, chiều 28.4, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam ký văn bản  gửi đến Chính phủ, Bộ TN - MT, Bộ NN - PTNT và  Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm trong điều tra nguyên nhân khiến cá chết trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung.

Cụ thể, theo Hội nghề cá Việt Nam kiến nghị nên loại trừ nguyên nhân cá chết do tảo độc vì những biểu hiện đặc trưng của thủy triều đỏ không được ghi nhận trên thực tế như: lượng tảo phát triển nhiều gây biến đổi màu nước biển; cá tầng mặt chết hàng loạt và xác tảo trôi vào bờ thành từng mảng lớn, gây ô nhiễm.

Theo Hội nghề cá Việt Nam, cá chết hàng loạt có thể do chất độc bởi cá chết đa số ở tầng đáy, phát hiện đầu tiên ở vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Chất độc theo dòng hải lưu chảy theo hướng từ bắc đến nam gây cá chết ở Quảng Bình, Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên Huế.

Lam Khanh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI