Kết nối văn chương Việt - Hàn

19/10/2022 - 13:12

PNO - Văn chương Hàn Quốc ngày càng tạo được sức lan tỏa tại Việt Nam: có thêm nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc được chuyển ngữ và phát hành; nhiều cuộc thi viết, giao lưu, trò chuyện với tác giả - tác phẩm được tổ chức.

Những tiếng nói khác từ xứ Kim Chi  

Nếu như âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc bùng nổ làn sóng ảnh hưởng, chinh phục công chúng châu Á từ những năm đầu thập niên 1990, thì văn chương Hàn Quốc trầm lắng hơn rất nhiều. K-pop sôi động, tạo xu hướng cho giới trẻ, phim ảnh lãng mạn làm mê đắm mọi đối tượng khán giả. Còn văn học gần như là những tiếng nói hoàn toàn ngược lại, đó là hiện thực đời sống với những góc khuất, những thân phận, những mặt trái bên trong con người.

Một số  tác phẩm văn học  Hàn Quốc đã được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam
Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc đã được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam

Nhà văn Hàn Quốc Gu Mo-ryong từng nhận định rằng, văn học Hàn từ năm 1990 từng có khuynh hướng né tránh hiện thực. Về sau này, đề tài liên quan đến các vấn đề lớn của xã hội: bạo lực, phá hoại môi trường, lao động bất hợp pháp… mới xuất hiện nhiều hơn trong văn chương xứ kim chi.

Năm 1996, quỹ Dịch thuật văn học Hàn Quốc - LTI được thành lập (sau đó phát triển thành Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc) góp phần lớn trong việc đầu tư quảng bá, giới thiệu văn học Hàn ra thế giới. Tại Việt Nam, từ sự ít ỏi chỉ vài tựa sách được chuyển ngữ và phát hành trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ XXI, đến nay đã có được hàng chục tựa/bộ sách văn học Hàn Quốc, với những dấu ấn và ảnh hưởng nhất định. Trong đó, có thể kể đến các tác phẩm: Cô gà mái xổng chuồng (Hwang Sun-ni), Bảy năm bóng tối (Jeong You Jeong), Bản chất của người (Han Kang), Hãy chăm sóc mẹ (Shin Kyung Sook), Những tháng năm rực rỡ (Kim Ae-Ran)…

Những năm trở lại đây, hình thức tuyển tập cũng rất được ưa chuộng. Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM có bộ hai tập Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc, Hội Nhà văn TP.HCM đã xuất bản đến tập 2 của tuyển thơ song ngữ Việt - Hàn Cây tâm hồn. Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam giới thiệu cùng lúc năm tác phẩm: Chiếc thang cao màu xanh, Hoàng hôn đỏ rực, Trộm hay lời thú tội của chiếc gai, Cảm ơn tất cả, Chuyện đời Sương (đoạt giải Văn học Sechong và giải Tác phẩm xuất sắc của TP.Busan, Hàn Quốc năm 2017).

Bên cạnh đó, những cuộc giao lưu tác giả - tác phẩm, các cuộc thi viết cảm nhận về sách cũng góp phần đưa văn học Hàn Quốc đến gần hơn với bạn đọc.

Rất khó có thể đặt trong mối tương quan so sánh với phim ảnh Hàn, văn chương xứ kim chi là những tiếng nói khác về hiện thực, thân phận, đời sống với những góc khuất trần trụi, đen tối và buồn bã hơn những mối tình lãng mạn trên màn ảnh. Qua đó, bạn đọc có thể tiếp cận văn hóa - xã hội Hàn Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vào những năm thập niên 1930; về cô dâu Việt ở xứ Hàn với những mảng màu sáng tối; về những xung đột, nỗi sợ hãi và tội ác, những thử thách và định kiến, hay nỗi cô đơn của con người trong cuộc sống hiện đại…

“Có rất nhiều người gặp khó khăn với cuộc sống hiện thực và muốn sống một cuộc đời khác. Tôi muốn viết câu chuyện về những con người như vậy, những người muốn từ bỏ cuộc sống hiện tại và hướng đến một cuộc sống họ cho là lý tưởng” - nhà văn Pyun Hye-Young chia sẻ trong cuộc giao lưu mới đây, khi nói về những dự định ấp ủ với văn chương. Tiểu thuyết Hố đen sâu thẳm của Pyun Hye-Young cũng là tựa sách mới nhất vừa được Nhã Nam cho ra mắt.

Bắt nhịp cảm xúc cho "cây tâm hồn"

Khi các tác phẩm văn chương Hàn đến với bạn đọc Việt Nam ngày càng nhiều, thì ở chiều ngược lại, cũng đã có một số tác phẩm của các nhà văn Việt được chuyển ngữ và phát hành tại Hàn Quốc. Có thể kể đến: Tôi là Bêtô (Nguyễn Nhật Ánh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Nếu anh còn được sống (Văn Lê), Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam, gồm các tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh, Y Ban, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Bình Phương…

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - cho biết, tuyển tập thơ song ngữ chủ đề Cây tâm hồn sẽ tiếp tục được phát triển các tập 3, 4… trong thời gian tới. Đây cũng sẽ là cầu nối bắt nhịp cảm xúc thi ca cho các nhà thơ của TP.HCM (Việt Nam) và Daegu (Hàn Quốc).

“Mẹ của tôi/ Tay nhanh thoăn thoắt/ Tràn lời khen ngợi rằng khéo tay thế đó/ Mặc áo lụa trắng/ Trở thành con bướm phất phơ bay đi mất rồi…” - trích bài thơ Đi theo hoa, nhưng rời theo hoa mãi mãi của nhà thơ Kim Cheong Su. Những dòng thơ cảm động, chạm đến những yêu thương và giá trị phổ quát, không tạo ra đường biên ngăn cách cảm xúc dù với bạn đọc ở quốc gia nào. 

Sự lan tỏa nhanh chóng của văn chương Hàn Quốc chỉ trong vài thập niên là nhờ chiến lược quảng bá từ quỹ dịch thuật/Viện Văn học Hàn Quốc, cũng như các tổ chức trong nước: Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM, các trường đại học… Ấn phẩm Viết và đọc tháng 9/2022 của Nhà xuất bản Hội Nhà văn (phát hành nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc) dành cả chuyên đề cho văn học Hàn Quốc, trong đó có sự tham gia của các cây bút tên tuổi của hai nước: Kim-Ae-Ran, Lee-Hyo-seok, Park So-ran…; Bảo Ninh, Y Ban, Lê Minh Khuê…

Mới đây, Viện Ngôn ngữ Trường đại học Văn Lang (phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM và Nhà xuất bản Trẻ, Viện Dịch thuật Hàn Quốc tài trợ) cũng vừa tổ chức trao giải cuộc thi viết cảm nhận tác phẩm văn học Hàn Quốc. Truyện thiếu phụ Suk - yeong (văn học cổ Hàn Quốc, Hiền Nguyễn dịch, Nhà xuất bản Trẻ), Nụ cười Shoko (Choi Eun Young - văn học đương đại Hàn Quốc, Công ty Văn hóa và Truyền thông AZ và Nhà xuất bản Văn học ấn hành)… là những tác phẩm được chọn giới thiệu và được trao các giải thưởng. “Đó cũng là cách đưa văn chương vào đời sống và không khó để thực hiện, nếu chúng ta thực sự đặt văn học vào đúng vị trí của nó” - nhà văn Bích Ngân nhận định.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI