PNO - TP.HCM và các tỉnh lân cận đang phối hợp quy hoạch hạ tầng nhằm kết nối giao thông và đô thị giữa các tỉnh, thành với nhau. Điều này được dự đoán sẽ tạo nên sức bật mới cho thị trường bất động sản.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa cùng Sở GTVT tỉnh Long An nhất trí thông qua kế hoạch phát triển, kết nối hạ tầng liên vùng giữa hai địa phương này. Theo đó, hai sở GTVT sẽ đề xuất với lãnh đạo kết nối TP.HCM với tỉnh Long An tổng cộng 23 vị trí, trong đó xem xét đầu tư đồng bộ 12 vị trí đã kết nối, thực hiện việc kết nối ở tám vị trí đã có quy hoạch và nghiên cứu, bổ sung ba vị trí kết nối mới.
Cụ thể, ở hướng tây bắc TP.HCM, hai địa phương sẽ nâng cấp đường Nguyễn Thị Tú và đường Liên ấp 6-2-5 nối TP.HCM với tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư dự kiến 6.460 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến kinh phí thực hiện đoạn qua TP.HCM khoảng 5.200 tỷ đồng, đoạn qua tỉnh Long An khoảng 1.260 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã ba Giồng - cầu TL9, H.Hóc Môn, TP.HCM) sẽ được nâng cấp, mở rộng, kết nối H.Hóc Môn, TP.HCM với H.Đức Hòa, tỉnh Long An. Đoạn kết nối này có tổng chiều dài 22km (đoạn 7,3km thuộc TP.HCM, 15km thuộc tỉnh Long An), mặt cắt ngang bốn làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 4.270 tỷ đồng (đoạn qua TP.HCM khoảng 3.800 tỷ đồng, đoạn qua tỉnh Long An khoảng 470 tỷ đồng).
Ở hướng tây, hai bên sẽ kết nối H.Bình Chánh, TP.HCM với H.Đức Hòa, tỉnh Long An thông qua đường Võ Văn Kiệt nối đến khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô, H.Đức Hòa. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án là 3.300 tỷ đồng, được thực hiện toàn bộ ở TP.HCM do đoạn qua tỉnh Long An đã được đầu tư và hoàn thành với quy mô sáu làn xe.
Kết nối hạ tầng đang tạo sức bật mới cho bất động sản các tỉnh lân cận TP.HCM. Trong ảnh là các khu đô thị mới ở H.Cần Giuộc, tỉnh Long An
Ở hướng nam, sẽ kết nối TP.HCM với H.Cần Giuộc, tỉnh Long An. Quốc lộ 50 và đường Lê Văn Lương chạy qua H.Bình Chánh, Nhà Bè đến H.Cần Giuộc sẽ đóng vai trò chính trong chiến lược kết nối này với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.150 tỷ đồng. Trong đó, sẽ nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 đoạn thuộc TP.HCM với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng, đoạn Long An với kinh phí khoảng 650 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè, TP.HCM) nối Tỉnh lộ 826C (H.Cần Giuộc, tỉnh Long An), tổng mức đầu tư dự kiến 1.030 tỷ đồng.
Đồng thời, hai địa phương cũng nhất trí mở mới đường song song Quốc lộ 50, H.Bình Chánh kết nối với đường trục động lực của H.Cần Giuộc với tổng kinh phí dự kiến 4.300 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, hiện sở đã gửi văn bản kiến nghị UBND TP.HCM sớm có chỉ đạo xem xét, thẩm định, kịp thời báo cáo để Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo và trình HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp gần nhất. Đối với các dự án xin chủ trương đầu tư (đường song hành Quốc lộ 50; nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn; xây dựng đường mở mới Tây Bắc; nâng cấp mở rộng đường Long Hậu), sở kiến nghị UBND TP.HCM giao sở lập đề xuất, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định sau khi có kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Sở cũng kiến nghị UBND TP.HCM thành lập ban chỉ đạo triển khai các dự án kết nối giao thông với tỉnh Long An nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ở hướng đông, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cũng đang triển khai kế hoạch phát triển các dự án giao thông kết nối với TP.HCM. Trong đó, tỉnh Bình Dương chọn Quốc lộ 13 làm trục chính kết nối với TP.Thủ Đức, TP.HCM. Dự kiến, Quốc lộ 13 sẽ được mở rộng lên thành đại lộ với tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng đường 319, cầu Cát Lái nối H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Dự án bất động sản bao quanh TP.HCM
Trước những dự án “khủng” kết nối hạ tầng nêu trên, các nhà đầu tư đã đua nhau đổ về các khu vực, vùng kết nối. Tại tỉnh Bình Dương, Thủ Đức House đang triển khai dự án căn hộ với quy mô gần 2.000 căn dành cho người có thu nhập trung bình. Công ty Phúc Đạt cũng phát triển một dự án căn hộ với quy mô hơn 600 căn hướng ra Quốc lộ 1K. Phát Đạt Group và Tập đoàn Danh Khôi bắt tay thực hiện dự án căn hộ cao cấp mang tên Bình Dương Grand View với tổng mức đầu tư dự kiến gần 6.000 tỷ đồng.
Tại tỉnh Đồng Nai, Phú Đông Group hiện đã hoàn thành khâu pháp lý dự án, xây dựng xong hạ tầng dự án để mở bán nền, căn hộ trong dự án mang tên Phú Gia Residences.
Tại H.Cần Giuộc, tỉnh Long An, Thắng Lợi Group tiếp tục triển khai dự án khu đô thị mới The Sol City với diện tích 130ha, dòng sản phẩm chủ yếu là nhà phố, đất nền, biệt thự. Công ty cổ phần Bất động sản Phúc Land chính thức ra mắt và chuẩn bị mở bán sản phẩm trong dự án Long Cang Riverpark có quy mô 10ha, với hơn 500 dòng sản phẩm đất nền, nhà phố, giá bán từ 15 triệu đồng/m2. Trần Anh Group cũng triển khai giai đoạn tiếp theo và mở bán sản phẩm trong loạt dự án mới và hiện hữu như dự án Đô thị sân golf West Lakes Golf & Villas tại H.Đức Hòa, dự án Khu đô thị Lavilla Green City tại TP.Tân An.
Theo khảo sát của Công ty CBRE Việt Nam, năm 2020, thị trường nhà ở tại TP.HCM có dấu hiệu đi xuống với lượng căn hộ giao dịch thành công giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản tỉnh Bình Dương lại tăng trưởng khoảng 150% với 8.200 căn hộ được chào bán và tiêu thụ tốt.
Tương tự, theo DKRA Việt Nam, năm 2020, các dự án bất động sản ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An chào bán gần 10.000 căn/nền, thu hút giới đầu tư ồ ạt kéo về. Trong tháng 1/2021, tỉnh Bình Dương tiếp tục vượt TP.HCM, vươn lên dẫn đầu nguồn cung nhà, đất trong khu vực Đông Nam bộ với bảy dự án mở bán, cung cấp cho thị trường khoảng 1.893 căn hộ, chiếm 53,8% nguồn cung mới của khu vực. Hiện tỉnh Bình Dương cũng đang dẫn đầu thị trường đất nền với nguồn cung mới lên đến 5.627 sản phẩm, còn tỉnh Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung nhà phố, biệt thự với 2.749 căn. Bên cạnh nguồn cung nhà, đất tăng lên, sức tiêu thụ tại hai tỉnh này cũng rất tốt và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút giới đầu tư bất động sản trong năm 2021.
Theo số liệu từ kênh dữ liệu bất động sản Vhome, từ đầu năm đến nay, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) đang nằm trong tốp 10 địa phương có lượt truy cập cao nhất trên Vhome.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận nhà ở của CBRE Việt Nam - nhận định: “Sự phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng kết nối TP.HCM với các tỉnh lận cận đã giúp thị trường bất động sản các tỉnh hấp dẫn hơn, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu ở. Dự báo, các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai sẽ tiếp tục là các thị trường bất động sản nổi bật trong thời gian tới”.
Giao thông kết nối tạo đà cho sự phát triển
Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng - chuyên gia về bất động sản - trên thế giới, đô thị vệ tinh phải nằm trong bán kính 200km, còn TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ cách nhau khoảng 30km, nên có thể gọi các tỉnh lân cận của TP.HCM là vùng ngoại ô. Đơn cử như năm 2010, khi có chủ trương xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết, Xa lộ Hà Nội và cầu Cát Lái nối TP.HCM qua H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, thị trường bất động sản các vùng quanh đường, cầu nói trên ngay lập tức sôi động. “Việc phát triển giao thông kết nối các địa phương đang tạo đà phát triển cho thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận theo hướng bền vững” - ông Hoàng nói.
Richland Residence (TP. Bến Cát) mang đến dòng tiền hấp dẫn, giúp nhà đầu tư thu lợi nhuận ngay từ tiềm năng kinh doanh và cho thuê của nhà sắp bàn giao.
Trong bối cảnh Thủ Thiêm được định hình là trung tâm tài chính, thương mại của thành phố, sự khan hiếm nguồn cung đất đẹp cùng với các dự án hạng sang...