Thiếu người làm, buộc phải tăng ca
Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty Vĩnh Thành Đạt - cho biết, công ty hiện vẫn còn thiếu hụt 30% lao động (LĐ). Công ty đã tăng lương lên 20%, nhưng người LĐ chưa đồng ý quay lại. Công ty còn thưởng cho công nhân một tháng lương nếu giới thiệu được người mới cho công ty, đồng thời lắp hệ thống robot đảm nhiệm việc gắp các vỉ trứng đưa lên băng chuyền thay cho công nhân.
Thiếu đến 50% LĐ là vấn đề khiến ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ Công ty cổ phần Vinamit - đau đầu nhất. Phần lớn người LĐ vẫn còn lo bị nhiễm dịch COVID-19 dù công ty xét nghiệm, sàng lọc kỹ từ cổng ra vào. Công ty buộc phải kêu gọi số LĐ hiện có tăng ca, giảm bớt việc sản xuất một số nhóm hàng.
Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM (HEPZA) - thông tin, sau một tháng dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội, đã có 95% trong tổng số 1.412 doanh nghiệp (DN) trong các khu chế xuất và công nghiệp của TPHCM hoạt động trở lại với 230.000/280.000 LĐ (80%). Như vậy, còn 50.000 LĐ chưa trở lại làm việc. DN hiện nay cũng bắt đầu tăng vốn, mở rộng quỹ đất để xây thêm nhà máy. Một số công ty đa quốc gia cũng đến TP.HCM khảo sát để thuê đất xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, tập trung vào những ngành công nghệ cao, ít thâm dụng LĐ.
Ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường LĐ TPHCM - cho biết, qua khảo sát, hiện nhu cầu tuyển dụng LĐ đã qua đào tạo ở DN chiếm hơn 85% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó phần lớn đòi hỏi trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc sơ cấp; nhu cầu tuyển LĐ chưa qua đào tạo chỉ chiếm hơn 14%, tập trung ở các nghề dệt may - giày da, lương thực - thực phẩm, dịch vụ vận tải - kho bãi.
Cú hích cho việc dịch chuyển lao động
Tiến sĩ Phạm Mỹ Duyên - Phó Trưởng khoa Kinh tế, Trường đại học Kinh tế - Luật TPHCM - cho rằng, dịch COVID-19 đã khiến các bất cập về phân bổ, sử dụng LĐ bộc lộ rõ. TPHCM nêu định hướng phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu (điện tử - công nghệ thông tin, hóa - dược - cao su, cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm) nhưng hai ngành công nghiệp truyền thống là dệt may, giày da của TPHCM lại đang chiếm trên 1/3 tổng số DN và LĐ trong cùng ngành của cả nước. Ngoài ra, cơ cấu ngành công nghiệp có tính trùng lắp giữa các tỉnh, thành đầu tàu (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương) khiến việc phân bổ LĐ chưa hiệu quả. Dịch chuyển các ngành nghề thâm dụng LĐ về các tỉnh xa là xu thế tất yếu để giải quyết các vấn đề bất cập về sử dụng LĐ và an sinh xã hội.
|
Công ty Vĩnh Thành Đạt vẫn đang thiếu hụt 30% lao động dù đã sử dụng robot vào sản xuất - Ảnh: T.Hoa |
Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM - cho rằng, nhiều năm qua, chính quyền TPHCM định hướng sẽ xây dựng thành phố thông minh với nhiều ngành công nghiệp xanh, có hàm lượng kỹ thuật cao, sử dụng LĐ có trình độ. Tuy nhiên, định hướng và thực tế chưa “gặp nhau”, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Đại dịch này sẽ là cú hích lớn cho sự dịch chuyển các ngành cần nhiều LĐ phổ thông về các tỉnh.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cũng đồng tình rằng việc dịch chuyển ngành nghề có nhiều LĐ phổ thông về các tỉnh là xu hướng. Đứng đầu các ngành về việc sử dụng đông LĐ nhưng vài năm trở lại đây, ngành dệt may cũng giảm dần các khâu sản xuất gia công và thay thế bằng việc đẩy mạnh khâu thương mại, thiết kế thời trang. Hiệp hội đã có kế hoạch mở một trung tâm phát triển thương mại thời trang chuyên giới thiệu, bán các sản phẩm thời trang của Việt Nam để dần khẳng định thương hiệu thời trang Việt.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TPHCM (HBA) -thông tin thêm, Khu công nghệ cao chỉ có 85 DN nhưng mỗi năm đem về cho TPHCM hơn 20 tỷ USD trong khi 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.300 nhà máy chỉ đem về khoảng 6-7 tỷ USD. Do đó, những ngành nghề nào thâm dụng LĐ thì nên chuyển về các tỉnh. Việc chuyển đổi sẽ rất khó nhưng phải làm.
Cần giải pháp liên kết hạ tầng và nhân lực cả khu vực
Đồng ý với ý kiến cần dịch chuyển các ngành nghề sử dụng nhiều LĐ về các tỉnh nhưng ông Phạm Xuân Hồng cho rằng khó làm ngay được. Chẳng hạn, nếu chuyển ngành may mặc, giày da về các tỉnh Tây Nguyên thì không có đủ nguồn LĐ phổ thông đáp ứng công việc và việc vận chuyển thiết bị, máy móc, nguyên liệu, hàng hóa không hề đơn giản.
Theo tiến sĩ Phạm Mỹ Duyên, muốn dịch chuyển ngành nghề, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, bao gồm các giải pháp về cơ chế, chính sách như kết nối cơ sở hạ tầng giữa các địa phương, các vùng, sự liên kết theo chuỗi giá trị của ngành với sự tham gia của từng địa phương theo lợi thế so sánh. Bài toán thu hút LĐ phổ thông về các địa phương đòi hòi sự liên kết vùng theo chuỗi giá trị của ngành hàng, trong đó các tỉnh, thành trọng điểm (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương) tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao như thiết kế, phân phối, dịch vụ khách hàng; các địa phương lân cận tập trung khâu lắp ráp, gia công.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, muốn phát triển kinh tế khu vực, phải có sự liên kết hạ tầng và nhân lực cả khu vực. Muốn dịch chuyển LĐ, cần phải có sự phối hợp giữa các địa phương. Đối với DN thuê đất cho kế hoạch sử dụng từ 20-50 năm, cần có chính sách bù đắp những thiệt hại của DN khi họ di chuyển mà chưa hết thời hạn thuê đất. “Để có được chính sách phù hợp với thực trạng của TPHCM, lãnh đạo thành phố phải chủ động đề xuất với Chính phủ, đồng thời Chính phủ cần trao tính chủ động cho chính quyền TPHCM và các tỉnh, thành” - ông nói.
Ông Hứa Quốc Hưng cho rằng, dịch chuyển nguồn LĐ, tăng giá trị gia tăng là câu chuyện dài hơi. Trước mắt, DN cần cải tạo dây chuyền sản xuất, tối ưu hóa hoạt động sản xuất rồi mới đến tối ưu hóa nguồn LĐ. Muốn nguồn nhân lực có tay nghề cao thì trước hết DN phải điều chỉnh, thay đổi dây chuyền cũ, cập nhật xu hướng mới, công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp chứ không thể chọn LĐ có tay nghề cao vào làm việc trong khi máy móc cũ kỹ, công nghệ lạc hậu. TP.HCM vẫn cần nguồn LĐ phổ thông song hành với nguồn LĐ chất lượng cao vì nhiều DN vẫn cần sử dụng LĐ phổ thông nhưng theo hướng sẽ tiết giảm dần máy móc, thiết bị, công nghệ cũ.
Cần đảm bảo an sinh cho người lao động Tiến sĩ Jung Woo Han - giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực, Đại học RMIT (TPHCM) - cho rằng DN chọn địa điểm hoạt động dựa trên nhiều yếu tố bao gồm cung LĐ, nhu cầu thị trường về sản phẩm và dịch vụ, chuỗi cung ứng, hậu cần, đối thủ cạnh tranh và các chi phí cơ hội khác… Do đó, việc di chuyển nhà xưởng đến các địa điểm khác có thể tạm thời giảm áp lực thiếu LĐ nhưng DN sẽ mất đi nhiều yếu tố quan trọng và đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ đi kèm. Trước tình hình hiện nay, điều có thể kỳ vọng trong ngắn hạn là mức lương thị trường sẽ tăng để giảm bớt tình trạng thiếu LĐ. Khi đó, nhiều người từ nông thôn có thêm động lực để trở lại thành phố. “Các DN cũng nên đầu tư nhiều hơn vào năng lực đào tạo, quyền lợi bảo đảm sức khỏe, an toàn nghề nghiệp cho người LĐ để bảo đảm trước các bất trắc như đại dịch xảy ra”, ông nói. Theo ông Nguyễn Tường Huy - giảng viên Trường đại học Văn Lang - thực ra cơ cấu nguồn lực LĐ đã thay đổi từ trước khi xảy ra đại dịch. TPHCM vẫn có nguồn lực LĐ tại chỗ rất lớn trong các ngành thương mại, tài chính, dịch vụ và cũng cần bổ sung từ bên ngoài. Những ngành này là không thể dịch chuyển khỏi thành phố. Nguồn LĐ phổ thông từ lâu đã dần dịch chuyển về các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. “Theo tôi, giải pháp nằm ở các chính sách bảo đảm an sinh cho người LĐ. Khi đại dịch xảy ra, họ về quê vì điều kiện an sinh xã hội không bảo đảm mà thôi. Vì vậy, cần phải có các chiến lược an sinh xã hội lâu dài. Nhà ở vẫn là ưu tiên hàng đầu”, ông Nguyễn Tường Huy nói. Ông cho rằng, Nhà nước cần đầu tư nhà ở cho công nhân thuê hoặc mua với các chính sách ưu đãi. Cải thiện hệ thống giao thông thuận tiện để DN rút ngắn thời gian đưa đón công nhân từ các tỉnh lân cận đến thành phố làm việc. |
Thanh Hoa - Quốc Ngọc - Nguyễn Cẩm
Bài cuối: Thu hút ngành sử dụng nhân lực chất lượng cao để phát triển