Kết nối để phát triển bền vững: Mỗi người hãy là một nhịp cầu

12/09/2022 - 09:00

PNO - Tiến trình thúc đẩy cho một nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn để đáp ứng sự phát triển bền vững được Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee) và Sở Công Thương TP.HCM đặt ra tại diễn đàn “Nhịp cầu ASEAN++: Kết nối để phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 9/9 vừa qua.

Nuôi dưỡng môi trường

Theo dự báo của The World Counts, khoảng 27 năm nữa thế giới sẽ không còn thực phẩm nếu hệ thống thực phẩm toàn cầu không thay đổi, 17 năm nữa trái đất sẽ không còn nước sạch trừ khi việc sử dụng nước phải được giảm đi đáng kể, 25 năm nữa sẽ không còn cá trong đại dương nếu không có gì thay đổi, 77 năm nữa thế giới sẽ không còn rừng mưa nhiệt đới…
Những số liệu vừa nêu là hồi chuông cảnh báo về môi trường sống của chúng ta đang bị tàn phá.

Những diễn giả tham gia tọa đàm tại diễn đàn. Từ trái sang: ông Binu Jacob, bà Cao Thị Ngọc Dung, bà Claire Chiang và bà Huỳnh Thị Xuân Liên - Phó Chủ tịch Hawee
Những diễn giả tham gia tọa đàm tại diễn đàn. Từ trái sang: ông Binu Jacob, bà Cao Thị Ngọc Dung, bà Claire Chiang và bà Huỳnh Thị Xuân Liên - Phó Chủ tịch Hawee

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hawee, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ - chia sẻ, bà từng từ chối không ít dự án dù đem lại lợi ích cho công ty nhưng không có lợi cho xã hội, môi trường. Việc đặt lợi ích của xã hội và khách hàng song song với lợi ích của doanh nghiệp luôn là một sự lựa chọn của PNJ. “Tôi luôn có ý thức huấn luyện nhân viên của mình khi bắt tay vào làm việc gì cũng phải nghĩ đến môi trường, không thể tách rời khỏi xã hội. Dần dần, văn hóa ứng xử này được nâng lên thành triết lý phát triển bền vững tại PNJ. Đó là câu chuyện của tư duy. Bất cứ việc gì, chỉ cần có ý thức thì sẽ từ từ đến và phải học hỏi từng ngày” - bà Ngọc Dung chia sẻ. 

Ông Binu Jacob - Đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam - cho biết, Nestlé là một công ty thực phẩm và 65% lượng khí thải nhà kính đến từ nông nghiệp. Nhiều nghiên cứu về quá trình phát triển nông nghiệp trong vài thập niên qua cho thấy, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và hình thức độc canh để mang lại giá trị kinh tế cao đã giết chết hàng loạt các loại côn trùng có lợi cho đất. Do đó, những việc Nestlé đã làm trong 12 năm qua là không khai thác đến mức cạn kiệt lớp đất mặt, giảm dần phân bón, hóa chất và thay bằng những giải pháp thuận tự nhiên. “Bên cạnh đó, mỗi năm, chúng tôi đưa ra mục tiêu cụ thể, là mua hàng từ những nhà cung cấp chứng minh được họ không phá rừng làm nguyên liệu. Chúng tôi lấy bao nhiêu nước từ môi trường sẽ trả lại cho môi trường bấy nhiêu, không sử dụng bao bì plastic. Chúng tôi cũng đã tìm ra 16 loại cà phê có thể trồng được trên những vùng đất khác nhau và trồng xen canh với các loại cây khác. Không chỉ vậy, chúng tôi còn huấn luyện những người nông dân phải biết cách huấn luyện cho những nông dân khác” - ông Binu Jacob tiết lộ. 

Với triết lý phát triển làm sao để hài hòa, yêu thương và nâng đỡ mọi người, năm 2021, Nestlé Việt Nam được công nhận là công ty phát triển bền vững nhất trong khu vực sản xuất.

Từ diễn đàn, dấy lên niềm tin về một sự kết nối để phát triển trong tương lai
Từ diễn đàn, dấy lên niềm tin về một sự kết nối để phát triển trong tương lai

“Ai cũng từng là một đứa trẻ, cũng từng lớn lên dưới một tán cây. Hãy đặt tai xuống đất nghe tiếng vọng từ ngàn xưa. Sự phát triển dù nhanh đến đâu, cũng phải học những phút giây tĩnh lặng” - đó là thông điệp mà bà Claire Chiang - Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Banyan Tree - gửi đến mọi người tham dự diễn đàn. Xuất thân là một giảng viên đại học, bà Claire cho biết, bà phải học cách cải tạo môi trường khi trở thành một người kinh doanh, bởi có những nơi, người ta giao cho bà những khu đất không làm gì được. Không biết thì hỏi, bà hỏi chuyên gia để họ cho ý tưởng, bắt đầu từ việc cải thiện đất mặt, không khai thác cạn kiệt. “Chúng tôi có 61 khách sạn, resort, mỗi dự án đều được xem xét rất cẩn thận. Khi buộc phải cắt cái cây nào đó, chúng tôi phải trồng lại một cây khác ở một vị trí khác để phục hồi môi trường, tái tạo đất và tái tạo cây” - bà Claire nói. 

Mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải là tác nhân của sự thay đổi 

Bà Claire nhấn mạnh vai trò của những nữ lãnh đạo doanh nghiệp khi kêu gọi mỗi người phải hành động bằng cách phản ánh xu hướng tất yếu này trong chính sách phát triển của Nhà nước. Và trước hết, mỗi nữ doanh nhân phải tự hỏi, doanh nghiệp đã làm gì để giúp đỡ những người phụ nữ xung quanh. Theo bà, nữ lãnh đạo doanh nghiệp cần có những chính sách tạo điều kiện cho nữ nhân viên của mình làm việc từ xa, làm việc tại nhà… để họ vừa có cơ hội làm việc, vừa có thể chăm lo cho gia đình, cân bằng cuộc sống, từ đó sẽ chung tay xây dựng tương lai bền vững.

Theo bà Claire, để thúc đẩy một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hai chữ “bền vững” là điều mà lãnh đạo mỗi doanh nghiệp không chỉ tư duy mà còn phải hành động. Để quy trình được vận hành, doanh nghiệp phải huấn luyện rất nhiều, từ lãnh đạo đến nhân viên. “Nhưng một công ty cũng không thể nào làm hết được. Muốn đi xa, phải đi cùng nhau. Tôi rất mong chúng ta sẽ cùng nhau xây nên cái cầu, một mạng lưới hỗ trợ, trong đó, mỗi người đều nhìn thấy mình là một tác nhân của sự thay đổi. Hành trình này sẽ mang lại những giá trị cho cộng đồng” - bà Claire khẳng định. 

Còn ông Binu Jacob cho rằng, để phát triển bền vững trước hết phải có niềm tin, cả lãnh đạo doanh nghiệp lẫn nhân viên đều phải tin là họ có khả năng tạo nên giá trị, đem lại sự tốt đẹp cho xã hội và niềm tin đó phải cụ thể hóa bằng cam kết hành động. Tại đơn vị mình, trong thời gian qua, ông đã dẫn dắt triển khai nhiều hoạt động hướng đến phát triển bền vững, trong đó có việc phối hợp hướng dẫn cho 8.000 phụ nữ cách quản lý tài chính, chăm sóc gia đình, nâng cao thu nhập… để họ tự xây dựng cho mình một cuộc sống bền vững, từ đó sẽ mang những giá trị bền vững cho cộng đồng. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI