Với tinh thần đó, các cấp Hội Phụ nữ TP.HCM luôn chủ động tìm tòi, sáng tạo nhiều phương thức hoạt động. Nhiều mô hình hay, giải pháp tốt đã ra đời.
Bình yên cho từng tổ ấm
Năm năm sau ngày cưới nhưng vẫn chưa có con khiến cuộc sống vợ chồng chị Mai Nguyễn, P.11, Q.Bình Thạnh, như rơi vào ngõ cụt. Do mắc cỡ nên anh chồng không chịu đến bệnh viện tìm nguyên nhân. Còn chị Mai, do áp lực tự thân và phải chịu “lời ong tiếng ve” về chuyện “hiếm muộn” từ trong gia đình đến nơi làm việc đã trở nên cáu bẳn. Mâu thuẫn gia đình nảy sinh, vợ chồng thường xuyên to tiếng.
Chị Mai mang nỗi khổ tâm của mình tâm sự với tổ tư vấn cộng đồng khu phố 7 để nhờ giúp đỡ. Chị đã gặp luật gia Nguyễn Thị Lệ Hoa. Sau tâm sự của chị Mai, luật gia Lệ Hoa đã tìm gặp anh chồng để tìm hiểu thêm. Qua câu chuyện, vị luật gia biết thêm: anh chồng cho rằng lỗi vô sinh là do vợ nên đã tìm đến mối quan hệ khác để kiếm đứa con.
|
“Ngày hội nữ công nhân” là một hoạt động được Hội LHPN TP.HCM tổ chức hằng năm với rất nhiều tâm huyết |
Bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm sống, vị luật gia thuyết phục cả hai người cùng đối diện với sự thật, cùng nhau đi chữa trị vô sinh, đồng thời tham dự các chuyên đề về sức khỏe sinh sản do Hội LHPN phường và quận tổ chức. Đi điều trị, biết được nguyên nhân hiếm muộn đến từ mình, anh chồng đã hết sức hối hận vì đã có những việc làm gây tổn thương cho vợ. Cũng từ đó, anh yêu vợ hơn.
Câu chuyện vợ chồng chị Mai Nguyễn chỉ là một trong 216 trường hợp mà các tổ tư vấn cộng đồng thuộc Hội LHPN Q.Bình Thạnh đã can thiệp giúp đỡ trong hai năm qua. Có thể nói, 90 tổ tư vấn cộng đồng với 428 thành viên là các luật gia, luật sư, chuyên gia tâm lý, bác sĩ, nhà xã hội học, nhà giáo về hưu… đã giúp tư vấn, hòa giải nhiều mâu thuẫn, góp phần mang lại hòa khí ở từng khu phố và sự đầm ấm cho mỗi gia đình.
Đa dạng mô hình để thu hút chị em
Ngày 25/5, “Biệt đội xanh” của Hội LHPN Q.6 chính thức ra mắt. Biệt đội gồm 14 bà nội trợ tình nguyện tham gia thu gom rác tái chế… Cứ mỗi cuối tháng, các chị lại đến từng khu phố, gõ cửa từng nhà để thu gom rác bán lấy tiền gây quỹ giúp những hội viên phụ nữ khó khăn.
Tháng 6/2019, sau lần bội thu đầu tiên, biệt đội này đã trao 14 chiếc xe đẩy (mỗi chiếc trị giá 4 triệu đồng) cho những phụ nữ khó khăn để các chị có phương tiện mưu sinh.
“Biệt đội xanh” là mô hình mới nhất của Hội LHPN Q.6 trong việc vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Chỉ riêng lĩnh vực này, Q.6 có 18 câu lạc bộ với 565 thành viên và nhiều hoạt động được duy trì thường xuyên như: 15 phút làm sạch đẹp đường phố vào mỗi sáng thứ Bảy, xây dựng tuyến đường cây xanh dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, tuyến hẻm tuyên truyền 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch”, hội thi “Phân loại rác tại nguồn”, hội thi “Sức sống mới từ rác thải”, vận động các hộ gia đình thu gom giấy vụn đổi giấy sạch…
Xác định việc thu hút hội viên phụ nữ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban chấp hành Hội LHPN Q.6 đã chỉ đạo 19 cơ sở Hội khảo sát thực tế, nắm bắt nhu cầu của hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Sau khảo sát, Hội đã mạnh dạn giải thể các mô hình hoạt động không hiệu quả, củng cố và nâng chất những mô hình hoạt động có hiệu quả theo ngành nghề và nhóm phụ nữ đặc thù để thu hút chị em.
Đến nay, toàn quận 6 có 46 loại hình tập hợp phụ nữ với 234 câu lạc bộ, tổ, nhóm, thu hút 9.912 thành viên tham gia sinh hoạt.
|
Đến với “Ngày hội nữ công nhân”, chị em được vui chơi, học tập, chăm sóc sắc đẹp, mua sắm giá rẻ và được tặng quà |
Kết nối doanh nghiệp, đôi bên cùng có lợi
Cuối năm 2016, những lá thư kêu gọi tham gia chương trình “Kết nối hội viên, phụ nữ và doanh nghiệp” đã được Hội Phụ nữ các cấp ở Q.Tân Bình gửi đến các doanh nghiệp trên địa bàn. Ban đầu, nhiều doanh nghiệp còn e dè, nhưng sự nhiệt tình, trách nhiệm của các chị đã “lôi kéo” được các doanh nghiệp đến với chị em trong hơn nửa nhiệm kỳ qua. Cũng từ đó, hàng loạt chương trình “kết nối” được thực hiện như: tặng thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng mái ấm tình thương, hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo… Các doanh nghiệp đã đồng hành cùng Hội tổ chức “Ngày hội cho nữ công nhân” với nhiều hoạt động như: bán hàng bình ổn giá, bán hàng đồng giá, tổ chức gian hàng cho đi và nhận lại, làm đẹp miễn phí... Những hoạt động này đã làm cho hoạt động Hội thêm rộn ràng và tạo sức hút với đông đảo chị em, tạo điều kiện gắn kết chị em với Hội.
Hội cũng đã phối hợp các doanh nghiệp tổ chức hội thi để tập huấn kiến thức an toàn giao thông, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả...
Kết nối doanh nghiệp với hội viên phụ nữ là hoạt động mang tính sẻ chia, thông qua đó doanh nghiệp có dịp quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình với người tiêu dùng, nhất là phụ nữ, còn Hội có thêm các kênh thông tin về tuyển dụng để giới thiệu giúp chị em có việc làm, ổn định cuộc sống cũng như được hưởng các ưu đãi từ doanh nghiệp.
Chị Đỗ Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình - cho biết: “Mặc dù rất bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng khi Hội Phụ nữ phát động phong trào, các doanh nghiệp đều sẵn lòng tham gia. Các doanh nghiệp luôn có nhiều chương trình đồng hành để hỗ trợ Hội”.
Chuyện nhỏ được tuyên truyền đến mọi người
Nhờ 23 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng trộn mà gia đình chị Nguyễn Thị Kim Liên (60 tuổi) ở ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội, H.Củ Chi có cuộc sống ổn định và nuôi được hai cô con gái khôn lớn. Chị Liên cho biết, hiện có ba phụ nữ lớn tuổi đến phụ việc cho chị. Mỗi buổi sáng, các dì đến phụ xào muối, bỏ bánh vào bịch, cột thành từng xâu… Đều đặn, mỗi tuần mỗi người có thu nhập từ 300.000-400.000 đồng.
Thu nhập dù không cao, nhưng đây là mô hình rất có ý nghĩa và đáng ghi nhận giúp lao động nữ lớn tuổi ở nông thôn có việc làm thêm lúc nhàn rỗi để cải thiện cuộc sống. Chính vì vậy, Hội Phụ nữ H.Củ Chi đã tổ chức “tuyên truyền câu chuyện này đến từng xóm, ấp, kể cả đưa vào bản tin phụ nữ, đưa lên đài truyền thanh, fanpage và Facebook của Hội LHPN H.Củ Chi và 23 cơ sở Hội để nhiều người cùng biết, cùng học và cùng noi theo”, chị Lê Thị Phương Hồ - Chủ tịch Hội LHPN H.Củ Chi - cho biết.
|
HẠNH CHI - DIỄM TRANG