‘Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ’: Sức sống qua nửa thế kỷ

07/05/2019 - 06:44

PNO - Tác phẩm của cố họa sĩ Nguyễn Sáng không chỉ đại diện tiêu biểu cho một nhánh của nền mỹ thuật Việt Nam, mà còn mang trong mình một phần lịch sử bi tráng của dân tộc.

65 năm qua đi, nhưng những dấu ấn về Điện Biên Phủ vẫn được nhắc nhớ đến tận hôm nay. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ tạo nên trang sử hào hùng cho dân tộc mà còn mang đến cho nghệ thuật những chất liệu sáng tác có giá trị. Nếu hiện thực chiến tranh dễ khiến người ta hình dung đến những điều khô cứng thì với góc nhìn của nghệ sĩ, mọi thứ đều có thể trở nên mềm mại. Những gì được thể hiện trong bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ - một trong 7 bức tranh được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam - đã chứng minh điều ấy.

Đây là tác phẩm của cố họa sĩ Nguyễn Sáng, người đứng đầu bộ tứ thứ hai trong nền mỹ thuật Việt Nam “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái” (gồm: Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái). Ông là một trong những cái tên có sức ảnh hưởng bậc nhất với nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Ngoài việc đóng góp những tác phẩm, cố hoạ sĩ còn đưa nhiều gam màu mới vào tranh sơn mài để việc thể hiện được đa dạng, phong phú hơn. 

Thành công của Nguyễn Sáng trải rộng ở nhiều mảng đề tài như: chân dung, hoa, phong cảnh, phụ nữ… Đặc biệt, nhắc đến tranh của Nguyễn Sáng, mảng đề tài về chiến tranh được xem là một nét thú vị. Những điều tưởng chừng như khô khan trở nên mềm mại, nhẹ nhàng hơn dưới nét vẽ của ông.

‘Ket nap Dang o Dien Bien Phu’: Suc song qua nua the ky
Bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của hoạ sĩ Nguyễn Sáng.

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ ra đời vào năm 1963, 9 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Bức tranh tái hiện lại khoảnh khắc của những chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường với 3 nhóm nhân vật chính, phụ. Trung tâm của tranh là 3 chiến sĩ, trong đó có một người trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm 3 người này liên kết với 2 chiến sĩ khác bằng một cái bắt tay mạnh mẽ. Buổi kết nạp Đảng diễn ra trong góc chiến hào chóng vánh nhưng đầy nghĩa tình. Góc trái của tranh là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương. Hậu cảnh lại là một chiến sĩ đang hối hả ra trận. 

Tác phẩm của cố hoạ sĩ thể hiện được hai yếu tố động - tĩnh đan xen vào nhau. Lý tưởng, hy sinh, mất mát hay tinh thần chiến đấu… những điều gắn liền với mỗi cuộc chiến được hoạ sĩ gói gọn trong khung hình chữ nhật vừa vặn. Những hình khối chắc khoẻ, cách tạo hình chắt lọc, Nguyễn Sáng mang đến nét hào hùng cho các nhân vật trong bối cảnh vẫn còn nhiều đau thương. Nét thẳng nhiều nhưng tranh không cứng. Mảng lớn nhưng tác phẩm lại không thô.

‘Ket nap Dang o Dien Bien Phu’: Suc song qua nua the ky
Hình ảnh hiếm hoi về cố hoạ sĩ Nguyễn Sáng.

Nếu như nhiều tác phẩm nổi tiếng cùng thời về nghệ thuật sơn mài phần nhiều đi tìm vẻ đẹp trong những chủ đề mang tính lãng mạn, chú ý vào tiểu tiết thì Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ đã tạo được nét riêng với diện mạo rắn rỏi. Ngôn ngữ tranh mang tính trực diện, dễ hiểu và đậm tính hiện thực. 

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói về tác phẩm nổi tiếng của cố hoạ sĩ Nguyễn Sáng: “Lâu nay, chúng ta quen xem các tranh sơn mài sử dụng màu son, ngôn ngữ trang trí nhiều. Nhưng ở đây, với bút pháp khỏe, vạm vỡ tạo nên hình tượng người lính ở trong chiến hào. Nó có vẻ đẹp chân thực khi khai thác vẻ đẹp của người lính Điện Biên, đồng thời lại điển hình cho hình tượng của người Việt”. Còn theo nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Hải Yến, cái hay của hoạ sĩ Nguyễn Sáng ở chỗ ông gạn lọc được những chi tiết nhỏ để thể hiện nhưng nâng chúng trở thành những hình ảnh có tầm vóc hơn.

Màu sắc trong tranh đơn giản, đa phần nằm trong hệ màu sơn ta truyền thống như: đỏ son, vàng, bạc. Bức tranh có thêm một số màu mới như lam, lục được sử dụng thành công, đánh dấu vào nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Tranh gợi lên cảm giác ấm áp nhưng đồng thời cũng thể hiện sự cam go, kịch tính với những sắc màu có độ nóng nhất định.

Sự tương phản giữa hai sắc độ sáng - tối giúp các hình khối trong tranh được tôn lên tuyệt đối, phân tách nhưng vẫn hoà quyện vào một tổng thể chung. Sức sống của tác phẩm được đúc kết từ những ngày tháng gian khổ khi Nguyễn Sáng tham gia cách mạng. Trải nghiệm thực tế đã cho ông có nguồn cảm xúc tốt để biến những ngày đau thương trên chiến trường trở thành khoảnh khắc thăng hoa mang tính nghệ thuật.

Với giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, thẩm mỹ, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013. Bức tranh hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. Hơn 50 năm nhìn lại, bức tranh không chỉ là minh chứng cho một thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật sơn mài mà còn mang trong mình một phần lịch sử, dưới góc nhìn mềm mại hơn.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI