Kết luận kiểm tra liên bộ đối với Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN

29/12/2015 - 07:13

PNO - Đoàn kiểm tra liên Bộ GD-ĐT - Y tế công bố chính thức tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về vấn đề đào tạo ngành y, dược tổ chức chiều 28/12.

Chiều 28-12, Đoàn kiểm tra liên Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo Y khoa, Dược học gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Tham dự buổi họp báo gồm có bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT); ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội; ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế).

Đại diện Liên bộ nhấn mạnh việc đào tạo hay tuyển sinh ngành Y, Dược sẽ không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, nhưng khi mở ngành để tuyển sinh phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu theo quy định.

Ket luan kiem tra lien bo doi voi Truong DH Kinh doanh va Cong nghe HN
Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành Bộ GD - ĐT và Bộ Y tế trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề đào tạo y dược. (Ảnh: Lê Vân /Tintuc.vn)

Trình bày kết luận kiểm tra, ông Nguyễn Đức Cường, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) nêu rõ:

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã bổ sung cơ sở vật chất và đội ngũ theo góp ý của các thành viên trong Đoàn thẩm định liên ngành. Cụ thể:

Đối với ngành Y khoa: Đội ngũ giảng viên có 34/ 56 giảng viên cơ hữu, có trình độ thạc sĩ trở lên, thiếu 1 tiến sĩ Sản khoa và 6 môn học chưa có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành bao gồm: Chẩn đoán hình ảnh, truyền nhiễm, tâm thần, ký sinh trùng, sinh lý bệnh miễn dịch, mô phôi.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo ngành Y, trường đã đảm bảo được cơ sở vật chất tối thiểu theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Tuy nhiên còn thiếu một số thiết bị thực hành, thí nghiệm.

Như vậy, đối với ngành Y đa khoa, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường bổ sung đội ngũ và thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký trị giá 11 tỷ đồng vào 1/2016.

Đối với ngành Dược học: Hiện tại, đội ngũ giảng viên ngành này của trường có 20 giảng viên với trình độ tiến sĩ, PGS, thạc sĩ; 2 giảng viên chuyên khoa I, 1 giảng viên chuyên khoa II, thiếu giảng viên chuyên ngành dạy môn Phân tích kiểm nghiệm. 1 giảng viên/19 môn cơ sở và chuyên ngành, trong đó thiếu giảng viên chuyên ngành dạy môn Phân tích kiểm nghiệm.

Trang thiết bị phục vụ cho đào tạo ngành Dược học về cơ bản đã đảm bảo được cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Về cơ sở thực hành, trường có đủ bệnh viện đa khoa đảm bảo yêu cầu thực hành, thực tập của sinh viên, có sự hướng dẫn, đánh giá của các giảng viên cơ hữu của trường.

Tuy nhiên, còn thiếu một số lượng trang thiết bị nhất định. Trường cần bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán 23 tỷ và giao hàng vào 22/2/2016.

Từ kết luận kiểm tra, liên bộ Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đồng ý để trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành Dược từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng; bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm và báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế (Chỉ tiêu xác định theo đúng Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT).

Dù đã có kết quả điều tra liên ngành, tuy nhiên dư luận xã hội vẫn còn quan tâm đến chất lượng đào tạo ngành y, dược nói chung, đặc biệt là vấn đề điểm đầu vào. Trả lời vấn đề này,  PGS.TS Nguyễn Đức Hinh (Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội) cho biết Hội đồng các trường đại học y, dược đã họp và đưa đề xuất. Theo đó, kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường đại học y, dược sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia; và phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành Dược học (học 5 năm) và Y đa khoa (6 năm).

Cũng tại buổi họp, đoàn chuyên gia khuyến cáo với điều kiện như hiện nay, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chỉ nên tuyển 100 chỉ tiêu cho ngành dược học/năm, không nên tăng quy mô đào tạo dược học trong 5 năm đầu tiên để ổn định điều kiện về cơ sở vật chất và giảng viên.

Hoàng Dương (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI