Kết hợp đông - tây y trong điều trị sốt xuất huyết

07/09/2022 - 06:43

PNO - Trên cả nước, dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là ở khu vực phía Nam, khiến số người mắc bệnh và nhập viện ngày càng tăng. Một thông tin khả quan là bên cạnh phương pháp điều trị hiệu quả hiện nay, bệnh nhân sốt xuất huyết còn được điều trị, giúp phục hồi bằng cách kết hợp đông - tây y.

Một số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) ở TPHCM đã được điều trị bằng phương pháp kết hợp đông - tây y đạt kết quả khả quan, nhất là ở giai đoạn đầu của bệnh.

Nhiều người được điều trị sốt xuất huyết bằng y học cổ truyền

Mấy ngày trước, chị H.N.P.D. (ở Q.4, TPHCM) bị sốt cao, đau mỏi cơ khớp, kèm theo đau đầu liên tục. Nghĩ mình bị suy nhược cơ thể, chị D. dự định mua thuốc bổ uống thì người quen khuyên nên đến Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM khám bệnh. 

Sau thăm khám, bác sĩ nghi ngờ chị D. bị SXH Dengue nên chỉ định xét nghiệm, kết quả chị mắc SXH. Do được phát hiện sớm, bác sĩ tư vấn cho chị cách chăm sóc, theo dõi bệnh và chỉ định điều trị ngoại trú. Ngoài thuốc điều trị SXH Dengue, bác sĩ có kê thêm cho chị vài thang thuốc bồi bổ sức khỏe, hướng dẫn chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Sau tám ngày, bệnh của chị thuyên giảm, ngưng sốt, hết đau đầu, chỉ còn hơi mỏi người. “Không ngờ đông y cũng có thể trị SXH tốt như vậy. Sức khỏe của tôi nhanh bình phục và ít cảm thấy mệt mỏi hơn”, chị D. chia sẻ.

Do bị nhiều bệnh mạn tính nên khi thời tiết chuyển mùa, bà L.T.T. (64 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) hay bị đau nhức, mệt mỏi. Đợt này, ngoài nhức mỏi cơ, khớp, bà T. còn sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt vẫn không khỏi. Sẵn đang điều trị bệnh mạn tính tại Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, bà T. nói với bác sĩ về các cơn sốt của mình. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ Phạm Thị Minh, Khoa Nội lão của bệnh viện, chẩn đoán bà T. bị SXH ngày thứ ba. Do bà có nhiều bệnh nền nên được chỉ định nhập viện điều trị. 

Bác sĩ Phạm Thị Minh  thăm khám lại cho bà T.
Bác sĩ Phạm Thị Minh thăm khám lại cho bà T.

Bác sĩ Minh cho biết: “Để điều trị cho bà T., chúng tôi phải yêu cầu bà ngưng sử dụng một số loại thuốc kháng đông, giảm tiểu cầu, aspirin… đồng thời lên phác đồ điều trị phù hợp”. Qua hôm sau, bà T. có dấu hiệu vật vã, li bì, bệnh tiến triển nặng. Lúc này, song song với bài thuốc tang cúc ẩm trị cảm mạo trong đông y, bác sĩ chỉ định bù dịch bằng tây y cho bà T. Đến ngày thứ mười sau nhập viện, bà T. hồi phục, ổn định trở lại và sau đó được xuất viện.

Theo bác sĩ Minh, chị D., bà T. chỉ là hai trong nhiều bệnh nhân được điều trị SXH bằng y học cổ truyền. Trong một vài tình huống, bệnh viện cũng kết hợp đông - tây y để điều trị hiệu quả SXH. 

Điều trị hiệu quả ở giai đoạn đầu

Trong y học cổ truyền, bệnh SXH được xếp vào nhóm ôn bệnh, nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt tà tác động vào vệ, khí, dinh, huyết. Trong đó, nhiệt độc tấn công vào phần vệ, khí gây sốt cao, tấn công vào phần dinh gây xung huyết và khi nhiệt độc vào phần huyết sẽ làm người bệnh xuất huyết. Bệnh vào giai đoạn nặng có thể chuyển thành chứng quyết gồm nhiệt quyết (tương đương với sốc nhẹ) và hàn quyết (tương đương với sốc SXH nặng).

Nguyên tắc điều trị cơ bản của y học cổ truyền giúp người bệnh thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết. Thanh nhiệt giải độc nhằm loại trừ nguyên nhân nhiệt độc và lương huyết, chỉ huyết nhằm làm mát huyết, đưa huyết về trạng thái bình thường nhằm cầm máu cho bệnh nhân. Các bài thuốc điều trị kinh điển là: tang cúc ẩm gia giảm, ngân kiều tán, bổ trung ích khí, sinh mạch tán… 

Việc ứng dụng y học cổ truyền vào điều trị SXH linh hoạt theo từng giai đoạn bệnh. Cụ thể, nếu nhiệt tấn công vào phần vệ và khí có thể dùng các bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, điều trị sốt, làm giảm các triệu chứng của SXH. Còn khi nhiệt tấn công vào phần dinh và huyết, có dấu hiệu cảnh báo hoặc SXH Dengue nặng, người bệnh cần được điều trị bằng y học hiện đại kết hợp bài thuốc bổ dưỡng. Lúc người bệnh vào giai đoạn phục hồi, các bài thuốc có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm… giúp nâng cao thể trạng. 

Trong các giai đoạn bệnh, trị hoàn toàn bằng đông y hay đông - tây y kết hợp còn tùy thuộc tình trạng của người bệnh. “Như ở giai đoạn đầu của bệnh SXH Dengue (tương ứng với mức độ 1, 2 theo y học hiện đại), nếu người bệnh được điều trị bằng y học cổ truyền sẽ mang lại hiệu quả cao, hạn chế bệnh tiến triển nặng. Khả năng hồi phục của người bệnh nhanh. Một khi bệnh chuyển biến nặng, phải chuyển sang điều trị tây y, chỉ sử dụng các bài thuốc đông y mang tính chất bổ trợ, nâng đỡ thể trạng của người bệnh”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Bác sĩ Minh lưu ý, điều trị SXH bằng y học cổ truyền mang lại hiệu quả cao nhưng chỉ nên áp dụng với trường hợp bệnh nhẹ hoặc giai đoạn đầu của bệnh. Người dân muốn chữa bệnh SXH theo y học cổ truyền cần đến các cơ sở uy tín để được các bác sĩ chẩn đoán, điều trị đúng cách. Không nên tự ý đi mua thuốc đông y bên ngoài, uống theo đơn thuốc của người khác để điều trị SXH, hay tùy tiện sử dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng chưa được kiểm chứng. 

Phạm An - Tuệ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI