Kết hôn trước tuổi 30: Tôi thà đóng thuế còn hơn!

11/05/2020 - 05:00

PNO - Bằng một cách nào đó, Quyết định 588 gây áp lực, khiến chúng tôi vô hình trung bị “dạt” về nhóm đối tượng gây ảnh hưởng tới chiến lược dân số của quốc gia.

Chẳng biết cái Quyết định 588 có sức mạnh lan tỏa thế nào mà ngay tối ngày ban hành quyết định đó, mẹ tôi - một người đàn bà chỉ thích xem phim Ấn Độ và phim Hàn, không màng thế sự, gọi điện cho đứa con gái 32 tuổi mà chưa lấy chồng với giọng rất nghiêm trọng.

“Mẹ đọc báo thấy Thủ tướng mới ban hành cái quyết định gì mà… khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn. Với những đứa không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn như mi, thì phải tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng. Nghĩa là, mi phải đóng thuế nhiều hơn nông dân à con?”.

Ảnh minh họa
"Kiếm đại một người mà lấy chồng đi con", mẹ tôi khuyên tôi như thế. Ảnh minh họa

Mẹ tôi, người đàn bà nông dân đúng nghĩa, chưa hiểu rõ “tăng trách nhiệm” trong văn cảnh này là như thế nào, nên bà lấy ngay thuế đất nông nghiệp để ví von. Rồi bà kết luận: “Thấy khổ chưa con? Không chỉ bố mẹ lo lắng, mà Thủ tướng cũng lo lắng”. Chính phủ vào cuộc “chấn chỉnh” lại chuyện kết hôn của các anh trai, chị gái đến tuổi mà chẳng chịu lấy chồng, lấy vợ. Mẹ tôi, tự nhiên có đồng minh “xịn”; thế rồi tha hồ “đá xoáy” đứa con gái lớn của mình. 

Cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con trở nên “căng thẳng” khi gắn thêm cái quyết định của Chính phủ. Ở quê tôi, cứ cái gì thành văn bản, thành quyết định, thành nghị quyết, lại là văn bản của Chính phủ… là to lắm!

Cú điện thoại kết thúc bằng câu nói của mẹ tôi: “Thôi bây giờ cũng coi như muộn với quy định, nhưng muộn còn hơn không, kiếm đại một người mà lấy chồng đi con”.

Nào phải không muốn lấy chồng, sinh con, ổn định cuộc sống như người ta. Nào ai muốn cha mẹ rầu rĩ vì cái sự nghiệp hôn nhân lênh đênh hoặc muộn màng đường con cái của mình. Nhìn bạn bè, em út yên bề gia thất, tôi cũng mong muốn mình được như vậy chứ. Thiên hạ nói ra nói vào về cái sự “lấy chồng” của mình cũng khiến mình ngao ngán chứ. Ai dám mạnh miệng nói, ước mơ của tôi là trở thành một người độc thân đâu? 

Không biết những người khác ra sao, nhưng tôi không có thứ dũng cảm đó. Trong tôi, vẫn chảy dòng máu văn hóa Á Đông mạnh mẽ. Bản thân tôi cũng thích cái sự “ràng buộc” (dù đôi khi chẳng phải hay ho lắm) mà kết cấu gia đình và văn hóa gia đình mang lại.

Thế nhưng, nói như thế, không có nghĩa, 500 chị em chúng tôi phải chạy đua với thiên hạ để có bằng được một tấm chồng. 500 anh trai cũng thế. Không có nghĩa, vì Thủ tướng kêu gọi, khuyến khích nam, nữ nên kết hôn trước 30 tuổi hay vì “nghĩa vụ” tăng trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng mà chúng tôi “kiếm đại một người” để gọi là vợ, là chồng. 

Chúng tôi muốn kết hôn hay có con khi nào là quyền của chúng tôi. Tất nhiên, cái quyết định kia không mang tính “ép buộc”, nhưng lại “gián tiếp ép buộc” bằng một cách nào đó, gây áp lực, khiến chúng tôi vô hình trung bị “dạt” về nhóm đối tượng gây ảnh hưởng tới chiến lược dân số của quốc gia. 

Tôi nghĩ, chiến lược dân số không chỉ đơn giản dừng lại ở những con số thống kê mang tính thành tích, bề mặt, hời hợt; mà chủ yếu nằm ở chất lượng dân số. Rằng con người đó đã sẵn sàng kết hôn chưa.

Rằng cặp vợ chồng đó đã chuẩn bị mọi thứ để sinh con chưa… Họ cảm thấy hạnh phúc không? Một cặp vợ chồng chưa vững về kinh tế, bản thân họ mải miết chạy ăn từng bữa, ta không thể “ép” họ phải sinh con thứ hai trước 35 tuổi nếu như họ chưa sẵn sàng…

Cũng như việc, tôi chưa gặp được người tôi muốn kết hôn cùng, sao tôi có thể “vội lấy chồng”? Hay chẳng hạn, tôi không muốn kết hôn, chẳng lẽ, “ép” tôi phải kết hôn?

Phụ nữ độc thân thường phải làm việc nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn. Ảnh minh họa
Phụ nữ độc thân thường phải làm việc nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn. Ảnh minh họa

Những gói ưu đãi được đưa ra phủ dụ như một quà khuyến mãi đi kèm. Rằng sinh con trước tuổi 35, sẽ được tư vấn, chăm sóc, giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm các khoản công ích theo hộ gia đình, hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào trường công lập… Nghe rất bùi tai. Nhưng ông bà mình nói, tự túc vẫn là hạnh phúc nhất. Nhất là khi, nội dung khuyến mãi ra sao, cũng chưa được nói rõ. 

Bạn tôi nói đùa, bạn cảm thấy “tổn thương” khi đọc quyết định này. Sao chỉ vì chưa/không kết hôn mà mai mốt bạn phải chịu trách nhiệm đóng góp với xã hội, cộng đồng. Trong khi, lâu nay, những người độc thân, luôn phải làm việc nhiều hơn và tập trung hơn người khác (do không vướng bận và phân tâm vào việc gia đình), cống hiến cho xã hội của họ cũng nhiều hơn. Đó là chưa kể ra hàng loạt cái thiệt thòi chỉ có ở những người độc thân.

Vậy nên, thật không công bằng với chúng tôi.

Nếu một ngày quyết định này được thực tiễn hóa và khi ấy, tôi vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng cho hôn nhân hoặc chưa tìm được ai mà tôi muốn kết hôn cùng, tôi thà đóng thuế còn hơn. 

Cốc Vũ

Bạn đồng tình hay phản đối chuyện kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ 2 con trước tuổi 35? Bạn đang ở độ tuổi nào và đã trải nghiệm hôn nhân chưa? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện của bạn quanh các nội dung Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ. 

Bài viết xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • lan 13-05-2020 10:46:10

    Bài viết hay đó, chưa nói chuyện kiếm được chồng/vợ đúng ý mà lấy vợ/chồng xong sống ở đâu? có con thì cv sao ? ai trông con? tiền đâu mua sữa. Tóm lại họ sẽ kết hôn khi họ đã cb cho cs và họ sằn sàng k quan trọng tuổi tác

  • võ thành tài 11-05-2020 15:57:59

    TTg lo cho thiên hạ! Tôi đã 51 tuổi còn muốn vợ thêm.Mấy cô ở giá hoài rồi tôi lấy ai bây giờ???

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI