Kết hôn… một mình

24/05/2024 - 06:12

PNO - Kim Seul-ki - 39 tuổi, quản lý tại công ty mỹ phẩm Lush Korea, Hàn Quốc - tỏ ra tự hào khi nhắc đến việc tổ chức đám cưới với chính mình cách đây 2 năm. “Giờ mọi người đều biết tôi đã kết hôn, tôi không phải nghe những câu hỏi về tình trạng hôn nhân của mình nữa. Cảm giác rất thoải mái” - cô chia sẻ.

Một người kết hôn với chính họ được gọi là “hôn nhân tự phối” (sologamy). “Việc kết hôn với bản thân khiến tôi cảm thấy mình không cần phải thay đổi quan điểm sống và giá trị con người tôi vì hôn nhân” - cô Kim nhấn mạnh.

Nhân viên tại cửa hàng Petit Wedding chỉnh sửa váy áo cho vị khách nữ chụp ảnh cưới một mình - Nguồn ảnh: Asahi Shimbun
Nhân viên tại cửa hàng Petit Wedding chỉnh sửa váy áo cho vị khách nữ chụp ảnh cưới một mình - Nguồn ảnh: Asahi Shimbun

Ở công ty nơi Kim đang làm việc, cô cùng 6 nhân viên khác đã được hưởng hàng loạt phúc lợi hấp dẫn sau “lễ cưới một người” của họ: tiền thưởng 500.000 won (gần 13 triệu VND) kèm theo kỳ nghỉ trăng mật một mình kéo dài 10 ngày. Những gì họ nhận được tương đồng với chế độ phúc lợi dành cho các đôi kết hôn theo phương thức truyền thống.

Trong khi số người đăng ký kết hôn tiếp tục giảm với tốc độ đáng ngại tại Hàn Quốc, trào lưu sologamy đang bắt đầu lan tỏa rộng hơn. Đám cưới một người không đơn thuần biểu thị quyết định tự gắn bó quãng đời còn lại với chính mình. Kim và một số phụ nữ trí thức chung cảnh ngộ chọn sologamy như nỗ lực tự yêu bản thân, cũng nhằm mục đích “phản kháng” trước áp lực cưới hỏi ở quốc gia này, nơi những đôi vợ chồng mới cưới có thể hưởng nhiều quyền lợi xã hội trong khi người độc thân luôn chịu đựng sức ép vô hình.

Với chị Yuko Miyamoto - sống tại tỉnh Osaka, Nhật - thì khác. Lần đầu chị khoác váy cưới là vào hôm sinh nhật 50 tuổi. “Nếu tôi cứ mãi chờ đợi một người bạn đời sẵn sàng tiến tới hôn nhân cùng mình, có lẽ ước mơ có một hôn lễ như ý muốn sẽ mãi không thành… Tôi muốn tự hoàn thành mơ ước mặc váy cưới” - chị bày tỏ. Miyamoto được chẩn đoán mắc ung thư vú cách đây vài năm. Trên hết, chị muốn lưu lại hình ảnh bản thân rạng rỡ trong trang phục cô dâu, khi sức khỏe còn cho phép. “Dù chỉ có mình tôi đứng giữa lễ đường, những người bạn tham dự luôn ủng hộ, khích lệ đã khiến tôi rất xúc động” - chị nói.

Miyamoto là một trong những khách hàng của Petit Wedding - công ty chuyên cho thuê trang phục và chụp ảnh cưới người độc thân ở Nhật Bản. Một nhân viên tại đây tiết lộ: “Dịch vụ chụp ảnh cưới sologamy của chúng tôi đặc biệt thu hút phụ nữ độ tuổi 20-30. Một số muốn chụp bộ ảnh đơn giản vì không có nhu cầu tổ chức đám cưới chỉn chu ngay lúc này. Số khác cho biết, dù không hẹn hò hay có bạn đời, họ muốn mặc váy cưới và tạo dáng trước ống kính nhằm lưu giữ kỷ niệm tuổi trẻ”.

Bỏ ra 36,000 yen (6 triệu VND), một cô dâu có thể mua gói dịch vụ chụp ảnh cưới một mình, bao gồm phí thuê váy áo, trang điểm và bộ 50 tấm ảnh do nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp.

Năm 2017, Aime - studio ảnh nổi tiếng của Nhật Bản (chi nhánh tại Tokyo) - là đơn vị đầu tiên thương mại hóa ý tưởng chụp ảnh cưới một người. Về nguyên nhân vì sao ngày càng nhiều phụ nữ Á Đông ưa thích hôn lễ sologamy, một tư vấn viên của Aime nhận định: nhiều phụ nữ, vì công việc, cuộc sống, thường không chắc muốn tổ chức lễ cưới khi nào hay thậm chí liệu họ có cơ hội khoác lên trang phục cô dâu ngày nào đó trong đời không. Thay vì tiếp tục băn khoăn, họ chọn các dịch vụ đám cưới một người.

Tự tổ chức lễ cưới một mình cho thấy góc nhìn đã trở nên thoáng hơn, khi phụ nữ không muốn bị lệ thuộc vào quan điểm cưới xin truyền thống - một giáo sư xã hội học tại Hàn Quốc nhận định.

Ngoài Lush Korea, ngày càng nhiều công ty lớn ở xứ kim chi cũng áp dụng chính sách phúc lợi cho các nhân viên độc thân kết hôn với chính mình.

“Quan trọng nhất là hạnh phúc của mỗi người. Tôi muốn làm điều khiến mình hạnh phúc” - cô Kim nói.

Như Ý (theo Asahi Shimbun, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI