Gần đây quan hệ vợ chồng tôi khá lạnh nhạt. Một phần có thể vì cả hai đều bận công việc, cơ quan tôi đang có dự án mới, bên công ty vợ phải khắc phục tình trạng trì trệ bởi dịch COVID- 19, áp lực với cả hai khá nặng nề. Ngoài ra, chúng tôi cũng hay cãi nhau vì chuyện vặt, thậm chí chả hiểu mình cãi nhau vì lý do gì…
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Một buổi sáng, như thường lệ, cả hai lặng lẽ ăn sáng, lặng lẽ chuẩn bị đến cơ quan. Khi tôi vừa xách cặp ra khỏi nhà, vợ tôi còn đang thoa kem dưỡng da. Đột ngột nàng lên tiếng:
- Hay chúng mình ly hôn đi!
Tôi giật nảy người, kinh ngạc nhìn nàng. Vẻ mặt nàng không có gì chứng tỏ nàng nói đùa, cũng không phải do nóng nảy, tức tối.
- Vì em thấy rõ ràng, tình yêu giữa chúng ta không còn nữa. Hôn nhân lúc này như sự ràng buộc. Ta ở bên nhau như một thói quen, nếu vậy ly hôn sẽ tốt hơn.
- Sao em nghĩ thế?
Nàng với tay lấy cuốn tạp chí gì đó, đọc một hơi: “Tỷ lệ ly hôn cao chứng tỏ sự phát triển của xã hội và tôi rất mừng vì điều đó. Đấy là một bước tiến bộ chứ không phải thụt lùi. Mặt khác, tỷ lệ ly hôn ở thành phố cao hơn vì người thành phố được trang bị văn hóa, kiến thức hơn nên họ không dễ tha thứ, không dễ bỏ qua, không dễ nhường nhịn, có gì đó là họ ly hôn ngay, điều này quá văn minh”.
Nghe nàng đọc xong, dù đang bực, tôi cũng không nhịn được cười, nàng ngơ ngác nhìn tôi:
- Tác giả nói đúng mà!
Tôi cười thêm một hồi nữa rồi nói:
- Tác giả không phải nhà khoa học nên nói đúng hay sai không quan trọng. Anh ấy là nghệ sĩ, nên phát biểu của anh ấy chỉ là một cách làm nghệ thuật, tức là gây “sốc”, gây “tranh cãi”, hoặc đùa cho vui… Nếu chỉ vì muốn học theo anh ta mà em đòi ly hôn, thì… thật ngớ ngẩn!
- Em biết phát biểu của anh ấy chỉ thể hiện quan điểm của anh ấy, nhưng cũng có phần đúng. Em thấy bây giờ người ta ly hôn rất nhiều… - nàng tiếp.
- Nghe anh nói đây! Phát biểu của anh ta rất không chính xác. Thứ nhất, con người trang bị nhiều kiến thức hơn, có văn hóa hơn, là để có thể thông cảm được với nhau hơn, từ đó họ biết nhường nhịn, biết bỏ qua và tha thứ cho nhau.
Chỉ có những đầu óc tăm tối, cái tôi to đùng mới cố chấp và không có khả năng thông cảm cũng như tha thứ hay nhường nhịn.
Thứ hai, tỷ lệ ly hôn cao không phải là bằng chứng rằng xã hội đã phát triển. Anh lưu ý thêm rằng, có lẽ anh ấy nói về sự phát triển tinh thần chứ không phải phát triển vật chất. Sự phát triển vật chất được đo theo các tiêu chí thu nhập đầu người, thu nhập quốc gia… chứ không đo bằng tỷ lệ ly hôn.
Ở những nước phương Tây, tự do hôn nhân thoáng hơn mình rất nhiều, họ cũng không đánh giá sự phát triển bằng tỷ lệ ly hôn mà là tỷ lệ kết hôn muộn, hoặc không kết hôn.
Em nhớ nhé, không phải tỷ lệ ly hôn! Ly hôn chỉ là kết quả của đời sống hôn nhân đầy bi kịch đến không chịu nổi, hoặc khi ở bên nhau không còn cảm thấy vui vẻ hạnh phúc nữa nên ly hôn, và điều đó không thể là tiêu chuẩn đánh giá rằng đời sống tinh thần phát triển!
- Vậy…vậy… vì sao ngày nay nhiều người ly hôn thế… - nàng bắt đầu dao động. Và đây là cuộc đối thoại của chúng tôi:
- Có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể nói ly hôn là chỉ dấu của sự tiến bộ, nó là bằng chứng về sự khủng hoảng lòng tin và nhận thức.
Ngày nay người ta không còn tin vào tình yêu, và do đó họ càng không biết rằng, tình yêu là thứ tình cảm cần nỗ lực, cần vượt thử thách, cần trải nghiệm và cũng như mọi thực thể tồn tại khác, nó có cả thời kỳ khủng hoảng, ví dụ như anh và em lúc này chẳng hạn.
Nhưng tình yêu vẫn ở đó, nó không chết. Vấn đề là chúng ta nên vượt qua thế nào thôi! Chúng ta có thể vẫn yêu nhau mà không cần kết hôn, có ai buộc chúng ta kết hôn đâu. Nhưng rồi chúng ta vẫn kết hôn, vì sao vậy?
- Đây cũng là điều em thắc mắc, sao người ta lại kết hôn để rồi ly hôn?
- Em nhớ phim Chuyến tàu 123, một phim hành động của Mỹ mà anh và em cùng xem không?
- Em nhớ, phim ấy hay thật! Nhưng sao?
- Vậy em nhớ chi tiết gã khủng bố hỏi anh chàng điều vận nhà ga về việc anh ta ăn tiền hoa hồng của người Nhật khi ký hợp đồng mua đầu máy của họ, rồi bị công ty kỷ luật không?
Gã hỏi rằng: “Anh có kể với vợ việc đó không?”. Anh điều vận trả lời: “Có, tôi kể mọi chuyện với cô ấy!”. Gã khủng bố lại hỏi: “Đó là vì tình yêu nhỉ?”. Anh điều vận trả lời: “Không, đó là hôn nhân, khác nhau đấy”.
Ý của anh điều vận muốn nói rằng: “Hôn nhân là trách nhiệm. Với đời sống gia đình, trách nhiệm còn quan trọng hơn cả tình yêu”, và em nên nhớ đó là phim Mỹ, nó phản ánh tinh thần người Mỹ, tinh thần tự do tuyệt đối đấy nhé!
|
Ảnh minh họa |
- Em hiểu là trách nhiệm, nhưng ta đang nói vì sao người ta cần kết hôn cơ mà?
- Em biết, ở phương Tây, người ta kết hôn muộn, hoặc thậm chí cứ ở với nhau nếu yêu nhau, nhưng không kết hôn, bởi vì người ta quý tự do và không muốn ràng buộc.
Người ta chỉ kết hôn khi nhận ra rằng, ngoài tình yêu, người ta muốn sống có trách nhiệm với nhau. Em nên nhớ, sống có trách nhiệm với ai đó cũng là một nhu cầu. Họ muốn có trách nhiệm thật sự với nhau, với con cái mà họ cùng nhau sinh ra, bởi vậy, khi một cuộc hôn nhân đã đến hồi bi kịch, tình cảm với nhau đã cạn, họ chia tay, và sự chia tay đó là bắt buộc chứ không vui vẻ gì.
Tất nhiên, trừ những cặp kết hôn dễ dàng vì bồng bột, vì tình cảm sốc nổi và hời hợt thì họ dễ dàng ly hôn.
Anh muốn nói rằng, chúng ta chỉ ly hôn khi cuộc sống bên nhau không thể chịu đựng thêm, tình thương cũng như trách nhiệm với nhau đã tiêu vong và nó là nỗi buồn...
- Vậy, những điều tác giả bài viết…
- Chỉ có giá trị “gây tranh luận”, chấm hết! Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng đối với những người tin ở anh ta… như em chẳng hạn! Anh có lời khuyên, khi kết hôn đó là do ý muốn của em, thì khi ly hôn, hãy lắng nghe chính trái tim mình, đừng nghe ai cả…
Vợ tôi nín lặng. Tôi đoán nàng sẽ suy nghĩ rất lâu, thậm chí hết ngày, hết tuần, nhưng nàng sẽ không đề nghị ly hôn nữa.
Biên kịch Đỗ Trí Hùng