Kết hôn có yếu tố nước ngoài : Đã rối, càng thêm rối!

28/02/2014 - 06:46

PNO - PN - Không chỉ riêng khoản 4, điều 6, Thông tư 22/2013/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định (NĐ) 24/2013/NĐ-CP làm khó cho dân, gây lúng túng các cơ quan hữu quan, mà việc xin đăng ký...

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo điều khoản này, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (đồng thời có quốc tịch nước ngoài) phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó có quốc tịch cấp và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Điều này hoàn toàn mới so với nội dung của các NĐ số 68/2002/NĐCP, NĐ số 69/2006/NĐCP, NĐ số 06/2012. Các NĐ này đã bị bãi bỏ theo tinh thần của NĐ 24.

Ket hon co yeu to nuoc ngoai : Da roi, cang them roi!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết: “Điều khoản này thật sự gây khó khăn cho công dân lẫn cán bộ tư pháp. Do quy định không rõ ràng “cơ quan có thẩm quyền” là cơ quan nào nên công dân có quốc tịch nước ngoài không xin được giấy chứng minh tình trạng hôn nhân ở nước họ. Thông tư cũng yêu cầu công dân đó phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, nhưng không quy định đó là UBND xã, phường như NĐ 158/2005/NĐ-CP và xã phường đó có phải là nơi cư trú ở Việt Nam của công dân ấy trước khi định cư ở nước bạn không? Khi thông tư có hiệu lực, Sở Tư pháp TP.HCM lập tức nhận được phản hồi: nhiều công dân không xin được giấy chứng minh tình trạng hôn nhân. Chỉ tính riêng ba ngày 17, 18 và 19/2, với 61 hồ sơ ĐKKH, đã có đến 38 đối tượng là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài cần bổ sung giấy chứng minh mà không biết phải xin ở đâu”.

Cũng theo ông Vũ, đến ngày 24/2, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, cơ quan này đồng ý cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trên, nhưng công dân có nhu cầu ĐKKH đâu chỉ định cư tại Hoa Kỳ, vì vậy, Sở vẫn phải yêu cầu dân chờ… hướng dẫn từ Bộ.

Ngoài ra, cán bộ tư pháp đã phát hiện vài trường hợp công dân có hai quốc tịch, “lanh trí” giấu bớt một passport để khỏi xin hai giấy xác nhận. Hộ chiếu họ giấu thường là hộ chiếu mang quốc tịch Việt Nam vì thủ tục xin giấy xác nhận của Việt Nam khó hơn nước bạn.

Trở lại khoản 4, điều 6 về việc cấp giấy xác nhận đã được tư vấn, hỗ trợ kết hôn, người dân có nhu cầu phải theo lộ trình: đến Sở Tư pháp làm thủ tục, trường hợp nào rơi vào khoản 4, điều 6, sẽ sang Trung tâm (TT) để được tư vấn và cấp giấy. Quy trình này, theo nhiều cán bộ Hội LHPN các tỉnh là không tiến bộ so với cách mà Hải Dương, Tây Ninh đang làm.

Bà Vũ Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hải Dương khẳng định: “Cái gọi là được TT tư vấn và cấp giấy theo thông tư này chỉ là cách hợp thức hóa thủ tục. Từ 2008, công dân của Hải Dương ĐKKH có yếu tố nước ngoài đều qua Sở Tư pháp để được hướng dẫn thủ tục, sau đó, qua TT để được tư vấn, học những lớp tiền hôn nhân nhằm hiểu biết văn hóa, phong tục, trau dồi thêm ngôn ngữ của nhau. Song song, họ làm các giấy tờ cần thiết để cuối cùng lấy phiếu đã được tư vấn, hướng dẫn do TT cấp trở về Sở Tư pháp ĐKKH. Tôi được biết, Tây Ninh cũng làm theo quy trình đó, vừa chặt chẽ, vừa thật sự có thể kiểm soát được những trường hợp rơi vào trường hợp thứ ba (là trường hợp “chưa hiểu biết hoàn cảnh...” rất phổ biến) của khoản 4, điều 6 mà Thông tư 22 quy định”.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập trong bài báo trước, hiện có 18 TT Hỗ trợ, tư vấn hôn nhân có yếu tố nước ngoài do các Hội LHPN tỉnh, thành quản lý. Trong đó, chỉ có hai TT của tỉnh Hải Dương và Cần Thơ có đủ chức năng, thẩm quyền cấp giấy xác nhận đã được tư vấn, hỗ trợ kết hôn theo tinh thần Thông tư 22, 16 TT còn lại đang xin giấy phép thành lập, hoặc chuyển đổi chức năng hoạt động. Vậy, công dân có hoàn cảnh rơi vào khoản 4, điều 6 của thông tư này có thể đến Hải Dương hay Cần Thơ xin cấp giấy xác nhận không? Nhiều cán bộ Hội LHPN khẳng định họ cũng không biết! Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Hải Dương và Cần Thơ khẳng định họ sẵn sàng tư vấn, nhưng họ không chắc sở tư pháp các tỉnh khác có chấp nhận giấy xác nhận của họ không. Bà Dương Thị Xuân, Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Sắp tới, Trung ương Hội sẽ có công văn hướng dẫn chi tiết”.

Theo nguồn tin của Báo Phụ Nữ, nhiều tỉnh thành có TT Hỗ trợ, tư vấn hôn nhân là nhờ dự án của nước ngoài hỗ trợ thành lập và chỉ tư vấn cho các cô dâu Việt chuẩn bị lấy chồng tại đất nước đầu tư dự án, chẳng hạn, Cần Thơ chỉ tư vấn về văn hóa, phong tục, hiểu biết về đất nước, con người Hàn Quốc, Đài Loan. Vậy, nếu cô dâu Việt rơi vào khoản 4, điều 6 khi lấy chồng ở Pakistan, Hoa Kỳ, Pháp, Ấn Độ… thì sẽ thế nào?

 Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI