Đạo đức và trung thực là những gì cựu Tổng thống Park Geun-hye từng “chào hàng” như là thế mạnh lớn nhất của mình, những phẩm chất này không bao giờ cần phải nghi ngờ.
|
Cựu Tổng thống Park Geun Hye |
"Tôi không có gia đình để chăm sóc, hoặc con cái để giao lại tài sản”. Câu nói nổi tiếng trên được bà Park dõng dạc tuyên bố trong diễn văn tranh cử cuối cùng của mình vào ngày 18/12/2012. Một ngày sau đó, bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Cử tri còn nhớ lời bà - "Người dân đất nước này là gia đình duy nhất tôi có, và hạnh phúc của nhân dân là lý do duy nhất để tôi làm chính trị”.
Năm năm sau, bà bị bỏ tù vì tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, và những cáo buộc khác khiến bà bị lật đổ năm 2017. Tòa án trung tâm quận Seoul hôm 6/4 kết án cựu Tổng thống Park Geun Hye 24 năm tù giam với 16 tội danh.
Tháng này, người Hàn Quốc chứng kiến thêm sự sụp đổ của một cựu lãnh đạo đất nước. Ông Lee Myung-bak, người tiền nhiệm của bà Park, bị bắt với một loạt cáo buộc tham nhũng, tập trung vào nghi vấn ông sở hữu một công ty phụ tùng ôtô đình đám, và em trai ông hiện đang điều hành công ty này.
Cụ bà Kim Jeong-hee, 71 tuổi, ở quận Wangsimni phía đông Seoul, cho biết: "Thật là khó tin khi hai vị cựu Tổng thống bị đi tù”. Bà nói rằng hai vợ chồng bà cảm thấy như “bị phản bội” vì họ đã bỏ phiếu cho hai vị này, “nhưng nếu họ làm điều gì sai trái, họ đáng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình như bất cứ ai trong chúng tôi”.
|
Các cựu Tổng thống Hàn Quốc bị truy tố tội tham nhũng, từ trái qua phải: Lee Myung-bak, Roh Moo-hyun, Roh Tae-woo, Chun Doo-hwan và Park Geun-hye - Ảnh: Yonhap |
Bà Park và ông Lee là những nhân vật mới nhất trong danh sách cựu tổng thống Hàn Quốc phải đối mặt với điều tra hình sự khi không còn là tổng thống.
Cố Tổng thống Roh Moo-hyun bị thẩm vấn năm 2009 liên quan đến vụ bê bối tham nhũng dính líu đến gia đình ông. Vụ điều tra được khép lại sau khi ông Roh Moo-hyun tự sát tháng 5 năm đó.
Các cựu Tổng thống Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo, những người nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 1979 và cai trị đất nước từ thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, bị kết án tội tham nhũng. Sau đó, họ được Tổng thống Kim Young-sam ân xá năm 1997. Ông Kim và người kế nhiệm Kim Dae-jung cũng chứng kiến con trai mình bị buộc tội nhận hối lộ.
Các vụ bê bối chính trị liên quan đến bà Park và ông Lee trở thành động lực để Hàn Quốc tiến hành sửa đổi Hiến pháp và tổng thống chế.
Đa số người Hàn Quốc đồng ý về việc cần phải sửa đổi Hiến pháp theo hướng hạn chế tập trung quyền lực quá mức vào Tổng thống. Tuy nhiên, đây vốn là một vấn đề khó khăn, vì theo Hiến pháp, người đứng đầu đất nước có ảnh hưởng đến hầu hết các bổ nhiệm trọng yếu của chính phủ và các quyết sách của chính quyền.
Yoo Yong-wha, nhà phân tích chính trị và giáo sư thỉnh giảng Đại học Đối ngoại Hankuk, nói: "Một tổng thống có thể bổ nhiệm đến 7.000 người vào các chức vụ khác nhau trong một nhiệm kỳ 5 năm”.
Ông gọi đó là “siêu quyền lực không thể tin nổi của tổng thống”, vì không ai có thể nhớ nổi 7.000 con người để giao chức vụ cho họ.
Hiến pháp Hàn Quốc được sửa đổi lần cuối vào năm 1987 nhằm khôi phục việc trực tiếp bầu tổng thống. Đó là bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc sau khi luật cơ bản bị các nhà cầm quyền độc đoán phế bỏ để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống và thâu tóm quyền lực.
"Chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội đặt câu hỏi và suy nghĩ về chế độ tổng thống của chúng ta", Yu Chang-seon, bình luận viên chính trị, nói. Theo ông Yu, do thiếu kiểm tra và cân bằng hiệu quả nên đã tạo ra nhiều kẽ hở cho các phụ tá tổng thống lợi dụng quyền lực của mình.
Ông nói: "Nếu không phải là tổng thống, thì luôn luôn có các thành viên gia đình, các trợ lý và những người khác gần gũi với tổng thống lạm dụng quyền lực vì lợi ích riêng của họ”.
|
Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun (đầu tiên bên phải) chủ tọa một cuộc họp với các nhà lãnh đạo ba chính đảng lớn để thảo luận đề xuất sửa đổi Hiến pháp của chính phủ - Ảnh: Yonhap |
Chính phủ tự do của Tổng thống Moon Jae-in và Quốc hội hiện đang tranh cãi về cải cách hiến pháp đã quá hạn.
Một cuộc điều tra gần đây của Gallup Korea cho thấy 55% người trả lời cho biết sửa đổi Hiến pháp là "cần thiết", trong khi chỉ có 32% phản đối.
46% đồng ý với nhiệm kỳ tổng thống bốn năm và 65% nói Hàn Quốc cần tổ chức trưng cầu dân ý song song với cuộc bầu cử địa phương vào tháng Sáu.
Chính phủ của ông Moon Jae-in muốn tổ chức trưng cầu trong thời gian diễn ra bầu cử thị trưởng và tỉnh trưởng sắp tới, nhưng các đảng đối lập muốn trưng cầu tổ chức vào cuối năm.
Bản sửa đổi do chính phủ đề xuất kêu gọi thay đổi nhiệm kỳ tổng thống từ 5 năm lên tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp bốn năm.
Bình luận viên Yu Chang-seon nói: "Trao cho Quốc hội quyền đề cử Thủ tướng và cho phép Tổng thống nắm quyền phủ quyết có thể là một giải pháp”. Ông cũng nói chính phủ và Quốc hội cần tăng cường phối hợp hành động để không bỏ qua các cơ hội chính trị của đất nước.
Hoàng Diệu (Theo Yonhap)