Kết bạn với robot ở tuổi xế chiều

23/07/2024 - 06:00

PNO - Tại Nhật Bản - đất nước có tuổi thọ cao nhất thế giới nhiều năm liền - máy móc công nghệ được “nhân tính hóa” đang là một phần của lời giải cho bài toán chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Giúp giảm nhẹ cảm xúc cô đơn, cải thiện khả năng vận động và ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức cho người già là 3 tiêu chí quan trọng của lĩnh vực nghiên cứu robot ở Nhật Bản. Suốt hàng thập niên, quốc gia này không ngừng tìm kiếm giải pháp công nghệ để ứng phó với tình trạng già hóa dân số. Giờ đây, robot đã trở thành người bạn của người già ở các cơ sở dưỡng lão, bệnh viện.

Thời đại của “robot xã hội”

Bên trong viện dưỡng lão Shintomi thuộc trung tâm TP Tokyo, các “nhân viên” robot tân tiến đang làm việc song hành với đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng viên. Nổi bật trong số này là Pepper - mẫu “robot tương tác xã hội” được đánh giá có đặc tính nhân cách hóa thành công nhất hiện nay. Có chiều cao hơn 120cm, di chuyển trên một phần đế vững chắc, chú robot sở hữu ngoại hình giống một quân cờ vua màu trắng, gương mặt đáng yêu như nhân vật hoạt hình.

Người cao tuổi ở viện dưỡng lão Shintomi, Tokyo, tương tác cùng robot trị liệu PARO - Nguồn ảnh: ELPAIS
Người cao tuổi ở viện dưỡng lão Shintomi, Tokyo, tương tác cùng robot trị liệu PARO - Nguồn ảnh: ELPAIS

2 lần/tuần, Pepper thực hiện 1 buổi phát nhạc trước khoảng 20 cụ già tại viện dưỡng lão. Những bản nhạc được yêu thích từ 50 năm trước trở nên sôi động hơn nhờ chuyển động cánh tay linh hoạt, thanh thoát như đang múa phụ họa của robot. Có người khẽ gõ nhịp theo tiết tấu bài hát. Vài cụ bà tươi cười, giơ tay bắt chước động tác múa ngộ nghĩnh của Pepper. Lát sau, mọi người lại được nhân viên điều dưỡng cùng Pepper hướng dẫn tập thể dục nhẹ theo nhạc.

Pepper là thành tựu kế thừa hoàn hảo kỹ thuật chế tạo hàng điện tử của Nhật Bản, vốn được xem là hiện đại bậc nhất thế giới. Ngành robot học nói riêng và công nghệ nói chung giúp ích rất lớn khi đất nước Đông Á này đang chật vật vì số lượng người cao tuổi tăng đến mức báo động đỏ. Theo dự báo mới nhất, trước năm 2070, dân số 126 triệu người của Nhật Bản hiện thời sẽ giảm còn 87 triệu, trong đó có 4/10 người ở độ tuổi trên 65.

Khi nhiều người lớn tuổi có xu hướng sống một mình, khó lòng tự chăm sóc bản thân hay nuôi thú cưng để bầu bạn, cơ hội của các sản phẩm điện tử phục vụ xã hội bắt đầu xuất hiện. Năm 1999, Sony ra mắt chú chó robot AIBO, cái tên mang ý nghĩa “bạn đồng hành”. Trải qua 6 thế hệ, ngày nay AIBO được hoàn thiện hơn nhiều từ tạo hình đến chức năng, trở nên quen thuộc và nổi tiếng khắp nước Nhật.

Phiên bản cải tiến mới nhất của AIBO có khả năng nhận diện khuôn mặt, phản ứng khi được chạm vào, vuốt ve. AIBO cũng có thể ghi nhớ thói quen, sở thích của người dùng nhằm tạo ra hành xử tương ứng hợp lý. Tại viện Shintomi, thường xuyên có thể thấy hình ảnh một nhóm người già quây quần bên một chú robot nhỏ dáng vẻ hoạt bát. Cách AIBO thuần thục nghiêng đầu, vểnh tai, sủa và chơi đùa hệt như một chú chó thật khơi gợi sự thích thú, yêu mến từ mọi người.

Xoa dịu nỗi lo sức khỏe

Bề ngoài cứng, lạnh của Pepper và AIBO được xem như điểm yếu và đang có những thiết kế robot mang lại xúc cảm dễ chịu, ấm áp. PARO là ví dụ thành công nhất ở Nhật Bản. Được tạo hình mô phỏng chân thật một chú hải cẩu Greenland có bộ lông trắng muốt, mềm mại, robot khẽ cử động khi được ôm vào lòng, tạo âm thanh thủ thỉ như một đứa trẻ và nhìn bạn bằng đôi mắt to tròn, trong sáng. Theo các nghiên cứu, phản ứng thư giãn, dịu dàng PARO có thể hỗ trợ tốt cho các bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh Alzheimer, mất trí nhớ hay bệnh lý khác liên quan đến suy giảm nhận thức. Kỹ sư, giáo sư Takenori Shibata - “cha đẻ” của PARO - nhấn mạnh: robot đã “được chứng thực khả năng giúp giảm liều lượng sử dụng thuốc điều trị với một số căn bệnh về suy giảm nhận thức ở người cao tuổi”.

Bên cạnh robot tương tác, các viện dưỡng lão như Shintomi đang áp dụng các hệ thống số hóa phân tích chất lượng giấc ngủ và chất lượng sinh hoạt của người cao tuổi. Bên cạnh đó, để giúp người già gặp khó khăn về đi lại, họ dùng thiết bị “khung xương ngoài” - một dạng máy bao bọc phần chi dưới nhằm trợ lực và kích thích cơ bắp vận động.

Mako Kubota là giám đốc điều hành công ty phúc lợi xã hội Ryusei Fukushikai (trụ sở tại Osaka). Đơn vị này đã ứng dụng công nghệ phức tạp vào hoạt động chăm sóc y tế ở các nhà dưỡng lão suốt 10 năm qua. Bà chia sẻ góc nhìn về xu hướng công nghệ này: “Thiết bị như khung xương ngoài và robot làm tròn 2 nhiệm vụ quan trọng là trợ giúp tinh thần và thể chất người cao tuổi. Chúng được phát minh bởi con người, để đỡ đần cuộc sống cho con người, vốn là một mục tiêu không hề đơn giản”.

Bà Mako Kubota nhấn mạnh rằng đang có nhiều người cao tuổi, nhất là phụ nữ, bày tỏ mong muốn được robot chăm sóc sức khỏe: “Lý do chính là vì họ không muốn thành gánh nặng cho con cháu”.

Như Ý (theo ELPAIS)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI