Kết bạn với con trên 'phây', tưởng dễ lắm sao!

23/03/2017 - 15:58

PNO - Sống cùng con ngoài đời thật, và không buông tay con trên mạng ảo, có như vậy mới có thể đảm bảo sự an toàn cho trẻ trước mê lộ cuộc đời nhiều bất ngờ…

Bơi một mình trong biển công nghệ thông tin

Ket ban voi con tren 'phay', tuong de lam sao!
 

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: internet

Cùng là giáo viên, nhưng vợ chồng cô Thiên Thanh không am tường nhiều về công nghệ. Có hai con gái ở tuổi teen, nhưng hai vợ chồng đã bỏ ngỏ việc quan tâm sâu sát trên “mặt trận” internet. Hoàn toàn không chơi facebook, không rành zalo, viber, instagram, nên họ đã bỏ qua một – con – người – khác của con trên mạng ảo.

Ẩn sau bàn phím là một đứa trẻ  hoàn toàn xa lạ, không ngoan hiền, nhút nhát, trầm tính như những gì hai con gái đã thể hiện trước mặt gia đình. Và, hai em dễ dàng qua mặt cha mẹ khi lên mạng chat chit – tán gẫu, nhưng lại ngụy trang bằng những lý do: đang tìm tài liệu, nghiên cứu…Mãi đến khi nhận được điện thoại từ… công an, yêu cầu lên bảo lãnh con, hai vợ chồng mới tá hỏa.

Hóa ra, theo bạn theo bè, hai đứa con của cô Thanh cũng tham gia vào việc hẹn nhau trên “phây” ra phố đi bộ giải quyết ân oán giang hồ. Về nhà, nóng nảy cắt hết toàn bộ “mạng mẽo”, vợ chồng cô Thiên Thanh tưởng đã an toàn. Nào ngờ, hai đứa con rủ nhau cúp cua, lang thang ngoài tiệm net. Lại bị người xấu dụ dỗ, tham gia trò “cứu net”.

Một lần nữa, cô Thiên Thanh lại phải tìm đến công an bảo lãnh con về. Lắc đầu ngán ngẩm, cô Thanh tâm sự: “Sao tôi ngán mấy cái hiện đại… hại điện này quá sức. Thời tôi với ổng đâu có mấy trò này. Nói ra thì người ta cười, chứ thiệt tình tôi không biết phây búc phây biết là cái gì. Giờ mọi người biểu mình phải mở tài khoản, kết bạn với con trên đó. Tưởng dễ lắm sao…”.

Tưởng dễ lắm sao! Vâng, đã có vô số ông bố bà mẹ than thở trên trang mạng cá nhân về vấn đề con không chịu kết bạn với mình trên facebook. Hoặc trẻ miễn cưỡng kết bạn nhưng chọn chế độ hạn chế trong bài viết, cài phụ huynh vào “danh sách đen”, cha mẹ cũng vô phương không biết con mình đang làm gì, nghĩ gì trong căn nhà bí mật của chúng.

Đã có rất nhiều ông bố bà mẹ bất lực với con khi chúng ở giai đoạn tuổi dậy thì. Con thay đổi hẳn, không còn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng như trước kia. Chướng, lầm lầm lì lì, cộc cằn, thô lỗ. Đó là những biểu hiện của tuổi teen khiến cha mẹ bị sốc. Muốn tiếp tục nắm tay con để đồng hành thì chúng đã tạo hố sâu ngăn cách bằng nhiều cách, trong đó có công nghệ thông tin – một hố sâu khó vượt qua!

“Thử hỏi em, chị suốt ngày ở nhà nội trợ thì cần gì có facebook?”. Chị Ngọc Hạnh than thở. Mãi cho đến khi có chuyện động trời: cậu con trai vốn học rất giỏi bỗng thi rớt nguyện vọng 1 vào lớp 10 khiến cả nhà chưng hửng. Tra khảo thì Mạnh Dũng, con chị, một mực trả lời: bài khó, con làm không được. Một hôm, khi đứa cháu họ cho chị xem facebook của Dũng, chị đã ngồi phịch xuống đất, ôm đầu, kêu Trời.

Ket ban voi con tren 'phay', tuong de lam sao!
 

Hóa ra, cô gái mà Dũng thích có sức học kém, nên cậu cố tình bỏ mấy câu hỏi trong đề thi để có thể đậu cùng ngôi trường mà cô bé ấy chọn. Sau sự cố chấn động này, chị Hạnh cũng mày mò nhờ cháu mở tài khoản “phây”. Nhưng Dũng một mực không kết bạn với mẹ, nên chị Hạnh cũng bỏ ngôi nhà ảo mốc meo, không sử dụng vào việc gì.

Tình thương chỉ lối…

Khó thì phải tìm cách. Đó là kim chỉ nam của chị Nam Phương. Nhìn bạn bè xung quanh nhiều người rơi vào bi kịch cũng chỉ vì ba cái “mạng mẽo”, chị Phương âm thầm đăng ký học lớp vi tính ở nhà văn hóa. Rành rẽ một chút, chị chủ động nhờ con lập tài khoản facebook, instagram. Thấy cái gì hay hay, chuyện tình cảm nhẹ nhàng, bộ quần áo hợp mốt, chị “se” (share – chia sẻ) về, nói con vào trang của mẹ mà xem.

Từng ngày từng ngày, mỗi ngày một chút, vậy mà mưa dầm thấm lâu. Rồi Như Ngọc chủ động kết bạn với mẹ. Chị cũng hết sức tâm lý, những khi đọc bài tâm sự của con có chứa nhiều tâm trạng, chị im lặng, không làm một động thái gì hết. Không “lai”, chẳng “còm”, vờ như chưa thấy. Chị chỉ âm thầm nấu cho con một món ăn ngon.

Tranh thủ cuối tuần hai mẹ con đi chợ, siêu thị. Nhẹ nhàng vậy, mà con chị thủ thỉ hết mọi chuyện với mẹ. Lắng nghe, thấu hiểu, chị không đưa ra lời phán xét hay trách cứ. Vì điều con cần ngay lúc ấy chỉ là sự chia sẻ. Mọi lời khuyên nhủ, dạy dỗ, chị Phương dành dịp khác mới tỉ tê trò chuyện cùng con.   

Hay như cụ ông Nguyễn Phương Quế (Q. Gò Vấp), 76 tuổi hiện vẫn theo học lớp công nghệ thông tin. Hàng ngày, cụ vẫn duy trì thói quen lên mạng xem tin tức, cập nhật thời sự, sử dụng thành thạo facebook, yahoo… Không để mình bị tụt hậu, mỗi ngày cụ Quế dành hai đến bốn tiếng đồng hồ truy cập facebook để học bài.

Thật sự, khoảng cách thế hệ là có thật. Và khoảng cách ấy có được rút ngắn hay không hoàn toàn dựa vào sự chủ động từ phía người lớn. Vì chúng ta có nhiều sự am hiểu, kinh nghiệm và quan trọng là với tình thương, sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách.

Để đồng hành cùng con trẻ trên chặng đường dài nhiều điều mới mẻ nhưng cũng không ít rủi ro, cám dỗ hay cạm bẫy. Sống cùng con ngoài đời thật, và không buông tay con trên mạng ảo, có như vậy mới có thể đảm bảo sự an toàn cho trẻ trước mê lộ cuộc đời nhiều bất ngờ…

Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI