Ngôi nhà của NSƯT Trường Sơn nằm gần cuối con hẻm Đình Cầu Quan (nay là đình Thái Hưng) Q.1. Đây là ngôi nhà cuối cùng của gia tộc bầu Thắng – Minh Tơ còn hiện hữu ở nơi đã từng lưu dấu thời vàng son của gia tộc từ cách đây gần một trăm năm.
Trưởng thành từ “lò luyện”
Ngày tôi đến nhà NSƯT Trường Sơn cũng là ngày diễn ra Lễ Kỳ Yên ở đình Cầu Quan. Ông nói gần 10 rồi lễ Kỳ Yên ở Đình Cầu Quan mới nhộn nhịp, đông vui như vậy. Gần 10 nay, sau phần nghi lễ, các NS mới lại cùng nhau ca diễn để phụng cúng đình và cùng ôn lại những ký ức không bao giờ quên của cả gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ ở ngôi đình này.
|
NSƯT Trường Sơn thời trẻ
|
Lâu lắm rồi nơi đây mới lại rộn rã tiếng trống, tiếng đờn, tiếng ca… Con hẻm nhỏ hôm đó bỗng nhộn nhịp, đông vui khác lạ. Âm thanh từ phía trong đình đã đưa NSƯT Trường Sơn trở về với ký ức của hơn nửa thế kỷ trước. Quá khứ như những thước phim quay chậm qua lời kể của NSƯT Trường Sơn.
Là con trai nghệ sĩ Bảy Đực - tay trống xuất sắc của gánh hát Vĩnh Xuân – Khánh Hồng (sau đổi thành gát hát hồ quảng Minh Tơ – Khánh Hồng) - mới 7, 8 tuổi cậu bé Trường Sơn đã được học hát ở nhóm Đồng ấu Minh Tơ. Đồng môn khi đó của Trường Sơn là Thanh Tòng, Bửu Truyện, Xuân Yến, Thanh Loan, Bo Bo Hoàng, Thành Tốt, Vũ Đức, Thanh Hoàng…
Thời đó, đại gia đình Khánh Hồng – Minh Tơ cùng ăn, cùng ngủ ở ngôi đình Cầu Quan. Mỗi gia đình nhỏ chia nhau một khoảng không gian dưới gầm sân khấu. Người lớn muốn “về nhà” đều phải khom mình vì cái gầm sân khấu rất thấp. Trẻ con, dù là con bầu gánh hay con của đào kép hát đều có chung một kỷ luật như nhau. Tất cả đều phải đi học chữ ở trường. Ngoài giờ học thì cùng nhau học ca, học diễn, học võ, học vũ đạo…
Kỷ luật dành cho các cô cậu đào kép nhí luôn luôn là kỷ luật thép. Trong giờ tập, ai lơ là, chểnh mảng ca trật nhịp, múa võ, đứng tấn sai thế là bị ăn đòn liền tức thì. Lạ một điều, ai cũng sợ đòn tê tái, nhưng so ra giữa bị đòn và bị đuổi ra khỏi hàng, không được học cùng bạn bè thì… thà bị đòn còn hơn.
Thời đó, ở Đồng ấu Minh Tơ, mới hơn 10 tuổi, anh kép nhí Trường Sơn và Thanh Tòng đã được giao cho đảm nhận nhiều vai diễn quan trọng trong các tuồng Hồ Quảng: Lữ Bố, Triệu Tử Long, Châu Du, Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, Trịnh Ân, Tống Nhơn Tôn, Bao Công…
Nhưng đó là chuyện trên sân khấu, khi rời sàn diễn đó, tất cả đào kép nhí lại học chung những bài học khác. Trong một đêm hát, tất cả các khâu đều quan trọng như nhau, kể cả hậu đài hay dàn bao. Thế hệ của ông ngày xưa phải bắt đầu từ những công việc chuẩn bị cho một đêm hát. Chuyển cảnh, chạy cờ, làm sân khấu… ai cũng phải rành rẽ. Người lớn dạy họ là nghệ sĩ không chỉ có biết diễn mà phải biết tất cả mọi việc khác có liên quan đến sân khấu, đêm diễn… để khi ra nghề mình hiểu đã làm đúng hay sai và để không ai có thể ăn hiếp được mình.
"Chúng tôi được học mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc. Thậm chí có khi đi lấy nước để người lớn uống, chúng tôi phải đi bằng các động tác vũ đạo. Phải làm sao để nước không đổ khi di chuyển. Bị ăn đòn nhiều nhất là khi tập võ và tập ca. Bị đòn rất đau nhưng sau những lần đó, chúng tôi tự biết rèn mình để không bao giờ lập lại sai lầm. Cứ vậy, chúng tôi trưởng thành và luôn thầm cảm ơn các bậc tiền bối đã trang bị cho chúng tôi sự vững vàng, tự tin để có thể hoá thân vào tất cả các dạng vai, tính cách nhân vật trên sân khấu” – giọng NSƯT Trường Sơn run run khi nhắc lại những ký ức đã xa.
NSƯT Trường Sơn và cha - NS Bảy Đực
|
Thành danh nhờ kép độc
Những bức ảnh đã hoen màu treo gần kín vách tường của ngôi nhà nhỏ. Đó là những ký ức tuyệt vời của gia đình NSƯT Trường Sơn. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về một vai diễn để lại nhiều dấu ấn của các thành viên trong gia dình ông.
Hào hứng “khoe” tấm hình Huỳnh Công Lý (vở Trung thần), ông nói đây là vai kép độc mới nhất của ông. “Thành công với các vai kép độc như một cơ duyên may mắn của tôi, bởi từ khi mới bắt đầu được học nghề, tôi đã được cha và thầy chỉ dạy nếu theo nghề hát thì không bao giờ được phân biệt vai chính phụ, lớn nhỏ. Một kép hát giỏi phải là người có thể hoá thân thành tất cả các nhân vật và có đủ khả năng biểu diễn để khán giả quên hình ảnh người nghệ sĩ mà chỉ còn nhớ tới nhân vật trên sân khấu”- ông cười, giọng cười giòn tan, ấm áp.
|
NSƯT Trường Sơn vai Triệu Đà |
Hơn nửa thế kỷ theo nghề hát, NSƯT Trường Sơn đã có một bộ sưu tập các vai diễn đáng nể: Nguyễn Địa Lô (Cánh nhạn mù sương), Tôn Thất Thuyết (Giai nhân dũng tướng), Tô Hiến Thành (Tô Hiến Thành xử án), Bao Công (Bao Công vô lò gạch, Bao Công xử án Ngọc Tuyền), Hoàng Phi Hổ (Hoàng Phi Hổ quy châu), Đổng Thừa (Tờ huyết thệ), Lý Đạo Thành (Câu thơ yên ngựa), Vương Tư Đồ (Phụng Nghi Đình), Tổng Kỳ (Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ), Châu Du và Ngô Tôn Quyền (Cầu hôn giang tả), Kiết Bình (Mã Siêu báo phu cừu), Dương Nghiệp (Dương Gia Tướng), Ngũ Tử Tư (Giang sơn và mỹ nhân), Dương Sở Thành (Thái Bình công chúa)…
Nhưng, chẳng biết từ bao giờ hễ nhắc đến kép độc của cải lương, trong danh sách các kép độc nổi tiếng một thời không bao giờ thiếu tên NSƯT Trường Sơn với các vai diễn Bàng Hồng (Xử án Bàng Quí Phi), Bàng Đức (Bao Công đại chiến Bàng Đức), Phạm Khanh (Thanh gươm nữ tướng), Tô Định (Tiếng trống Mê Linh), Huỳnh Công Lý (Trung thần)...
NSƯT Trường Sơn dí dỏm: “Chắc tại tôi đóng “kép dê” thấy ghê quá nên khán giả ấn tượng”.
Bao nhiêu năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in “sự cố” xảy ra thời ông còn trai trẻ trên sân khấu đình Cầu Quan: “Hồi đó hát tuồng chủ yếu hát cương theo tích truyện Tàu, mỗi ngày hát một đoạn trong các tích truyện nổi tiếng thời bấy giờ, nên tôi không còn nhớ rõ tên tuồng, tên nhân vật, chỉ nhớ đang diễn vai dê gái, tôi giật mình khi nghe tiếng chửi “thằng dịch dê xồm” sang sảng từ hàng ghế khán giả. Lúc đó đang hoá trang hát tuồng, chớ không chắc nhìn mặt tôi đỏ bừng vì những lời mắng nhiếc rất nặng. Thời còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, phải một chút sau tôi mới lấy lại bình tĩnh và tập trung cho nhân vật, nếu không chắc tôi đứng hình, khỏi diễn luôn”.
|
Vai Huỳnh Công Lý - vở Trung thần
|
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, sân khấu phản ánh những góc nhìn khác nhau về cuộc sống nên kép độc cũng không vai nào giống vai nào. Có cái ác lồ lộ ngay từ phục trang, hoá trang nhân vật, nhưng cũng có cái ác được nguỵ trang khéo léo, những mưu đồ tàn độc được mượn tay người khác thực hiện... Lấy điều đó làm “kim chỉ nam” khi đóng kép độc, NSƯT Trường Sơn không tự vẽ ra cho mình một khuôn mẫu kép độc nhất định.
Nhận một vai kép độc mới, ông “xoá” toàn bộ hình ảnh của những vai đã thể hiện để bắt đầu nghiên cứu tính cách, hoàn cảnh, bối cảnh… của nhân vật mới. Những ngăn kéo ký ức, trải nghiệm lại được mở ra, ông chọn lọc ở đó những chi tiết, gam màu phù hợp để phác hoạ nên chân dung cho nhân vật mới của mình. Từ đó, ông tiếp tục thổi hồn cho các vai diễn từ nhấn nhá trong cách ca, cách thoại lời; giọng cười, động tác vũ đạo đến lối diễn bằng mắt ánh mắt, nét mặt hoặc bằng hình thể…
Tự nhận mình không phải là người tài giỏi đến mức có thể “vẽ” mỗi nhân vật là một hình ảnh khác biệt, nhưng NSƯT Trường Sơn nói ông có đủ tự tin để mỗi khi bước ra sân khấu diễn vai kép độc, khán giả sẽ không có cảm giác “đã xem NS Trường Sơn diễn vai giống vậy ở một tuồng khác”.
|
NSƯT Trường Sơn đang hướng dẫn con cháu tập tuồng
|
Không nhớ từ bao giờ, NSƯT Trường Sơn có thói quen hay lân la nghe ngóng xem mình đã bị khán giả “ghét” cỡ nào mỗi khi đóng vai kép độc. Hỏi cắc cớ: “Nghệ sĩ chỉ muốn được khán giả yêu thương, còn ông lại muốn bị khán giả ghét. Nghe có vẻ rất… lạ”, ông trả lời mà như đang nhắc với chính mình: “Với người nghệ sĩ, điều quan trọng nhất là phải làm tốt vai diễn của mình, dù chính hay phụ, dù hiền lành hay gian ác. Vai kép độc càng bị khán giả ghét càng thành công. Khán giả càng ghét nhân vật thì càng nhớ mình lâu hơn. Cởi bỏ xiêm y, áo mão, trở về với cuộc đời, mình cố gắng sống cho thật tốt. Cái yêu, cái ghét của khán giả, bạn bè, đồng nghiệp… dành cho mình khi đó mới thực sự quan trọng”.
Thảo Vân