Tạo lễ hội để thu hút khách...
Mới sáng sớm, nhưng quán cháo bò Thủy Đen ở huyện Tri Tôn đã đông nghẹt khách phương xa về xem và cổ vũ lễ hội đua bò Bảy Núi. Chị Thủy Đen (chủ quán) cho biết: “Năm nay lễ hội đua bò diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi do mưa kéo dài. Dù vậy, vẫn có hàng chục ngàn người ở đồng bằng sông Cửu Long, các miền ngoài và khách quốc tế tìm đến. Nhờ đó mà các hàng quán ăn uống và nhiều dịch vụ khác bán rất đắt khách. Riêng quán cháo bò của tôi phải nấu nhiều hơn ngày thường khoảng 4-5 lần mới đủ bán…”.
Ông Trần Minh Giang - Phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn - tiết lộ: “Để “kéo” du khách phương xa, nhất là khách nước ngoài đến Bảy Núi ngày càng nhiều, qua mỗi lần tổ chức lễ hội, chúng tôi đều cố gắng tạo thêm cái mới”. Năm 2023, ngoài việc nâng tính hấp dẫn của 56 đôi bò tham gia thi đấu, địa phương còn phối hợp tổ chức biểu diễn mô tô địa hình, cùng các trò chơi dân gian của đồng bào Khơ Me, các chương trình văn nghệ, hoạt động triển lãm… phục vụ nhu cầu vui chơi của du khách. Nhờ đó, mà số lượng người đến Bảy Núi liên tục tăng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
|
Du khách quốc tế đến xem đua bò Bảy Núi |
Lần đầu đến cổ vũ lễ hội đua bò Bảy Núi, anh Aymeric Laporte (người Tây Ban Nha) tỏ ra thích thú. Anh bộc bạch: “Đợt này tôi sang Việt Nam du lịch, may mắn trùng vào lễ hội đua bò Bảy Núi, nên được bạn bè giới thiệu về đây xem. Tôi thấy bà con người dân tộc Khơ Me rất tự hào về lễ hội độc đáo này. Có dịp tôi sẽ quay trở lại để cổ vũ và thưởng thức những món đặc sản của vùng Bảy Núi như gà đốt, bánh bò đường thốt nốt…”.
Cuối tháng 10/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp với UBND huyện Châu Phú tổ chức ngày hội mùa nước nổi lần thứ nhất năm 2023 ở vùng xả lũ (thuộc xã Thạnh Mỹ Tây). 2 ngày hội đã thu hút rất đông người dân và du khách đến cổ vũ đua xuồng, trải nghiệm, thưởng thức đặc sản mùa nước nổi. Nhiều du khách thích thú được bơi xuồng ba lá hái cà na, thăm đồng lúa nước, đi cầu tre bắt vịt, bắt cá, chụp ảnh trên các bè nổi…
Ông Nguyễn Văn Bé Tám - Phó chủ tịch UBND huyện Châu Phú - cho biết: “Ngày hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân vùng đầu nguồn đã bao đời gắn bó với mùa nước nổi; đồng thời mong muốn quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước nét văn hóa đặc sắc của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch”.
|
Lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến xem, cổ vũ… |
Gần đây, mỗi khi đến An Giang, du khách đều muốn ghé lại ngã ba sông Châu Đốc để check-in “làng bè sắc màu”. Tại đây có hơn 160 bè nuôi cá được phủ sơn đủ màu rực rỡ, sinh động. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, nuôi cá bè là nghề truyền thống góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhằm tăng cường quảng bá, thì việc “thay áo mới” cho làng bè để du khách đến tham quan, tham gia vào hoạt động nuôi cá, câu cá, vớt cá… sẽ rất thú vị. Nơi này được kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm, khám phá…
Hướng đến phát triển căn cơ, bền vững
Theo UBND tỉnh An Giang, những năm qua, tỉnh luôn tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư, phát triển nhiều loại hình dịch vụ. Song song đó, hạ tầng phục vụ du lịch liên tục được đầu tư hoàn thiện; công tác quản lý ở các điểm tham quan du lịch được cải thiện, từ đó thu hút được nhiều du khách đến với An Giang.
Ước tính cả năm 2023, toàn tỉnh đón khoảng 8,3 triệu lượt khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.700 tỉ đồng. Du lịch đang phát triển thành kinh tế mũi nhọn theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc…
|
Giải đua xuồng mùa nước nổi - một sản phẩm du lịch mới của tỉnh An Giang trong năm 2023 |
“Tới đây, An Giang sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá; khai thác hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng bảo vệ môi trường nhằm hướng tới bền vững; chủ động thực hiện liên kết vùng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để tăng lượng khách đến An Giang. Đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn chất lượng chung của cả nước, từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Tỉnh An Giang sẽ cơ cấu ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh và phương châm “lấy trải nghiệm du khách làm trung tâm”. An Giang cũng sẽ chủ động thực hiện có hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong phát triển du lịch; đảm bảo đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế…” - một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho hay.
Là địa phương đóng vai trò chủ lực trong phát triển du lịch của tỉnh, ông Lâm Quang Thi - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Châu Đốc - chia sẻ: “Chúng tôi đang khai thác và phát huy thế mạnh về du lịch tâm linh để kéo du khách đến với Châu Đốc ngày càng nhiều hơn. Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, còn có thêm thuận lợi là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia núi Sam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận khu du lịch quốc gia núi Sam là khu du lịch cấp quốc gia.
Trên cơ sở đó, UBND TP Châu Đốc xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đến năm 2030, được UBND tỉnh An Giang phê duyệt, và đang lập hồ sơ khoa học trình UNESCO xem xét công nhận lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngoài ra, TP Châu Đốc còn đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm về dịch vụ, du lịch như: khu văn hóa tâm linh cáp treo núi Sam, công viên văn hóa núi Sam, dự án khách sạn 5 sao, dự án khu đô thị The New City, khu vui chơi công viên nước Hải Đến… Về hạ tầng giao thông cũng đã hoàn chỉnh các tuyến đường đến điểm du lịch, đồng thời tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng kỹ thuật, nhằm phát triển Châu Đốc trở thành đô thị du lịch thông minh…”.
UBND tỉnh An Giang cho biết, đang khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng, phát triển khu, điểm du lịch, điểm tham quan, cơ sở ăn uống và mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, gắn với điểm thông tin tư vấn và hỗ trợ khách du lịch, kết hợp trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, đặc trưng của địa phương. Khuyến khích sản xuất các mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương có thương hiệu, tiện lợi trong việc giới thiệu và phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong nước và quốc tế… |
Huỳnh Trọng