Kẹo kéo ông Tám

03/10/2013 - 07:50

PNO - PN - Khi trống trường vang lên báo giờ ra chơi, tiếng chuông leng keng quen thuộc của ông Tám cũng cất lên như thúc giục đám học trò chạy ra phía cổng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chiếc xe đạp của ông Tám cũ kỹ, không rõ màu sơn gì. Sườn xe có lẽ đã yếu nên ông Tám cập thêm vào đó khúc gỗ. Trên xe, ông Tám đặt chiếc mâm kẹo kéo. Cạnh mâm là bàn quay số bằng gỗ. Trên mặt gỗ, ông Tám viết sơn đỏ từ số không tới số 10. Mỗi lần mua kẹo, chúng tôi chìa ra 500đ rồi bắt đầu quay số. Cây kẹo dài ngắn tùy thuộc vào con số dừng lại chỗ miếng cao su đỏ. Trò may rủi này khiến chúng tôi vừa hồi hộp vừa thích thú, nên dù mua hay không, chúng tôi cũng tụ tập xem quay số. Khi tiến gần số không, cả bọn như nín thở và vỗ tay hò reo khi sắp tới số 10. Quay vào số lớn, sẽ được ông Tám kéo cho khúc kẹo dài hơn. Kẹo kéo dẻo ngọt, ở giữa có hạt đậu phộng giòn rụm, đứa nào cũng thích. Có khi quay trúng số không, nhìn vẻ mặt tiu nghỉu của đứa trẻ, ông Tám không nỡ, liền cho nó miếng kẹo nhỏ. Hoặc có đứa mới cắn một miếng, cây kẹo rớt xuống đất, ông Tám cũng thương tình, cho cây khác.

Keo keo ong Tam

Ảnh: Internet

Ông Tám là thương binh, bị mất một chân. Có lúc ông Tám ngồi xuống gốc bàng, tháo cái chân giả ra cho đỡ mỏi. Hình ảnh thật ấn tượng với tôi ngày ấy. Cái chân bằng gỗ bóng nước sơn. Nhìn đầu gối cụt, nhăn nhúm sẹo, tôi thấy thương ông quá.

Có lần, ông Tám vừa lập cập lên xe, một chiếc xe máy chạy vụt qua, tông ông ngã nhào. Chiếc chân giả văng ra giữa đường, mâm kẹo bay xuống vũng nước. Người kia vét túi chỉ có mấy đồng lẻ, ông Tám cũng không nỡ lấy. Hôm sau, thấy cái chân giả của ông được nẹp thêm miếng gỗ. Ông bảo vừa nặng, vừa khó đi, nhưng không có tiền làm chân mới. Lại thấy thương ông nhiều hơn.

Mỗi lần đi qua trường cũ là tôi lại nhớ hình ảnh già nua, hiền hậu của ông Tám nơi cổng trường. Không biết bây giờ ông Tám ở đâu, còn hay mất?

 NGUYỄN VĂN ĐỨC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI