“Kéo” học sinh người Mông trở lại trường sau tảo hôn

22/10/2024 - 06:02

PNO - Để học sinh không bỏ học sau tảo hôn, các lực lượng chức năng ở vùng cao Nghệ An phải tìm đến tận nhà vận động các em trở lại trường.

Vợ chồng đưa nhau đi học

Sau nhiều lần được giáo viên cùng các lực lượng chức năng đến tận nhà vận động, em Mùa Y.L. (học sinh lớp Tám, Trường phổ thông DTBT THCS Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã trở lại trường học. Hơn 1 tuần trước, nữ sinh này quyết định nghỉ học để kết hôn.

Chính quyền xã Na Ngoi cùng giáo viên, lực lượng biên phòng tới nhà vận động một cặp vợ chồng mới học lớp Bảy và lớp Tám trở lại trường học - Ảnh: Bá Chỏ
Chính quyền xã Na Ngoi cùng giáo viên, lực lượng biên phòng tới nhà vận động một cặp "vợ chồng" mới học lớp Bảy và lớp Tám trở lại trường học - Ảnh: Bá Chỏ

Lãnh đạo Trường phổ thông DTBT THCS Na Ngoi cho biết, sau khi biết lý do L. nghỉ học, các giáo viên đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tới nhà vận động nữ sinh này tới trường học. Thời gian đầu, L. nhất quyết không đồng ý với lý do “không thích học nữa” và để đi làm. Phải sau nhiều lần phân tích thầy cô những cái được, mất của việc nghỉ học lấy chồng sớm, L. mới đồng ý trở lại trường học.

Trước L., một nữ sinh lớp Bảy và một nam sinh lớp Tám cũng quyết định nghỉ học sau khi đã thành “vợ chồng”. Dù không tổ chức đám cưới, song khi được làm vía theo phong tục của người Mông, Xồng Y.P. (học sinh lớp Bảy) chính thức trở thành “ma nhà người ta”. P. về nhà chồng là nam sinh lớp Tám cùng trường. Sau một thời gian nghỉ học, cặp “vợ chồng nhí” này đã cùng nhau trở lại trường khi giáo viên và chính quyền đến tận nhà vận động.

“Năm nào trường cũng phối hợp với công an, viện kiểm sát, các cơ quan đoàn thể để tuyên truyền về tảo hôn. Thậm chí đưa các hình ảnh thực tế về những trường hợp học sinh đang tuổi ăn, tuổi học giờ phải vừa bế con, vừa lên rẫy làm việc để nói về những vất vả của việc lấy chồng sớm nhưng vẫn không thể xóa bỏ được tình trạng tảo hôn” - lãnh đạo Trường phổ thông DTBT THCS Na Ngoi nói.

Lực lượng chức năng phân tích những thiệt thòi khi bỏ học đi làm sớm để vận động học sinh tảo hôn trở lại trường - Ảnh: Bá Chỏ
Lực lượng chức năng phân tích những thiệt thòi khi bỏ học đi làm sớm để vận động học sinh tảo hôn trở lại trường - Ảnh: Bá Chỏ

Xã Na Ngoi có hơn 90% dân số là đồng bào người Mông, sống rải rác dưới chân núi Puxailaileng - đỉnh núi cao nhất Bắc Trường Sơn với khoảng 2.720m, quanh năm mây mù bao phủ. Những năm qua, dù chính quyền địa phương đã “mạnh tay” xử phạt, song nhận thức pháp luật còn hạn chế, phong tục tập quán đã ăn sâu bám rễ trong cộng đồng và quan niệm nên kết hôn sớm để có thêm nhân lực lao động trong gia đình nên hủ tục tảo hôn vẫn không có dấu hiệu giảm ở xã rẻo cao này.

Xử phạt vẫn không giảm

Phần lớn học sinh tảo hôn đều nghỉ học, kéo nhau vào miền Nam mưu sinh, con cái sinh ra đều được giao lại cho ông bà ở quê nhà chăm sóc. Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, từ năm 2023 huyện Kỳ Sơn đã kết hợp công tác tuyên truyền và triển khai xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm.

Ông Lầu Bá Chỏ - Phó chủ tịch UBND xã Na Ngoi - cho biết, năm 2023, xã này có 58 trường hợp tảo hôn. Mỗi trường hợp tảo hôn bị xử phạt 2 triệu đồng. Song mức phạt này dường như chưa đủ sức răn đe, hủ hục tảo hôn ở Na Ngoi vẫn tái diễn và không có dấu hiệu giảm trong năm 2024.

Phần lớn các cặp vợ chồng trẻ ở xã Na Ngoi đều gửi con nhỏ cho ông bà chăm sóc để vào miền Nam làm thuê - Ảnh: Phan Ngọc
Phần lớn cặp vợ chồng trẻ ở xã Na Ngoi đều gửi con nhỏ cho ông bà chăm sóc để vào miền Nam làm thuê - Ảnh: Phan Ngọc

Trong số 58 trường hợp tảo hôn ở xã Na Ngoi năm 2023, chỉ có 2 trường hợp tiếp tục đi học. “Năm ngoái có 2 trường hợp chúng tôi phát hiện sớm, nên yêu cầu các cháu không được về nhà chồng, không được ở chung với nhau. Sau đó gia đình 2 bên cũng đồng ý chỉ hứa hôn, đợi các cháu học xong, đủ tuổi mới cho lấy nhau. Năm nay các em đã về nhà chồng nên chúng tôi chỉ có thể kết hợp với lực lượng biên phòng, nhà trường đến nhà vận động các em tiếp tục đi học” - ông Chỏ nói.

Thực trạng này đang diễn ra ở nhiều xã vùng cao Nghệ An. Ông Lương Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) - cho biết, tình trạng tảo hôn ở xã dù đã giảm so với trước đây, song rất khó để loại bỏ hủ tục này. “Cái khó nhất là nhận thức của người dân. Nhiều lúc mình cũng chỉ có thể nỗ lực tuyên truyền chứ không dám làm căng, sợ lỡ xảy ra chuyện thì mệt” - ông Hoa nói.

Bà Vi Thị Loan - viên chức dân số xã Môn Sơn - cho biết, năm 2023, xã Môn Sơn có 7 cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi. Từ đầu năm 2024 đến nay đã có 8 cặp, trong đó có 5 trường hợp đang mang thai hoặc đã sinh con.

Làm mẹ đơn thân ở tuổi 16

Ở tuổi 16, Nguyễn Thị Huyền L. (trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã trở thành mẹ đơn thân. L. sinh ra không biết mặt cha, nên lấy họ mẹ. Năm L. tròn 2 tuổi, mẹ để L. lại cho bà ngoại chăm sóc rồi đi lấy chồng. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, L. học đến lớp Chín rồi nghỉ học ra Hà Nội làm thuê.

Làm được 9 tháng, L. được phát hiện có thai khi bụng to bất thường. Không biết cha đứa bé là ai, bà ngoại của L. phải đưa cháu về quê nhà chăm sóc. Ít tháng trước, L. sinh con trai đầu lòng.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI