“Kéo” học sinh nghèo xuống núi học nghề

18/04/2025 - 06:15

PNO - Được miễn học phí, cam kết 100% có việc làm sau khi ra trường, nhiều học sinh nghèo ở vùng cao Nghệ An quyết định xuống núi học nghề sau tốt nghiệp THCS thay vì bỏ học đi làm rẫy, vào miền Nam xin việc…

Có nghề, công việc ổn định

Sau gần một năm xuống núi học nghề, đôi bàn tay chai sạn vì nương rẫy ngày nào của Vi Thị Anh Thơ - 16 tuổi, trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn - đã thuần thục với chiếc mỏ hàn, tự tin kiểm tra và hàn mạch điện tử trong giờ thực hành. Nữ sinh kể, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từng nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn liền với nương rẫy như bao bạn bè. Nhưng rồi Thơ đã chọn lối đi khác.

Phần lớn nữ sinh vùng cao xuống phố học nghề đều chọn ngành điện tử
Phần lớn nữ sinh vùng cao xuống phố học nghề đều chọn ngành điện tử

Mang theo ước mơ đổi đời, Thơ rời bản làng xuống Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (TP Vinh) học nghề điện tử. Em bộc bạch: “Ở bản em, đa số chỉ học hết lớp Chín rồi đi làm rẫy, lập gia đình. Một số người đi làm nhưng cũng được vài năm rồi bỏ về vì quá vất vả. Em muốn học một nghề để có công việc ổn định hơn”.

Trực tiếp thực hành trên những chiếc ô tô, Xeo Văn Nam (16 tuổi, trú xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn) cho biết em chưa từng nghĩ sẽ theo học ngành công nghệ ô tô vì cho rằng nghề này chỉ phù hợp với “người thành phố”. Khi được thầy cô tư vấn, Nam mới quyết định thử sức. “Không chỉ em mà các bạn trong lớp đều rất thích thú, nỗ lực học tập để sau này có nghề nghiệp ổn định” - Nam nói.

Cũng như Nam, ngày mới xuống Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc theo học ngành cơ khí chế tạo, Khăm Kiều An (16 tuổi, trú xã Yên Na, huyện Tương Dương) còn nói chưa sõi tiếng Việt. Song với quyết tâm học lấy cái nghề, sau vài tháng An đã bắt nhịp với cuộc sống mới, say sưa học tập. An dự tính sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm để tích lũy vốn và kinh nghiệm rồi về quê mở xưởng sửa chữa máy cho dân bản.

Là một trong những nữ sinh tiên phong xuống phố học nghề điện tử, Lô Thị Ngọc Ánh (20 tuổi, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) cho biết, đã có việc làm ổn định tại một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương 13-14 triệu đồng/tháng. Ánh chia sẻ: “Tôi thấy mức lương này quá tốt với người mới ra trường. Công việc cũng đỡ vất vả hơn so với làm nương rẫy”.

Năm 2020, Lượng Minh là xã đầu tiên ở tỉnh Nghệ An liên kết với Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đào tạo nghề cho học sinh theo mô hình 9+ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Đến nay, hơn 40 học sinh đã tốt nghiệp và có việc làm ở khu công nghiệp hoặc công ty nước ngoài, mức lương từ 11-14 triệu đồng/tháng.

Không chạy số lượng

Lượng Minh từng được biết đến là khu vực ma túy ở miền Tây Nghệ An. “Bão” ma túy càn quét qua khiến bản làng xác xơ, gia đình ly tán… Ông Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lượng Minh - cho hay, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, thiếu sự quan tâm của phụ huynh… nên tỉ lệ học sinh bỏ học hằng năm ở trường từng rất cao. Giáo viên đến nhà vận động học sinh đi học, nhiều phụ huynh còn nói chỉ cần học đến lớp Bảy, lớp Tám biết chữ là được rồi.

Sau nhiều trăn trở, ông “bắt tay” với Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc nhằm đào tạo học sinh sau tốt nghiệp THCS theo hệ 9+ liên thông trung cấp lên cao đẳng. Sau 3 năm học, học sinh vừa có bằng THPT vừa có bằng kỹ sư thực hành.

Ông đánh giá: “Việc kết hợp học nghề với học văn hóa THPT là giải pháp thiết thực, giúp các em vừa được học tập, vừa có tay nghề khi tròn 18 tuổi. Lúc đó, các em sẽ dễ xin việc, và có mức lương tốt. Hiện học sinh 2 khóa đầu tiên đã ra trường và có việc làm ổn định, lương cao nên các em lớp dưới nhìn vào để học theo. Tỉ lệ học sinh bỏ học vì thế cũng giảm rất nhiều”.

Đến nay, mô hình này đã được nhiều trường ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn áp dụng. Kỳ Sơn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Tỉ lệ học sinh ở huyện biên giới này học hết cấp III rồi thi vào đại học chỉ chiếm 0,5%. Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn - thông tin: “Huyện đã ký hợp tác với 2 trường để đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS. Năm nay, các em đăng ký học rất đông, nhưng các trường chỉ đưa ra chỉ tiêu khoảng 200 em”.

Ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc - cho biết, hằng năm, trường phối hợp với chính quyền các địa phương về tận trường THCS tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực học sinh và nhu cầu xã hội.

Trường đang liên kết với hơn 50 doanh nghiệp để học sinh vừa có điều kiện thực tập vừa tạo cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Sau đào tạo, đủ 18 tuổi, ngoài làm việc ở các doanh nghiệp trong nước, học sinh còn có cơ hội làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Số lượng sinh viên ra trường hằng năm hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Được miễn học phí, hỗ trợ ăn ở và cam kết có việc làm sau khi tốt nghiệp nên số lượng học sinh đăng ký học nghề sau THCS ngày một cao. Theo ông Hồ Văn Đàm, đây là giải pháp rất phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn lao động.

“Tuy nhiên, chúng tôi không tuyển sinh ồ ạt và cũng đề nghị chính quyền địa phương định hướng cho học sinh một cách phù hợp. Chỉ những học sinh có hoàn cảnh quá khó khăn, không thể tiếp tục học THPT thì nên chọn giải pháp này” - ông nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI