PNO - Đối với người dân Á Đông, con rồng là biểu tượng của sự uy nghiêm, sức khỏe và thịnh vượng. Hình ảnh con rồng không thể thiếu trong ngày tết âm lịch, đặc biệt là khi năm Giáp Thìn sắp đến.
Món kẹo râu rồng có màu trắng hoặc ngà, sợi mảnh, ôm trọn phần nhân làm từ đậu phộng giã và hạt mè rang thơm - Nguồn ảnh: Valerie Leung/Richmond News
Ngọt ngào kẹo râu rồng
Trong nhiều năm, một nhóm khách thường xuyên xếp hàng chờ đợi vào mỗi buổi sáng tại quầy bán kẹo thủ công ở trung tâm mua sắm Aberdeen, thành phố Richmond (Canada) khi mùa lễ hội tết Nguyên đán bắt đầu. Họ giữ chỗ để mua kẹo râu rồng. Đây là món truyền thống bắt nguồn từ Trung Quốc, nổi tiếng với những sợi kẹo màu trắng mỏng như tóc, ngọt ngào và bùi béo. Món ăn có vị như kẹo bông gòn nhưng nó còn chứa đầy đậu phộng, hạt mè và dừa vụn. Loại kẹo này được làm từ đường tan chảy, gấp lại rồi kéo căng nhiều lần. Tương truyền kẹo râu rồng xuất hiện từ thời nhà Hán, chỉ được đầu bếp triều đình làm và phục vụ cho hoàng đế tại những bữa tiệc chiêu đãi cấp quốc gia.
Kam Ng - bậc thầy làm kẹo râu rồng - đã làm món ngon này ở Metro Vancouver suốt hơn 30 năm. Trước đây, gian hàng kẹo của ông chỉ xuất hiện ở Richmond vào dịp tết Nguyên đán và khi chợ đêm Richmond mở cửa. Làm kẹo râu rồng là một truyền thống lâu đời và ông Kam đã được đào tạo để tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Ông cho biết: “Phải mất vài năm để thành thạo các kỹ năng và làm cho món kẹo trở nên hoàn hảo. Bạn phải kéo những sợi kẹo với một lực nhất định, quá mạnh tay có thể làm đứt chúng và quá nhẹ tay thì chúng không thể mỏng đều”.
Kẹo râu rồng làm từ đường hoặc si rô mạch nha đun sôi rồi để nguội cho đến khi đông đặc. Sau đó, nó được tạo hình thành một chiếc vòng tương tự bánh rán. Kế đến, người đầu bếp liên tục kéo căng và gấp chiếc vòng lại trong hộp đựng tinh bột bắp hoặc bột gạo cho đến khi nó biến thành những sợi tơ mỏng. Các sợi kẹo này được dùng để bọc phần nhân làm từ đậu phộng nghiền và hạt mè. Kết quả là món ăn có hương vị ngọt nhẹ, thơm và tan trong miệng. Quá trình làm kẹo râu rồng vừa là một màn trình diễn ấn tượng, vừa đem đến một trải nghiệm món ăn ngon lành. Nói cách khác, kẹo râu rồng thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tay nghề ẩm thực và vị ngọt vượt thời gian, khiến nó trở thành món ngon được yêu thích trong nền văn hóa châu Á.
Đồ chơi và đồ trang trí hình rồng “cháy hàng”
Thầy giáo Li Wei cắt giấy bằng con dao thủ công tại xưởng của anh ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) vào ngày 18/1/2024 - Nguồn ảnh: CFP
Một con rồng giấy đầy màu sắc gắn trên 2 thanh gỗ vừa là vật trang trí tuyệt vời cho tết Nguyên đán vừa là món đồ chơi thu hút nhiều trẻ em tại thành phố George Town, Penang (Malaysia). Với chiều dài 60cm, những con rồng giấy có thể gập lại đã gây ấn tượng với cả người lớn và trẻ em vào thời điểm năm Giáp Thìn sắp đến. Một chủ cửa hàng trang trí tên Son Jia Yi chia sẻ: “Con rồng bằng giấy có thể được đặt trong chậu hoa để trang hoàng cho ngôi nhà và cũng là món đồ chơi lễ hội tuyệt vời cho trẻ em. Chúng tôi có phiên bản lớn hơn, dài khoảng 1m nhưng nó không phổ biến như loại nhỏ vì đắt hơn”. Người chủ cửa hàng 35 tuổi cho biết, những đồ trang trí hình rồng có ý nghĩa đặc biệt trong năm nay.
Sở hữu cơ sở kinh doanh trong hơn 15 năm, cô Son cho hay, một số đồ trang trí như con rồng đỏ bằng nhựa thường treo ở lối vào nhà đã bán hết. Ngay cả các phong bao lì xì theo chủ đề rồng cũng “cháy hàng”. Mặc dù bao lì xì in hình rồng có giá đắt hơn, khách hàng dường như không bận tâm. Những mặt hàng khác được ưa chuộng không kém bao gồm giấy đỏ dán trên trái cây và ở lối vào nhà, đèn lồng và câu đối treo trên tường. Tất cả đều được coi là những thứ thiết yếu khi nói đến trang trí nhà cửa theo quan niệm của người Á Đông. Cô Son cho biết thêm: “Năm nay công việc kinh doanh thuận lợi và chúng tôi có thêm nhiều khách hàng. Không khí lễ hội náo nhiệt cho thấy mọi người đều muốn ăn mừng sau đại dịch COVID-19”.
Anh Ooi Chun Ping đến cửa hàng của cô Son cùng vợ và con trai. Người cha 33 tuổi đang làm việc trong lĩnh vực tiếp thị trên mạng xã hội nhận xét: “Các thiết kế rất sáng tạo. Đặc biệt, con rồng giấy thật thú vị. Chúng tôi đã mua nó cho con trai mình cùng một số đồ trang trí nhân dịp năm mới”.
Nghệ thuật cắt giấy hình rồng
Anh Ooi (phải) cùng vợ Agnes Tan và con trai Casper Ooi chơi đùa cùng món đồ chơi rồng giấy nổi tiếng tại một cửa hàng ở George Town, Penang - Nguồn ảnh: KT GOH/The Star
Bắt nguồn từ khoảng thế kỷ V, cắt giấy trang trí là một loại hình nghệ thuật cổ xưa của Trung Quốc. Qua nhiều thế hệ, những hình cắt bằng giấy thể hiện con vật chủ đạo của năm trong vòng tròn 12 con giáp thường xuyên xuất hiện trên cửa sổ mỗi nhà khi dịp tết âm lịch đến gần. Để chào mừng năm Giáp Thìn, một triển lãm cắt giấy có chủ đề về văn hóa rồng Trung Quốc đã khai mạc tại Bảo tàng Nghệ thuật Fengshang Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 1/2024. Chen Jing - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu di sản văn hóa và thiên nhiên tại Đại học Nam Kinh - cho biết: “Con rồng là biểu tượng truyền đời của người Trung Quốc, đại diện cho trí tuệ, lòng dũng cảm, sức mạnh, sự thịnh vượng và điềm lành”. Sau gần 1 năm chuẩn bị, triển lãm quy tụ khoảng 200 tác phẩm tinh xảo của 100 nghệ sĩ dân gian, chủ yếu miêu tả những con rồng với nhiều hình dáng và phong cách khác nhau.
Trong khi đó, ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), Li Wei - thầy giáo, đồng thời là người kế thừa nghệ thuật cắt giấy tại địa phương - dành hơn 20 ngày để tạo ra bức tranh cắt giấy bao gồm 100 kiểu chữ viết thể hiện từ “long - rồng”. Anh đã sử dụng kỹ thuật khắc giấy nhiều lớp đặc biệt của mình, bao gồm các công đoạn thiết kế, cắt, khắc, ủi, ép để đem đến những thiết kế độc nhất.
Tương tự, ở quận Jishan, thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), Li Yinjie - người thừa kế cấp thành phố về kỹ năng cắt giấy Jishan - đang bận rộn thực hiện các tác phẩm nghệ thuật cắt giấy để chào đón năm con rồng. Cô nói: “Tôi muốn bày tỏ hy vọng đất nước ngày càng thịnh vượng hơn và cuộc sống của mọi người hạnh phúc hơn”. Nghệ thuật cắt giấy Jishan có lịch sử lâu đời và được liệt kê là di sản văn hóa phi vật thể của thành phố vào năm 2018.
Trình diễn rồng bằng máy bay không người lái
Hình ảnh con rồng xanh làm từ máy bay không người lái trong màn trình diễn đêm giao thừa 2024 tại Busan (Hàn Quốc) - Nguồn ảnh: Yonhap
Vào ngày đầu tiên của năm 2024, thành phố Busan (Hàn Quốc) đã tổ chức buổi trình diễn máy bay không người lái (drone) thắp sáng bầu trời đêm với những tiết mục nghệ thuật rực rỡ. Ngoài việc chào đón năm mới 2024, buổi diễn còn đánh dấu năm con rồng sắp đến. Buổi biểu diễn bắt đầu khi hàng ngàn chiếc máy bay không người lái bay lên bầu trời phía trên bãi biển Gwangalli. Đột nhiên, một con rồng xanh xuất hiện trên bầu trời đêm. Thoát khỏi giấc ngủ, con rồng bay lên... Sau buổi diễn, người dân hân hoan chào đón năm 2024 với thông điệp: “Giấc mơ thành hiện thực”.
Tại Singapore, khu bờ sông vịnh Marina cũng sẽ tỏa sáng vào dịp tết Nguyên đán 2024 với màn trình diễn ánh sáng rực rỡ bằng máy bay không người lái. Với tiêu đề “Truyền thuyết vượt vũ môn”, 1.500 chiếc máy bay không người lái sẽ kể câu chuyện về cá chép hóa rồng trong màn trình diễn kéo dài 10 phút bắt đầu lúc 20 giờ các ngày 6, 10, 11, 16, 17 và 18/2. Câu chuyện dựa trên truyền thuyết về long môn nằm trên đỉnh thác, nơi những con cá chép đủ kiên trì bơi ngược dòng và thực hiện cú nhảy dũng cảm cuối cùng qua cánh cổng để biến thành một con rồng mạnh mẽ. Màn trình diễn được xem như lời chúc về một năm mới may mắn và thịnh vượng.