Kẹo đinh lăng, viên nang bưởi non “made in Vietnam”

10/01/2021 - 07:59

PNO - Hàn Quốc có kẹo nhân sâm, tại sao Việt Nam không tạo ra kẹo đinh lăng? Rồi những trái bưởi non bỏ đi có thể dùng làm gì?

 

Đó là những câu hỏi thôi thúc tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Hữu Lạc Thủy, giảng viên bộ môn hóa phân tích - kiểm nghiệm Khoa Dược Trường đại học Y Dược TP.HCM tìm lối ra cho người nông dân.

Cô Thủy kể, nhiều lần thấy bà con nông dân cắt bỏ bớt những trái bưởi non để giữ lại những quả trội hơn, cô dấy lên suy nghĩ: “Những trái bưởi non bị vứt bỏ rất nhiều, sao không tận dụng để tăng thu nhập cho bà con?”. 

Rồi trong một lần tình cờ đọc được bài báo của kỹ sư nông nghiệp Cổ Thanh Dũng về việc sử dụng vỏ bưởi non làm tinh dầu, nước dưỡng tóc, nước rửa chén, nước xịt rửa tay diệt khuẩn, nước khử mùi nhà vệ sinh, túi treo khử mùi xe hơi… thấy duyên đã đến, cô bắt tay hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, quyết để những trái bưởi non không còn là “kẻ vô dụng”.

Và từ những trái bưởi non xanh rì, đắng nghét, cô cùng sinh viên đưa vào thử nghiệm để cho ra sản phẩm dạng viên nang. Viên nang bưởi non chứa thành phần chính là pectin và bioflavonoid có tác dụng hỗ trợ giảm cân, trị gan nhiễm mỡ và giúp hạ mỡ một cách an toàn, hiệu quả.

Công trình nghiên cứu về viên nang bưởi non hiện đã vinh dự được chọn vào chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SV-STARUP 2020” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Nhiều lần đọc các báo cáo khoa học, cô Thủy thấy các nghiên cứu chứng minh tác dụng của cây đinh lăng không thua kém nhân sâm Hàn Quốc. “Tôi tự hỏi, Hàn Quốc có kẹo nhân sâm nổi tiếng thế giới, dù bán giá cao nhưng khách du lịch vẫn ưa chuộng, vậy tại sao Việt Nam lại không có kẹo đinh lăng?”, cô Thủy nhớ lại.

Công dụng của cây đinh lăng được nhắc đến nhiều trong nghiên cứu khoa học và y học cổ truyền.  Nếu sản phẩm kẹo đinh lăng được đưa ra thị trường thì hiệu quả kinh tế hứa hẹn mang lại không thua kém gì nhân sâm Hàn Quốc, chưa kể sẽ giúp bà con nông dân có thêm một loại cây trồng giá trị kinh tế cao. 

Cô Thủy lại cùng học trò ngày đêm nghiên cứu. Những viên kẹo đinh lăng ra đời có thành phần chính là cao được chiết xuất từ rễ cây đinh lăng kết hợp a-xít hữu cơ, đường ăn kiêng và phụ gia. Kẹo đinh lăng còn có tác dụng bổ sung những dưỡng chất tốt cho cơ thể, tăng lực và chống mệt mỏi.

Đề tài sản xuất kẹo đinh lăng đã đạt giải khuyến khích tại SV-STARUP 2020.

Từ khi kẹo đinh lăng và viên nang bưởi non được nghiên cứu bước đầu thành công, đã có một số nhà đầu tư sẵn sàng tài trợ để cô trò hoàn thành nghiên cứu ra sản phẩm, phục vụ người tiêu dùng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dự án sản xuất viên nang bưởi non thành công không chỉ có ý nghĩa đóng góp cho ngành dược Việt Nam mà còn giúp bà con nông dân nâng cao giá trị “nguyên liệu phế phẩm” này. Từ đó, nông dân có nguồn thu nhập tăng thêm, giải quyết được vấn đề chất thải ô nhiễm môi trường. 

Từ  khi còn là  sinh viên năm ba, cô Thủy đã được cô giáo của mình hướng dẫn nghiên cứu hai loài cây trị bệnh ung thư: đu đủ và trinh nữ hoàng cung. Từ đó, cô bén duyên với ngành dược và bị cây cỏ hút hồn. 

Trong 2 năm tới, nhóm nghiên cứu của cô Thủy sẽ trình làng viên nang bào tử linh chi - một sản phẩm tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể người. 

Đến bây giờ, sau hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu, cô Thủy vẫn luôn mong ước có phòng thí nghiệm riêng cho mình và sinh viên. Ở đó, những đề tài nghiên cứu không chỉ dừng lại ở bưởi non, đinh lăng hay linh chi mà sẽ là nhiều loại cây mang lại giá trị cao cho y học và nông nghiệp.

Đinh Tiên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI