Kéo dài thời hạn xử lý giúp số vụ ly hôn ở Trung Quốc giảm hơn 70%

19/05/2021 - 17:08

PNO - Số vụ ly hôn được ghi nhận ở Trung Quốc đã giảm hơn 70% kể từ khi áp dụng khoảng thời gian xử lý kéo dài, hay còn gọi là "giai đoạn hạ nhiệt" bắt buộc vào đầu năm 2021.

Theo số liệu thống kê do Cục điều tra Dân số Trung Quốc công bố, 296.000 vụ ly hôn được đăng ký trong quý đầu tiên của năm 2021, so với 1,06 triệu vụ trong quý cuối năm 2020 - giảm 72%. Mức giảm này vào khoảng 52% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 612.000 vụ trong quý đầu tiên của năm 2020.

Theo Bộ luật Dân sự mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, các cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn phải đợi 30 ngày sau khi nộp đơn lần đầu, trong thời gian này, một trong hai bên có thể rút đơn. Sau đó, họ phải nộp đơn lại khi hết thời hạn để cuộc hôn nhân được xem xét kết thúc.

Theo Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, tình trạng ly hôn đang gia tăng đều đặn ở Trung Quốc trong những năm gần đây, một phần do giảm kỳ thị xã hội và tăng quyền tự chủ cho phụ nữ, với hơn 70% các vụ ly hôn do người vợ gửi đơn.

Điều này làm dấy lên cảnh báo từ một số nhà hoạch định chính sách về xu hướng sắp tới. Buộc các nhà chức trách tìm cách khuyến khích mọi người sinh thêm con để đối đầu với một quả bom hẹn giờ nhân khẩu học tiềm năng.

Trung Quốc đang lo lắng trước tình trạng hôn nhân giảm, ly hôn tăng và sinh con giảm, những yếu tố đe dọa gây mất cân bằng dân số
Trung Quốc đang lo lắng trước tình trạng hôn nhân giảm, ly hôn tăng và sinh con giảm, những yếu tố đe dọa gây mất cân bằng dân số

Yang Zongtao, một quan chức của Bộ Nội vụ, cho biết trong một cuộc họp báo năm 2020: "Hôn nhân và sinh sản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tỷ lệ kết hôn giảm sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và xã hội".

“Giai đoạn hạ nhiệt” là một phần quan trọng của sự thúc đẩy này, cũng như khuyến khích người dân kết hôn và phụ nữ sinh con hơn là đi làm. Năm 2020, đã có báo cáo về các cặp vợ chồng vội vã ly hôn trước khi luật mới có hiệu lực.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất quy định giai đoạn như vậy. Pháp và Anh muốn các cặp vợ chồng muốn ly hôn phải suy nghĩ lại, bằng cách buộc cả hai phải chờ từ hai đến sáu tuần để cuộc hôn nhân của họ kết thúc.

Các quan chức Trung Quốc bảo vệ quy tắc mới, nói rằng nó giúp ngăn chặn các cuộc ly hôn "bốc đồng", và trong trường hợp bạo lực gia đình, các bên vẫn có thể kiện để ly hôn nhanh chóng tại tòa án.

Tuy nhiên, phương án này tốn thời gian và tốn kém hơn nhiều so với việc nộp đơn yêu cầu chấm dứt hôn nhân tại trụ sở chính quyền địa phương. Một báo cáo năm 2018 của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho thấy khoảng 66% các vụ ly hôn đã bị bác ngay trong phiên điều trần đầu tiên.

Chen Jiaji, một luật sư chuyên về ly hôn ở Thượng Hải, nói với tờ Sixth Tone: "Rất ít trường hợp ly hôn có thể được chấp thuận trong phiên tòa đầu tiên. Các vụ án ly hôn thường kéo dài ít nhất sáu tháng, trong khi những trường hợp phức tạp hơn có thể kéo dài một hoặc hai năm".

Dù vậy, nhiều báo cáo chỉ ra rằng “giai đoạn hạ nhiệt” không phải lúc nào cũng tốt. Khi một phụ nữ ở tỉnh Hồ Bắc được cho là bị chồng sát hại vào tháng Giêng năm nay, một số tài khoản trực tuyến đã liên kết cái chết của cô với quy định mới.

Tuần này, hai nhà chức trách địa phương có kế hoạch đình chỉ hoàn toàn việc đăng ký ly hôn vào ngày 20/5, một trong những ngày được xem như "Ngày lễ tình nhân của Trung Quốc".

Các quan chức ở các tỉnh Hồ Nam và Quý Châu tuyên bố không tiếp nhận đơn ly hôn vào ngày 20/5 – với cách đọc nghe tương tự như "I love you" trong tiếng Quan Thoại và đã trở thành một dịp phổ biến để các cặp vợ chồng ăn mừng. Dù vậy, họ đã đảo ngược quyết định sau khi có nhiều phản ứng trên mạng internet và báo chí nhà nước.

Linh La (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI