"Kéo co" với hổ trắng 9 tuổi ở Thảo Cầm Viên

13/02/2024 - 14:43

PNO - Tiếp theo hoạt động ngày mùng Một tết (10/2), vào mùng Bốn (13/2) hổ trắng 9 tuổi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã "kéo co" cùng khách tham quan.

Vào giờ ăn của hổ trắng, miếng thịt 1kg được cột vào dây thừng được đặt ở sân chơi của hổ. Thấy thịt là hổ vồ lấy, bên ngoài chuồng hổ nhóm 5-7 người thì kéo dây thừng, hổ cũng kéo dây thừng để giữ miếng thịt lại. Cuộc đọ sức giữa người và hổ này thu hút đông đảo du khách. Người lớn được trải nghiệm "tranh tài" với hổ, còn các bạn nhỏ thích thú reo hò xem trận đấu.

 

"Kéo co" với hổ trắng - Video: Mai Khắc Trung Trực

Ông Mai Khắc Trung Trực - Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn - cho biết: “Việc cho hổ kéo co được nhiều vườn thú áp dụng. Có nơi họ sử dụng bao bố nhồi rơm, lá cây làm vật kích thích hổ kéo, có nơi chỉ sử dụng hoàn toàn dây thừng hổ vẫn cắn và kéo. Ở Thảo Cầm Viên, chúng tôi lồng thịt vào sợi dây làm vật kích thích hổ kéo, việc này giúp hổ vận động cơ bắp rất nhiều. Có hôm hổ còn dùng cả chân trước để chặn dây lại trong khi miệng ngậm chặt thịt và rứt thịt ra khỏi dây’’.

Cũng theo ông Trực, trong quá trình thực hiện kéo, Thảo Cầm Viên có người cung cấp thông tin, hướng dẫn và điều tiết việc kéo co của du khách để đảm bảo an toàn cho cả du khách và động vật. Với hình thức kéo co này, động vật có quyền lựa chọn, nhiều hôm không muốn chơi hổ chỉ cắn một góc thịt, khi khách hoặc nhân viên kéo thì cục thịt tự động tuột ra khỏi dây, hổ ăn ngon lành trong khi du khách được một phen thích thú vì sự thông minh lém lỉnh của hổ.

Tết này ngoài kéo co, hổ còn có trò lấy thịt ra khỏi những đoạn ống nước treo cao, phải mở các hộp các tông tìm thịt... Đây cũng là cách mà tập thể nhân viên chăm sóc hổ giúp cho hổ trắng không thấy nhàm chán vì động vật cũng giống như trẻ em, chơi hoài 1 trò sẽ chán, hôm nào buồn, mệt sẽ không muốn chơi, vì thế phải liên tục thay đổi hình thức cho ăn.

Các hoạt động này là làm phong phú tập tính của các loài động vật hoang dã sống tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Các anh chị chăm sóc động vật đã ứng dụng rất nhiều bài học từ tổ chức The Shape of Enrichment và kinh nghiệm của các vườn thú trên thế giới để cho cuộc sống của động vật vườn thú không tẻ nhạt, phục vụ nhu cầu vận động, kích thích bản năng tự nhiên của chúng. Hổ cũng vậy, thay vì thức ăn bỏ vào trong máng như gà, heo công nghiệp thì thức ăn của hổ được treo, giấu... buộc chúng phải vận dụng các giác quan và sức mạnh cơ bắp giành lấy. Chương trình làm phong phú tập tính cho hổ được Thảo Cầm Viên áp dụng thường xuyên kể từ khi tiếp cận được với khái niệm này.

Hổ trắng trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh: Mai Khắc Trung Trực
Hổ trắng trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Ảnh: Mai Khắc Trung Trực

Cọp trắng này sinh năm 2015 tại Thảo Cầm Viên còn được gọi là cọp Bengal. Loài hổ này tìm thấy nhiều nhất ở Bangladet, Ấn độ, Nepal, Bhutan, miền Nam Tây Tạng. Đây là một loài quý hiếm, được liệt kê vào loài có nguy cơ diệt chủng do nạn săn bắt trộm.

Tết năm nay, Thảo Cầm Viên có nhiều hoạt động phục vụ du khách như: cho hồng hạc, vượn, chim nước ăn; xem cá sấu, rắn chúa ăn mồi; xem gấu, hổ ăn; riêng mùng Hai và mùng Bốn thì khách được xem gấu ăn kem đá. Ngoài ra, các bạn nhỏ có thể check-in vườn bướm gần 450m2 với hơn 1.000 con bay tung tăng trong không gian hoa nhiều màu sắc.

Xuân Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI