Kenny Ng sinh năm 1993, tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Nghệ thuật thị giác tại Đại học Mỹ thuật & Thiết kế Lesley, thuộc thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts. Sau bảy năm học tập và làm việc ở Mỹ, Kenny trở về Việt Nam, sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Những tác phẩm của Kenny thường mang tính trừu tượng, riêng tư và phong thái lãng mạn. Có thể kể đến một số tác phẩm từng được triển lãm tại Anh, Mỹ như: Kệ - A History of Now, Spotlight on Book Arts, Sheffield International Artist Book Prize…
Tháng 10/2018, Kenny có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Việt Nam, mang tên Vảy/ Mực, có sự kết hợp giữa nhiều chất liệu, từ màu nước, mực, nhũ vàng cho đến giấy màu và giấy hóa vàng - được mua từ Thái Nguyên - quê mẹ của anh. Một lần nữa, sự lựa chọn này cho thấy tình yêu của Kenny với các loại giấy truyền thống, kỹ thuật đồ họa, cũng như tâm thế hoài cổ trong kiến trúc và văn hóa Việt, gởi gắm trong đó ý niệm về mối quan hệ giữa trong và ngoài, giữa lớp vỏ hào nhoáng và diện mạo đang phản chiếu.
Tình yêu lớn dành cho… giấy
Phóng viên: Cơ duyên nào khiến bạn theo đuổi chuyên ngành nghệ thuật thị giác?
Kenny Ng: Ông nội tôi vốn là giáo viên dạy nhạc, yêu cái đẹp và ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Ông cũng là người duy nhất trong gia đình ủng hộ tôi theo đuổi nghệ thuật. Thời cấp III, trường tôi tổ chức một khóa học liên kết, nếu đăng ký sẽ có hai tuần sang Ý học in ấn đồ họa. Chuyến đi ấy đã thay đổi tôi. Ngoài việc được xem tranh ở các bảo tàng, nhà thờ lớn, chúng tôi còn được đến thăm xưởng in kẽm rất nổi tiếng ở Florence, được tham gia thực hành rất thú vị. Sau chuyến đi đặc biệt đó, thầy cô đã động viên, ủng hộ tôi theo đuổi ngành này.
* Có phải chuyến đi ấy đã đánh thức tình yêu của bạn dành cho các loại giấy truyền thống?
- Tình yêu này bắt đầu từ năm thứ ba ở đại học, khi tôi theo học một lớp về cách làm ra một cuốn sách, kỹ thuật đóng sách. Tôi phát hiện ra, sách có rất nhiều hình dạng và giấy không phải là vật thể đơn giản. Mình phải đo đạc, tính toán để có thể gấp bẻ, biến đổi nó. Tất cả những điều mới mẻ liên quan đến chất liệu giấy đã cuốn hút tôi.
* Vì sao bạn lại chọn kết hợp nhiều chất liệu trong các sáng tạo lần này?
- Tôi sử dụng nhiều chất liệu vì tính bổ trợ cao của chúng. Kỹ thuật in ấn đồ họa và đóng sách đòi hỏi dung hòa nhiều nguyên vật liệu, đặc biệt là giấy. Tôi thích sử dụng giấy trong công việc sáng tác vì tính tiện dụng và sẵn có, đặc biệt là các loại giấy đến từ châu Á như giấy dó của Việt Nam hay giấy kitaka của Nhật vì độ mỏng, khả năng hấp thụ mực khá tốt. Tôi dùng giấy vàng mã như một lời gửi gắm và tiễn đưa những tác phẩm của mình vào đời nhẹ nhàng, lãng mạn. Còn mực và màu nước, tôi chọn vì tính trong suốt của chúng.
Luôn khát khao hiểu về nguồi cội
* Điều gì ở kiến trúc thuộc địa, đền chùa cổ cuốn hút bạn?
- Tôi luôn muốn biết, muốn hiểu thấu đáo về nguồn cội của bản thân và đất nước. Một phần vì lúc còn học phổ thông, tôi cảm thấy chưa được thỏa mãn với những kiến thức được học về lịch sử và giá trị của các di sản vật thể. Lúc học ở Mỹ, cảm hứng của tôi đến từ tranh ảnh, bài viết về đình chùa, kiến trúc Pháp ở Việt Nam... vì trong khoảng thời gian đó, bạn bè xung quanh thường động viên, khích lệ tôi tìm tòi, đào sâu hơn về cội rễ của mình. Mặt khác, kiến trúc cổ còn là những nhân chứng sống về cuộc đời, vừa thân thuộc vừa lạ lẫm.
* Có mâu thuẫn chăng khi bạn chọn TP.HCM là nơi làm việc sau khi trở về nước, trong khi mối quan tâm của bạn liên quan đến kiến trúc thuộc địa, đền chùa cổ - vốn dĩ khá phổ biến ở Hà Nội?
- Một phần là vì gia đình tôi hiện sống ở đây. Phần còn lại, tôi khá tò mò về Sài Gòn. Thành phố này từng là nơi giao thoa, pha trộn của nhiều nền văn hóa, tôi cảm thấy thật gần gũi mà vẫn mới lạ và hấp dẫn.
* Có không ít nghệ sĩ, những người làm phim ảnh, âm nhạc hay các nhà thiết kế cũng được truyền cảm hứng bởi màu sắc hoài cổ từ những gì thuộc về quá khứ. Bạn có kế thừa niềm cảm hứng này?
- Trong dòng chảy lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ thuộc địa. Có lẽ vì chịu ảnh hưởng các nền văn hóa ngoại quốc mà người Việt vẫn thường trăn trở về tính thuần Việt trong đa số mô hình liên quan đến văn hóa. Riêng với tôi, sự pha trộn này luôn là điểm tôi muốn thu nạp vào quá trình sáng tác.
Tôi như con cá Koi
* Bạn bị ám ảnh bởi những cảm thức nào trong quá trình sáng tạo ra các tác phẩm lần này?
- Tôi bắt đầu có ý tưởng về cá Koi khi vẽ một bức tranh lớn hình oval với màu sáp. Tôi bị cuốn hút bởi những hình khối và các đường cong mềm mại của chúng. Tôi vẽ, xem mình có thể làm gì được với nó. Lúc ấy, tôi bắt đầu nhớ đến hình ảnh mái vòm trong các nhà thờ ở Ý... Tôi cho vào bản vẽ, rồi cứ thế, cho thêm nhiều hình ảnh đến lúc nhận ra đó là thứ mình thực sự tìm kiếm.
Ám ảnh thì không đến nỗi nhưng tôi rất mê theo đuổi hình ảnh cái vảy. Ba năm trước, trong ấn phẩm cuối cùng từ dự án đóng sách, tôi đã dựng một nhân vật hư cấu dưới biệt danh mẹ đặt cho tôi - Còi. Cái tên này, tiếng Nhật trùng lặp với tên của loài cá cảnh Koi. Tôi muốn mang hình ảnh chú cá ấy họa thành bức chân dung riêng mình, với mong ước tự do tự tại.
* Bạn có dựng lên lớp vảy bọc cho bản thân trong đời sống?
- Mỗi cá thể đều mang trong mình những câu chuyện riêng, sâu dưới lớp vỏ dày. Chẳng ai có thể xuyên qua được nếu không có sự cho phép của bản thân. Là người sống khá nội tâm, tôi muốn dựng lên vỏ bọc cho các sinh vật của mình như một cách gián tiếp làm đầy tinh thần trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi hướng đến nghệ thuật, tôi muốn có thể chia sẻ trung thực nhất về cảm xúc cùng mọi người.
* Phải chăng, xã hội hiện đại cũng đang khoác lên lớp vảy vô hình?
- Xã hội hiện đại vốn dĩ nhiều gièm pha nên việc mỗi người chủ động tạo một vỏ bọc là điều khó tránh khỏi. Để bảo vệ bản thân khỏi nhiều yếu tố, lớp vỏ ấy khá đa dạng: từ ngôn từ, cách ăn mặc… cho đến việc thu nạp kiến thức. Tuy nhiên, trong xã hội đương đại, lớp vảy chúng ta thường thấy nhất là sự hào nhoáng về đời sống vật chất. Điều này bắt nguồn từ tâm lý khát khao sở hữu và được coi trọng. Tất nhiên, đó chưa chắc là những gì chân thật, bền vững. Do đó, thay vì bồi đắp cho lớp vảy mỗi ngày một dày, tôi nghĩ, đôi khi chúng ta cũng cần học cách buông bỏ.
* Cảm ơn bạn đã chia sẻ.
Hoàng Linh Lan (thực hiện)
(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của giám tuyển Lê Thiên Bảo, thuộc Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, Q.2, TP.HCM.