“Kênh thông tin” của chị em

03/08/2014 - 08:04

PNO - PN - Với 25 năm theo nghề may, dì Trần Thị Thạch (SN 1956, ngụ KP.1, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) trở thành cầu nối để chị em hội viên (HV) nghèo học nghề, tìm việc làm. Không chỉ vậy, dì còn tham gia nhiều phong trào Hội.

edf40wrjww2tblPage:Content

NHỊP CẦU “3 TRONG 1”

Nhà dì Thạch trong một con hẻm nhỏ, sạch sẽ và thoáng mát. Gần 60 tuổi, dì vẫn rất linh hoạt, nụ cười giòn tan. Năm 1989, từ Bến Tre, dì Thạch đưa con trai lên TP.HCM lập nghiệp bằng nghề may. Ngồi nhà may riết cũng buồn, dì lân la hỏi chuyện chị em rồi “bén duyên” với Hội từ năm 1999. Hiện, dì là Chi hội trưởng Chi hội PN KP.1, P.Trung Mỹ Tây.

Nhắc đến dì Thạch, người dân trong khu phố ai cũng tấm tắc khen “năng động lắm”. Tính dì sôi nổi, cởi mở, nói đi đôi với làm. Từ năm 2009 - 2011, mỗi chi hội được phát Báo Phụ Nữ hai tờ/tuần miễn phí, dì chăm chú đọc từng câu, từng chữ. Hễ sinh hoạt chi hội là người ta thấy dì tay xách nách mang cả chồng báo, mới có, cũ có ra đọc lại cho chị em nào có nhu cầu nghe. Dì Thạch nói, đọc báo Hội để biết những hoạt động hay, hiệu quả của nơi khác mà học hỏi; biết tình hình thời sự, giá cả thị trường…

Thấy cuộc sống chị em trong khu phố còn nhiều khó khăn, công việc không ổn định, dì Thạch trăn trở mãi. Sẵn có nhiều mối giao hàng gia công, dì chạy tới chỗ này, liên hệ chỗ kia tìm hiểu nhu cầu nhân lực. Dì cũng ghé từng nhà HV, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng việc làm của các chị. Nhờ đó, dì đã giới thiệu cho 14 chị may gia công, ba chị học nghề uốn tóc, làm móng.

Chị Trần Thị Phước, theo nghề may nhưng thưa khách nên kinh tế gia đình rất chật vật. Có thời gian, chị Phước phải bỏ nghề chuyển qua lao động tự do, ai kêu gì làm nấy. Dì Thạch đã giới thiệu cho chị Phước có mối cắt chỉ quần áo, thu nhập khá dần. Chị Hồ Thị Gái phải gồng gánh nuôi ba người con ăn học trong khi công việc không ổn định. Dì Thạch không chỉ giới thiệu cho chị Gái vay vốn xóa đói giảm nghèo để mua máy may mà còn nhường mối hàng để chị có việc làm thường xuyên.

Dì Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN P.Trung Mỹ Tây tâm đắc: “Chị Thạch như kênh thông tin của chị em HV vậy. Từ giới thiệu việc làm, học nghề đến đọc báo Hội cho chị em nghe, hỗ trợ người nghèo, người già neo đơn, việc nào chị Thạch cũng nhiệt tình. Ngoài ra, chị còn tích cực vận động HV dùng giỏ nhựa, túi giấy thân thiện với môi trường để đi chợ thay cho túi ni lông”.

“Kenh thong tin” cua chi em

Dì Thạch (giữa) tham gia biểu diễn tiểu phẩm phòng, chống ma túy, HIV/AIDS

U60 VẪN “CHẠY” TỐT

Dì Thạch cùng chiếc xe đạp cũ đi đến nhiều nơi vận động học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, nuôi heo đất tiết kiệm… Nhờ những “chuyến đi thực tế” mà dì có cảm xúc viết tiểu phẩm tuyên truyền về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. Tiểu phẩm Lỗi tại ai?, Niềm vui người xa xứ do dì, sáng tác đã tham gia các chương trình văn nghệ của Hội PN phường, quận. Cầm tờ giấy chứng nhận là HV Chi hội Khiêu vũ thể thao TP.HCM, dì Thạch tủm tỉm cười: “Hồi trước, cứ cầm micro là đứng trơ trơ như tượng. Tôi quyết định đi học khiêu vũ cho tay chân linh hoạt, diễn văn nghệ cũng tự tin, uyển chuyển hơn. Mình U60 rồi nhưng với Hội, với chị em thì vẫn còn “chạy” tốt”.

Trong khu phố, dì Thạch được chị em quý mến vì là người hòa giải mát tay. Bữa nọ, đang cắm cúi may, dì Thạch giật thót mình khi chị H. hớt hơ hớt hải chạy qua khóc bù lu bù loa. Chị H. chỉ tay lên đầu, nói như phân bua: “Dì coi, ổng đánh con u đầu rồi. Con ly hôn thôi”. Tìm hiểu nguyên nhân, dì Thạch biết chồng chị H. làm việc cả ngày quần quật, về nhà cơm nước chưa có, lại còn bị vợ “sai” chăm con nên sinh bực bội, gây gổ. Dì Thạch thủ thỉ với chị H., là phụ nữ nên “hạ cái tôi xuống tí. Ham việc, ham kiếm tiền là đáng quý, nhưng đừng vì thế mà thiếu quan tâm chồng con”. Nhiều lần trò chuyện như vậy, rồi chị H. cũng xuôi tai. Chị H. tình thiệt với dì Thạch rằng thấy mình cũng sai, cũng “dữ quá trời” nên hứa sẽ sửa dần.

Từ ngày con trai cưới vợ và lập nghiệp ở xa, dì Thạch sống một mình. Thấy vợ chồng chị Hằng, anh Nam chưa có công việc ổn định, thuộc diện hộ nghèo, dì Thạch hay ghé thăm, động viên tinh thần. Chị Hằng thường đau ốm, con bị suy dinh dưỡng nên mỗi lần tới, dì Thạch lại đem khi mì gói, khi cân đường, hộp sữa cho em bé.

Chị Đỗ Thanh Dung (SN 1966) một nách ba con, thiếu trước hụt sau. Một mặt dì Thạch đề nghị Hội LHPN P.Trung Mỹ Tây hỗ trợ chị Dung sửa chữa nhà, mặt khác dì giới thiệu cho em Nguyễn Giang Ngân Thùy (SN 1996, con chị Dung) được nhận học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ Nữ. Chị Dung tâm sự: “Tôi chưa thấy ai nhiệt tình và sống hết lòng với người nghèo như chị Thạch. Nhờ có chị làm cầu nối với Hội, tôi đã được hỗ trợ nhiều, các con có thêm điều kiện đến trường, ngoan ngoãn, học giỏi”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI