Nước kênh nào cũng đen kịt, bốc mùi
Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen được khởi công xây dựng từ quý I/2020 và hoàn thành vào tháng 4/2022 với tổng vốn đầu tư 629 tỉ đồng nhưng nước trên kênh chỉ bớt đen một thời gian, nay vừa đen, thối, vừa đầy rác thải sinh hoạt, lục bình, xác động vật.
|
Người công nhân vệ sinh ngao ngán nhìn kênh Nước Đen - dù được đầu tư hơn 600 tỉ đồng để cải tạo nhưng giờ đây tuyến kênh này lại ngập rác và hôi thối - Ảnh: Khánh Hữu (chụp tháng 5/2024) |
Có nhà hướng mặt ra kênh, chị Nguyễn Hồng Nhung cho biết, khi mới được cải tạo, nước kênh rất sạch sẽ, mùi hôi thối giảm đáng kể, lòng kênh thông thoáng. Khoảng nửa năm nay, kênh lại ô nhiễm như lúc chưa cải tạo. Theo chị, kênh tái ô nhiễm là do quá nhiều người xả rác xuống, cộng với lục bình ken dày, bít dòng chảy.
Từ kênh Nước Đen, chúng tôi chạy xe máy khoảng 8km tới kênh Tân Hóa - Lò Gốm chảy qua các quận 6, 11, Tân Phú. Trước đây, dòng kênh này ô nhiễm nặng, vừa đen đặc, vừa tanh hôi. Tháng 12/2011, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm được khởi công và hoàn thành vào tháng 4/2015 với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng. Dự án gồm các hạng mục nạo vét 300.000m3 bùn để khơi thông dòng chảy, xây dựng 12km đường bờ bao, xây lắp gần 8.000m cống thu gom nước thải. Sau khi được cải tạo, nước kênh trong trẻo được vài năm rồi lại đen, lềnh bềnh rác thải và bốc mùi.
Thường đi bộ rèn sức khỏe trên bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm mỗi buổi chiều, ông Nguyễn Văn Chánh (quận 6) cho hay, ông sống bên kênh này hơn 10 năm nên đã quen với mùi hôi, nhưng bạn bè ông từ nơi khác đến chịu không thấu mùi này. Ông cũng lo ngại cho sức khỏe khi triền miên hít thở không khí ô nhiễm nhưng do “ở đâu quen đó” nên không thể bán nhà đi nơi khác ở.
|
Kênh Nước Đen được cải tạo xong từ năm 2022 nhưng nay vẫn ô nhiễm nặng - Ảnh: Khánh Hữu (chụp tháng 5/2024) |
Tương tự, dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) được khởi công từ tháng 3/2003, hoàn thành trong năm 2012 với tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỉ đồng, cũng trong trẻo, sạch sẽ được một thời gian rồi tái ô nhiễm. Hiện tại, đoạn kênh qua quận Tân Bình đầy rác thải, ruồi muỗi, bốc mùi hôi thối dù mỗi ngày, công nhân môi trường đều đi thu gom rác.
Nước thải ra kênh phải qua khâu xử lý
Trao đổi với chúng tôi, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho hay, tình trạng tái ô nhiễm kênh rạch ở TPHCM sau khi cải tạo đã xảy ra từ nhiều năm trước. Ngoài nguyên nhân xả rác bừa bãi xuống kênh, nước kênh ô nhiễm còn trong quá trình cải tạo, việc xây dựng các công trình cống bao để tách nước thải chưa được hoàn hảo, một số cống dẫn nước thải chưa được cách ly khỏi kênh nên vẫn còn một lượng nước thải đổ vào kênh. Dễ thấy là mỗi khi có mưa đầu mùa, cá trên kênh chết rất nhiều.
Theo ông, kênh rạch phía thượng nguồn bị ô nhiễm nặng hơn, phía hạ nguồn bị nhẹ hơn do có nước sông ra vào, pha loãng tạp chất và cuốn ra sông. Ví dụ như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ trở lên phía quận Tân Bình có mức độ ô nhiễm cao hơn do triều cường chỉ lên tới cầu thì rút, nước ở phần trên trao đổi với dòng chính không đáng kể. Mức độ ô nhiễm của mỗi kênh cũng khác nhau, như kênh Tân Hóa - Lò Gốm có mức độ ô nhiễm cao hơn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có vốn đầu tư cao, việc bịt các nguồn thải tốt, đồng thời được nối với dòng chính có lưu lượng nước lớn.
Về giải pháp chống ô nhiễm, ông Nguyễn Đinh Tuấn cho rằng, cơ quan chức năng cần có đợt khảo sát lại, bịt những hệ thống thoát nước thải đô thị đang chảy thẳng vào các kênh, cho chảy theo hướng khác. Về lâu dài, ngành thoát nước cần xử lý mọi nguồn nước thải đô thị. Đến nay, chỉ vài nơi có xử lý nước thải, như khu vực nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa và một số chung cư cao cấp, khách sạn, khu công nghiệp.
|
Nước kênh Tân Hóa - Lò Gốm đen kịt và bốc mùi hôi - Ảnh: Tú Ngân (chụp tháng 6/2024) |
Ông đề nghị chính quyền thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không xả rác xuống kênh, tăng cường kiểm tra, xử phạt thật nặng trường hợp cố tình xả rác nhằm hạn chế rác trên kênh. Việc vớt rác trên kênh cần được duy trì thường xuyên, không được gián đoạn nhằm tránh việc rác tích tụ, chìm lắng và không thể vớt. Nhưng giải pháp quan trọng và tối ưu vẫn là xây các nhà máy xử lý nước thải bởi nếu không, kênh rạch có thể giảm ô nhiễm nhưng sông ngòi lại tăng ô nhiễm. “Chỉ khi nào xây dựng đủ số nhà máy xử lý nước thải cần thiết thì kênh rạch, sông ngòi mới trong xanh trở lại” -
ông nói.
Vũ Quyền - Tú Ngân
Hà Nội sẽ có 41 nhà máy thu gom, xử lý nước thải vào năm 2030 TP Hà Nội có 13 con sông và khoảng 120 hồ nhưng hầu hết đều ô nhiễm, nước thường xuyên có mùi hôi, cá liên tục chết. Theo kế hoạch về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, chính quyền thành phố chú trọng 5 nhóm giải pháp, gồm tiếp tục xây các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu, từng công trình; ưu tiên xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định; giảm thiểu ô nhiễm lưu vực các sông Nhuệ, Cầu Bây; ưu tiên đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở khu dân cư tập trung của một số huyện theo đề án lên quận vào năm 2025. Theo quy hoạch, đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ có 41 nhà máy thu gom, xử lý nước thải với tổng công suất 1,8 triệu m3/ngày đêm, xử lý 100% nước thải sinh hoạt. Nhưng hiện tại, toàn thành phố chỉ có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt, xử lý được khoảng 30% lượng nước thải sinh hoạt. Đó là chưa kể, toàn thành phố có 29 cụm công nghiệp và rất nhiều làng nghề nhưng chỉ khoảng 60% số cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung, còn làng nghề thì không có trạm. Minh Tuệ |
Huy động nguồn lực xây dựng thêm 6 nhà máy xử lý nước thải Theo quy hoạch, TPHCM sẽ xây dựng 11 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất gần 3,1 triệu m3/ngày vào năm 2030. Đến nay, toàn thành phố có 7 cơ sở xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế 644.000 m3/ngày, trong đó có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung là Bình Hưng (công suất 469.000 m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000 m3/ngày), Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 1 (131.000 m3/ngày) và 4 trạm xử lý nước thải trong khu dân cư có quy mô nhỏ ở quận 7, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức với tổng công suất 14.200 m3/ngày. Trước thực tế này, vừa qua, Sở Xây dựng đề xuất UBND TPHCM huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới 6 nhà máy và nâng công suất 1 nhà máy. Tổng mức đầu tư của 7 dự án này lên đến 31.650 tỉ đồng (chưa bao gồm hệ thống thu gom, chuyển tải nước thải và trạm bơm chuyển tiếp tại một số lưu vực). Đứng đầu danh sách là xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư 10.360 tỉ đồng. Nhà máy dự kiến xây dựng trên khu đất 36ha ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, công suất 680.000 m3/ngày. Dự án sẽ thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của lưu vực Bình Tân, lưu vực tây Sài Gòn, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, lượng nước thải sinh hoạt qua xử lý trước khi thải ra môi trường đạt trên 75%, đến năm 2030 đạt 88%. Để đạt được mục tiêu này, cần xây dựng các hệ thống xử lý nước thải. Sở Xây dựng TPHCM cho biết, sở đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thuộc dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2. Nhà máy này có công suất khoảng 480.000 m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025, nâng tỉ lệ nước thải qua xử lý ở TPHCM lên khoảng 71%. UBND TPHCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải theo kế hoạch, quy hoạch đã được ban hành. Quyền - Ngân |
Đà Nẵng chi hơn 13.300 tỉ đồng cho thoát nước Thời gian qua, chính quyền TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều dự án thoát nước đô thị với tổng kinh phí hơn 13.300 tỉ đồng. Hiện nay, một số tuyến thoát nước chính vẫn đang được thi công và khi hoàn thành, TP Đà Nẵng sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập và ô nhiễm nước. Theo Quyết định số 1287 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Đà Nẵng sẽ triển khai 19 dự án cấp nước, thoát nước. Tổng công suất các trạm xử lý nước thải sinh hoạt năm 2030 đạt 515.000 m3/ngày. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng sẽ lập bản đồ ngập úng toàn thành phố để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ngập. Lê Đình Dũng |
Các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để ô nhiễm rác thải Ngày 13/6, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường ký văn bản gửi các sở ngành, quận huyện, TP Thủ Đức và Công an TPHCM về xử lý ô nhiễm rác thải ở nơi công cộng và kênh rạch trên địa bàn TPHCM. Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên đường phố, kênh rạch và nơi công cộng trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện. Đồng thời, có biện pháp duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã xử lý ô nhiễm, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới. Lập danh mục các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải để theo dõi, quản lý và có báo cáo định kỳ hằng quý gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND TPHCM. Tăng cường tuyên truyền, vận động và yêu cầu các chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện trách nhiệm quản lý rác thải phát sinh trước mặt tiền hộ gia đình, hộ kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị của khu vực; có giải pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không chấp hành quy định của địa phương. Tổ chức quản lý các khu vực đất trống có phát sinh rác thải không đúng nơi quy định, tồn lưu nhiều ngày gây ô nhiễm môi trường hoặc mất mỹ quan đô thị. Triển khai và xử lý các trường hợp không tham gia ký hợp đồng thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi xả rác ra đường phố, kênh rạch và khu vực công cộng; quán triệt quan điểm chấm dứt việc xả rác thải không đúng nơi quy định dẫn đến việc lãng phí ngân sách nhà nước cho các công tác vớt, thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch và quét rác, dọn dẹp vệ sinh đường phố. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TPHCM nếu để xảy ra tình trạng phát sinh điểm ô nhiễm mới và tình trạng tái ô nhiễm tại các khu vực đường phố, kênh rạch đã xử lý. UBND TPHCM giao Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBND TP Thủ Đức và các quận Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú rà soát, khẩn trương giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm trên tuyến kênh 19/5, kênh Nước Đen, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Ông Bàu, rạch Cầu Làng, đường Lương Văn Can, đường vận hành Suối Nhum, đường Lê Văn Chí, đường CN1 khu công nghiệp Tân Bình, khu vực cầu Trường Đai nối quận Gò Vấp và quận 12. Khánh Hữu |