Kênh rạch chưa thể hồi sinh vì còn chờ nhà máy

19/12/2022 - 06:50

PNO - Nhiều dòng kênh ở TPHCM được cải tạo, chỉnh trang nhưng nước kênh vẫn còn ô nhiễm do chưa có nhà máy xử lý nước thải.

Mới thay da chứ chưa đổi thịt

Cách đây khoảng 10 năm, nhóm chuyên gia của Viện Sinh học nhiệt đới bắt đầu đánh giá chất lượng nước sông Sài Gòn thông qua phương pháp quan trắc sinh học. Khi đó, các chuyên gia đã chỉ ra “điểm đen” về chất lượng nước sông Sài Gòn nằm tại cửa xả Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khu vực này có chất lượng nước rất kém. Vào mùa mưa, nước thải còn lan xuống, gây ô nhiễm khu vực bến Bạch Đằng.

10 năm sau, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đã có tuyến cống bao, dự kiến sẽ thu gom nước thải của các quận ven kênh để xử lý. Tuy nhiên, do chưa có nhà máy nên nước thải chưa qua xử lý vẫn được đưa ra sông Sài Gòn. Khu vực cửa xả Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay vẫn là “điểm đen” về chất lượng nước ở sông Sài Gòn.

Để kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được hồi sinh, cần vận hành nhà máy xử lý nước thải
Để kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được hồi sinh, cần vận hành nhà máy xử lý nước thải

Khi đi dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ở nhiều đoạn, người dân vẫn thấy dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi. Hằng ngày, các công nhân vẫn tất bật vớt rác trên tuyến kênh này. Việc vớt rác chỉ giúp dòng kênh giảm được phần nào ô nhiễm.

Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường - cho rằng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nay đã có cảnh quan hai bờ đẹp, nhưng đấy chỉ mới là “thay da” chứ chưa “đổi thịt” bởi nước kênh vẫn ô nhiễm, nhất là ở thượng nguồn: “Thiệt hại của việc ô nhiễm là rất lớn. Cách đây vài năm, người ta có đưa du khách đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng khách chê, bởi chẳng ai muốn du lịch trên một dòng kênh hôi thối”.

Tương tự, sau khi được cải tạo, kênh Tân Hóa - Lò Gốm vẫn cần đến đội tàu vớt rác. Một công nhân nói, khi vớt rác trên kênh này, anh thấy có những chiếc ống nhựa to, xả nước đen ngòm ra kênh. Những ngày nắng nóng, khi đi vớt rác, anh đã bịt 2 lớp khẩu trang mà mùi hôi vẫn xộc vào mũi, rất khó chịu.

Ông Nguyễn Văn Anh (quận 6) kể, hộ ông là một trong những hộ đầu tiên bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, bởi dân sống dọc kênh đã quá ngán cảnh hàng chục năm sống bên dòng kênh ô nhiễm. Khi kênh được cải tạo, hằng ngày, ông thường dắt cháu ra bờ kênh tập thể dục. Ông nhận xét: “Bờ kênh được xây đẹp, nhưng nước dưới kênh vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc mỗi khi có mưa. Từ sau đợt dịch COVID-19 đến giờ, ô nhiễm có vẻ nặng hơn”.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để cải tạo mà vẫn ô nhiễm là do chưa có hệ thống xử lý nước thải. Hằng ngày, dòng kênh này vẫn trực tiếp hứng nước thải sinh hoạt của các khu dân cư hai bên bờ. 
Tương tự, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ vẫn ô nhiễm là do nhà máy Bình Hưng chỉ mới xử lý nước thải cho lưu vực 1.000ha của các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10, 11, chưa xử lý nước thải cho lưu vực rộng 2.000ha thuộc các quận 6, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.

Chờ hoài chưa thấy nhà máy

Ông Nguyễn Văn Mỹ - sống ở làng đại học Thủ Đức (TP Thủ Đức) - cho biết, rạch Suối Nhum ở khu này ngày càng ô nhiễm nặng hơn do nước bẩn từ thượng nguồn đổ về, nước sinh hoạt ở khu dân cư và trường học, nước phân gia súc, gia cầm xả trực tiếp xuống rạch.

Được biết, UBND TPHCM vừa có văn bản về tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến kênh thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái giai đoạn 2022-2025. Theo đó, UBND TPHCM dự kiến sẽ xây nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 với công suất 170.000m³/ngày, trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 với công suất 130.000m³/ngày, trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum với công suất 65.000m³/ngày. 

Từ năm 2015, có một đơn vị trong nước đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 nhưng sau đó không triển khai xây dựng. Mới đây, một doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ nguyện vọng lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đầu tư dự án này. 

Theo quy hoạch đã được UBND TPHCM phê duyệt, ở 12 lưu vực thoát nước của TPHCM, sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải nhưng đến nay, chỉ có 3 nhà máy được xây xong và hoạt động chưa hết công suất, gồm Bình Hưng (công suất 141.000m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000m3/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (15.000m3/ngày). Ngoài ra, còn có một số trạm xử lý nước thải phân tán trong khu dân cư. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày, toàn thành phố phát sinh khoảng 3 triệu m3 nước thải nhưng số nhà máy xử lý nước thải hiện có chỉ xử lý được hơn 12%, số còn lại đổ thẳng ra kênh rạch.

Phân loại nước thải để xử lý hiệu quả

Theo các chuyên gia, việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải để hạn chế ô nhiễm kênh, rạch là hết sức cần thiết. Nhưng việc này cần làm đồng bộ để tránh lãng phí. Như trước đây, người ta xây xong hệ thống cống bao thu gom nước dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng lại chưa xây xong nhà máy xử lý nước thải nên có cống cũng như không. Còn ở kênh Tham Lương - Bến Cát, nhà máy xử lý nước thải đã có nhưng hệ thống cống bao thu gom và chuyển nước thải về nhà máy lại chưa có.

Cá chết nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau một trận mưa do nguồn nước bị ô nhiễm
Cá chết nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau một trận mưa do nguồn nước bị ô nhiễm

Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM - muốn xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị lớn, cần nhìn ở góc độ tổng thể. Hiện nay, hạ tầng thu gom nước thải của TPHCM thu gom chung cả nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và cả nước biển. Do đó, nếu đưa lượng nước thải này về một nhà máy để xử lý thì không có quy trình công nghệ nào để xử lý triệt để. Chưa kể, muốn xây dựng hàng loạt nhà máy xử lý nước thải, cần có cả chục tỉ USD, nguồn vốn từ ngân sách không đảm đương nổi, còn kêu gọi nhà đầu tư thì phải chờ đợi lâu. 

Ông đề xuất: “Nên thu gom theo từng vùng, sau đó đưa toàn bộ nước thải vào hồ sinh thái, xử lý bằng hệ thống sục khí tạo ô xy cho vi sinh vật phát triển, tự cải thiện chất lượng nước theo thời gian. Ngoài chia nhỏ vùng thu gom, cần quản lý đầu vào các nguồn xả thải, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất bột giặt, nước giặt, các loại mỹ phẩm chuyển sang công nghệ không sử dụng xút tổng hợp mà sử dụng xút hữu cơ, thân thiện môi trường”.

Về việc xây các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch, tiến sĩ Phạm Viết Thuận cho rằng, cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt giữa nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp để xử lý hiệu quả.

Giáo sư Lê Huy Bá cũng cho rằng, nếu cứ để nước thải chưa qua xử lý tràn ra kênh, rạch như hiện nay thì sẽ không bao giờ giải quyết được căn cơ tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch: “Chúng ta để nước thải ra gây ô nhiễm, rồi sau này cải tạo lại thì sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền. Kênh rạch vốn là lợi thế của TPHCM bởi chúng có vai trò như là các hồ điều tiết để chống ngập. Nếu phát huy được, kênh rạch sẽ là điểm nhấn về du lịch cho thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, cứ nghĩ đến kênh rạch ở TPHCM, người ta nghĩ ngay đến ô nhiễm. Đây là một sự lãng phí rất lớn”.

Theo giáo sư Lê Huy Bá, cần xem lại quy hoạch và quản lý việc xử lý nước thải ở TPHCM. Ông cho rằng, trong quy hoạch, cần phải tách nước thải sinh hoạt và nước mưa để xử lý nhằm giảm khối lượng, tránh lãng phí. Ông cũng đồng tình với giải pháp thu gom nước thải theo từng vùng để xử lý. Về mặt quản lý, cần có thêm các chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và đầu tư hợp lý để tránh lãng phí. 

Sơn Vinh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI